Vợ "bầu" Kiên: "Tôi tin tưởng vào chồng nên thấy không có gì là sai"

VOV.VN-Bà Lan nói không quan tâm đến các hoạt động kinh doanh. “Tôi tin tưởng vào chồng tôi nên tôi thấy không có gì là sai cả”.


17h10: 
Tòa nghỉ. Ngày mai, phiên xét xử tiếp tục diễn ra.

17h00: Nói về vai trò của Hội đồng sáng lập, Kiên cho biết, là cơ quan tư vấn cho HĐQT trong điều hành Ngân hàng ACB. 

Về cuộc họp thường trực HĐQT ngày 23/10/2010, Kiên cho biết, đó là cuộc họp giao ban và có mời các thành viên hội đồng sáng lập tham dự là ông Trần Mộng Hùng và Nguyễn Đức Kiên. Trong cuộc họp giao ban thường kỳ bàn nhiều nội dung về kế hoạch phát triển của ngân hàng ACB. Tại cuộc họp Lý Xuân Hải đề xuất việc ủy thác tiền cho nhân viên đi gửi tiền ở ngân hàng khác. 

Tại cuộc họp không thành viên nào thảo luận, ông Trần Xuân Giá yêu cầu các thành viên phát biểu ý kiến. Bị cáo Kiên không được đề xuất nêu ý kiến nhưng Kiên nói: “Nếu phát biểu tôi cũng đồng ý với đề xuất này”.

Nói về tài liệu của cơ quan điều tra về việc ông Trần Mộng Hùng đề nghị giảm lãi suất huy động, bị cáo Kiên không đồng ý. Kiên một lần nữa khẳng định, không được hỏi ý kiến, tuy nhiên nếu được hỏi thì vẫn sẽ đồng ý.

Nói về Nghị quyết HĐQT, Kiên nói rành mạch trong đó có việc HĐQT đồng ý với việc thông qua việc gửi tiền. Và ông Hòa – Kế toán trưởng của Ngân hàng ACB thời điểm đó thực hiện Nghị quyết.

Về việc Kiên có tác động trong việc ra Nghị quyết của HĐQT, Kiên bảo, Kiên không có vai trò gì trong ngân hàng ACB để có thể tác động đến việc ra nghị quyết. Kiên cũng phủ nhận việc Ngân hàng ACB gửi tiền sang các ngân hàng khác.

Về lời khai của các người khác, Kiên cho biết, không bình luận, lời khai của mọi người thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

“Họ đều là người làm việc lâu năm, có người tôi rất kính trọng, có người là nhân viên được đào tạo lên làm quản lý”, Kiên nói

16h56: HĐXX tách riêng các bị cáo, tiếp tục thẩm vấn bầu Kiên.

16h51: Tại tòa, bị cáo Cang khai: 31/12/2010, có đơn từ nhiệm để sang làm việc cho ngân hàng khác và sau đó được chấp thuận, tuy nhiên vẫn có chân trong hội đồng tín dụng của Ngân hàng ACB.

Đối với việc ủy thác tiền gửi cho các nhân viên, bị cáo Cang nói: sau khi từ nhiệm, bị cáo không được báo cáo do không còn là thành viên trong HĐQT. Bị cáo Cang cũng khai, không có yêu cầu việc báo cáo và cũng không biết ngân hàng ACB có còn thực hiện ủy thác tiền gửi hay không.

Đối với việc tham gia ký văn bản Nghị quyết ngày 22/3/2010, bị cáo Cang cho biết thời điểm đó không sai, nhưng sau đó có Luật Tổ chức tín dụng mới, bị cáo nói “không biết có sai nữa không”.

Nếu việc thực hiện Nghị quyết này - nếu sai so với Luật Tổ chức tín dụng, bị cáo Cang vẫn quả quyết rằng, bị cáo vẫn không có trách nhiệm.

16h37: Trả lời HĐXX về vai trò của bầu Kiên trong việc ra Nghị quyết, bị cáo Cang cho biết, nếu bầu Kiên không đồng ý thì Nghị quyết HĐQT sẽ không thông qua được. Bị cáo Cang nhấn mạnh: “Vai trò của Hội đồng sáng lập rất lớn”.

16h30:
 Bị cáo Cang khai, có tham gia cuộc họp thường trực HĐQT ngày 22/3/2010. Cuộc họp gồm có Hội đồng sáng lập, thường trực HĐQT… Cuộc họp bàn cách giải quyết số tiền đang dư trong ngân hàng (do nhiều người dân gửi tiền mà doanh nghiệp đang khó khăn mà không vay).

Theo bị cáo Cang, Lý Xuân Hải là người đưa ra sáng kiến gửi tiền vào các ngân hàng khác để tránh tình trạng thua lỗ vì cũng có tình trạng một số nhân viên ngân hàng khác sang gửi tiền vào Ngân hàng ACB. HĐQT thời điểm đó có 2 lo lắng: Nhân viên lấy tiền trốn mất, và lo lắng về pháp lý là có phù hợp không.

Thời điểm đó Lý Xuân Hải bảo đã tham khảo và cho biết không có gì sai. Hội đồng sáng lập đồng ý với sáng kiến của Lý Xuân Hải.

 16h25: HĐXX thẩm vấn bị cáo Phạm Trung Cang.

Theo bản cáo trạng lần 2 của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về vụ “bầu Kiên”- ông Phạm Trung Cang (SN 1954, tại Long An) – nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB là một trong hai đồng phạm bổ sung. Ông Phạm Trung Cang bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Hành vi của ông Phạm Trung Cang liên quan đến việc Ngân hàng ACB ủy thác tiền gửi vào Ngân hàng Vietinbank, gây thiệt hại số tiền hơn 718 tỷ đồng.

Để phục vụ công tác thi hành án, trong bản cáo trạng lần 2 của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ngày 27/1, cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã kê biên 3 bất động sản do Nguyễn Đức Kiên và vợ đứng tên sở hữu gồm: Nhà và đất tại số 5, Hồ Biểu Chánh, phường 12, quận Phú Nhuận, TP HCM; Nhà và đất ở tại số 22, Hoàng Dư Khương, phường 12, quận 10, TP HCM; Ngoài ra còn kê biên hơn 2.400m2 đất tại 78/6 Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, TP HCM.


Ông Nguyễn Đức Kiên

Ngoài ra, cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Ngân hàng ACB phong tỏa, quản lý toàn bộ số cổ phiếu, cổ phần do Nguyễn Đức Kiên và người thân đang sở hữu tại Ngân hàng ACB (xem thêm)


16h20:
Theo bị cáo Tuấn, ở ngân hàng ACB có một “tập quán” là HĐQT và Thường trực HĐQT ngoài thành viên chính thức thì thường xuyên có khách mời. Cuộc họp ngày 22/3/2010, Huỳnh Quang Tuấn cho biết chưa phải thành viên của HĐQT nhưng họp với tư cách khách mời. Ở những cuộc họp này, nếu được hỏi, khách mời có thể có ý kiến.

Nhớ lại phiên họp, bị cáo Tuấn cho biết, cuộc họp có nhiều nội dung, thời điểm này bị cáo Tuấn đang là Phó Tổng giám đốc chịu trách nhiệm phụ trách khu vực phía Bắc. 

Đối với Nghị quyết của HĐQT, bị cáo cho biết, đến khi khởi tố vụ án mới hình dung ra có “một Nghị quyết” như vậy.

16h10: HĐXX tiếp tục làm việc. Sau giờ nghỉ giải lao, HĐXX thẩm vấn bị cáo Huỳnh Quang Tuấn.

15h55: Tòa nghỉ giải lao.

15h50: Đối với một số lời khai tại cơ quan điều tra, bị cáo Trịnh Kim Quang cho rằng bị ép cung. Bị cáo Quang cũng cho biết đã có bản tường trình ngay sau đó và mong HĐXX xem xét.

Nói về nhận thức của mình, bị cáo Quang nói rằng, nhận thức ở thời điểm này và thời điểm lấy lời khai tại cơ quan điều tra là khác nhau.

15h40: Bị cáo Quang khai, người đề xuất tiền gửi là Lý Xuân Hải. Ông Quang không biết việc gửi tiền vào ngân hàng Vietinbank.

Ông Quang cho rằng, việc gửi tiền vượt trần (trên 14% thời điểm đó) không phải lỗi của Ngân hàng ACB mà lỗi của bên huy động (Ngân hàng Vietinbank).


Bị cáo Trịnh Kim Quang


15h30: Tòa tiếp tục thẩm vấn bị cáo Trịnh Kim Quang. Bị cáo Quang cho biết, ở ngân hàng ACB, ông Trần Mộng Hùng – Chủ tịch Hội đồng sáng lập và Nguyễn Đức Kiên (Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập) là hai người quyền lực nhất.

Nói về vai trò của bầu Kiên, bị cáo Quang thừa nhận, tại Ngân hàng ACB, Kiên có quyền lực “vô hình”.

15h20: Nói về Nguyễn Đức Kiên, bị cáo Kỳ cho biết, Kiên là người rất có uy tín trong ngân hàng.

15h15: Theo bị cáo Lê Vũ Kỳ, chủ trương ủy thác tiền gửi vào thời điểm ký là không sai. Tuy nhiên việc chủ trương này có được tiếp tục thực hiện hay không là do ban điều hành.

15h00: HĐXX tiếp tục thẩm vấn bị cáo Lê Vũ Kỳ. 

Theo cáo trạng, đối với tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Kiên cùng các bị cáo: Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn đã gây thiệt hại cho ngân hàng ACB số tiền hơn 718 tỷ đồng.

Trong tội Cố ý làm trái, các bị cáo còn bị cáo buộc việc thống nhất, ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoáng và hành vi tổ chức thực hiện việc đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB của bị can Nguyễn Đức Kiên, Lê Vũ Kỳ là làm trái quy định tại điều 29, quyết định 27/2007/QĐ-BTC ngày 24/4/2007 của Bộ Tài chính và đã gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền gần 687 tỷ đồng.


Bị cáo Lê Vũ Kỳ

14h45:
Theo cáo buộc, các bị cáo đã lợi dụng việc ủy thác tiền gửi tại các ngân hàng khác nhằm lấy tiền hoa hồng và tiền thưởng và nhận được lãi suất tiền gửi. 

HĐXX hỏi: "Tiền do các nhân viên đưa đi gửi ngân hàng Vietinbank, việc phát sinh thưởng và hoa hồng đều thuộc về ACB?". Bị cáo Lý Xuân Hải trả lời: Đúng.

14h50: HĐXX thẩm vấn Lý Xuân Hải: Việc để nhân viên đi ủy thác tiền gửi là trái quy định với Luật tổ chức tín dụng? 

Trả lời HĐXX, bị cáo Hải nói: "Khi Luật tổ chức tín dụng có hiệu lực nhưng chưa có hướng dẫn thì theo quy định của NHNN thì vẫn áp dụng văn bản cũ".

14h40: HĐXX: Ngày 7/6/2011, thường trực HĐQT có họp không?

Hải: Chắc là có.

HĐXX: Thế bị cáo chỉ đạo ai thực hiện ủy thác tiền gửi.

Hải: Tôi không chỉ đạo mà là Nguyễn Văn Hòa (thời điểm đó là Kế toán trưởng Ngân hàng ACB).

HĐXX: Cuộc họp ngày 7/6/2011, các bị cáo vẫn quyết định thông qua chủ trương ủy thác tiền gửi?

Hải: Đúng.

Bị cáo Hải tái khẳng định, việc Hòa thực hiện việc ủy thác tiền gửi là thực hiện chủ trương của HĐQT không cần phải thông qua Lý Xuân Hải.



14h20: Bầu Kiên tiếp tục được tòa cách ly để thẩm vấn các bị cáo khác. Đầu tiên, HĐXX thẩm vấn bị cáo Lý Xuân Hải. 

Theo bị cáo Lý Xuân Hải, chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB gửi tiền được thực hiện vào khoảng tháng 3/2010. Chủ trương được thông qua sau cuộc họp Hội đồng quản trị và Hội đồng sáng lập (trong đó có bầu Kiên) vào ngày 22/3/2010.

Nội dung cuộc họp 22/3/2010, bàn về cách ứng xử của ACB trong việc thị trường đang có nhiều rối loạn. Tinh thần chung của cuộc họp là đồng thuận. Cuộc họp bàn chủ yếu làm sao ACB vượt qua thời điểm khó khăn của tình hình tài chính thời điểm đó. Cuộc họp nhất trí không đặt nặng hiệu quả và tăng trưởng trong thời điểm rối ren, không để độ thanh khoản giảm quá nhanh….

14h15:
Tòa bắt đầu làm việc. Chiều nay, HĐXX làm rõ hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 

14h00: Các bị cáo được dẫn vào phòng xử án. Phiên Tòa vẫn chưa bắt đầu.



11h30: Tòa thông báo nghỉ phiên làm việc sáng nay. Chiều nay, vào lúc 14h, Tòa tiếp tục làm việc.

11h20: Nguyễn Đức Kiên khai: Nhận ủy thác của em gái, Kiên đã kê khai thuế và nộp thuế cho Hương nhưng vì có Nghị quyết Quốc hội về miễn giảm thuế cho Hương nên tôi không nộp thuế nữa.

Biện luận về việc HĐXX “vặn” việc Hương hưởng lợi nhuận là vào tháng 6, thời điểm chưa được miễn thuế thu nhập cá nhân, Kiên nói: "Thời điểm trả lợi nhuân cho Hương thì Nghị quyết Quốc hội đã có hiệu lực". 

"Đến thời điểm này (đang đứng ở trước tòa), Công ty B&B vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo thuế nào"-Kiên nói.

11h05: HĐXX truy vấn bị cáo Kiên về tội trốn thuế, bị cáo cho biết, hợp đồng ủy thác tài chính do Kiên soạn thảo. Tại công ty B&B, Kiên có tất cả quyền điều hành, là người đại diện pháp luật của Công ty B&B. Trong việc thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính, bị cáo Kiên là người ra lệnh mua và bán.

11h00: Liên quan đến tội Trốn thuế, đại diện ngân hàng ACB cho biết: Công ty B&B ủy thác kinh doanh vàng với Ngân hàng ACB ở nước ngoài thì phải chịu những khoản thuế: Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Với tư cách là người giám định, ông Vũ Quang Hưng – đại diện Bộ Tài chính cho biết: Căn cứ vào hồ sơ, tài liệu…  kết luận giám định, Công ty B&B phải nộp trên 25 tỷ đồng tiền thuế.

Lợi nhuận từ số tiền kinh doanh vàng ở công ty B&B, hơn 100 tỷ đồng, em gái bầu Kiên được chia 68 tỷ đồng. Bà Hương chuyển vào tài khoản cá nhân của Kiên hơn 20 tỷ đồng.



10h35: HĐXX thẩm vấn em gái của Nguyễn Đức Kiên, bà Nguyễn Thúy Hương. 

Bà Hương nói: Ở Công ty B&B, bà là thành viên góp vốn, là thành viên của HĐQT. Việc bà Hương ký hợp đồng ủy thác tài chính là do bầu Kiên đưa ra. “Kiên là anh trai, nên tôi rất tin tưởng”.

10h30: Đối với việc ký hợp đồng ủy thác, bà Lan cho hay, là chỉ biết ký nhưng không nhớ ký những gì. Bà Lan cũng không nhớ ai soạn thảo hợp đồng và ai là người yêu cầu ký. Đa số việc ký hợp đồng bà Lan đều thực hiện ở nhà do đang trong thời gian sinh nở. 

Theo trả lời của bà Lan, bà không quan tâm đến các hoạt động kinh doanh. “Tôi tin tưởng vào chồng tôi nên tôi thấy không có gì là sai cả”.

10h23: Bà Lan cho biết, tất cả các hoạt động tại Công ty B&B bà Lan không nắm được, đặc biệt khi có hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính, thời điểm đó, bà Lan đang trong giai đoạn sinh nở.

10h15:
Tòa kết thúc phần xét hỏi với tội danh kinh doanh trái phép. Tòa chuyển sang xét hỏi tội danh trốn thuế. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên được Tòa cách ly.

Vợ của Nguyễn Đức Kiên bà Đặng Ngọc Lan được tòa mời lên trả lời thẩm vấn. Bà Lan là Tổng Giám đốc của Công ty B&B.

Bà Đặng Ngọc Lan được tòa mời lên trả lời thẩm vấn

Theo cáo trạng, Công ty B&B được thành lập vào cuối năm 2008. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty này là: Xây dựng dân dụng công nghiệp, xây dựng nhà ở, kho bãi đỗ xe, kinh doanh vàng bạc, đá quý (không bao gồm xuất khẩu vàng nguyên liệu); quảng cáo và nghiên cứu thị trường.

Dưới sự chỉ đạo của Kiên, bà Đặng Ngọc Lan - đại diện Công ty B&B đã thực hiện ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính số 01-VGS/HĐƯT.08, ngày 25/12/2008 với Ngân hàng ACB.

Nội dung hợp đồng thể hiện: Công ty B&B ủy thác cho Ngân hàng ACB thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính thông qua việc kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam theo văn bản của Công ty B&B.

Thực hiện hợp đồng trên, từ ngày 25/12/2008 đến ngày 31/12/2009, Công ty B&B đã có văn bản ủy thác cho Ngân hàng ACB mở trạng thái giao dịch mua bán vàng ngoài lãnh thổ với tổng khối lượng là 440.250 ounce. Sau khi trừ chi phí vốn và phí ủy thác, Công ty B&B thu được lãi số tiền hơn 100 tỷ đồng.

Do biết Quốc hội có Nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009, để trốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Công ty B&B, theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, bà Đặng Ngọc Lan ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính số 010109/ƯTĐT ngày 25/12/2008 và bà Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên là cổ đông Công ty B&B).

Nội dung hợp đồng thể hiện: Nguyễn Thúy Hương ủy thác cho Công ty B&B đầu tư vào việc kinh doanh vàng ghi sổ với số lượng mua/bán là 600.000 lượng vàng SJC (tương đương 720.000 ounce), trong đó giao dịch ngoài lãnh thổ là 45.000 ounce; giao dịch vàng trong nước là 37.500 lượng vàng SJC.

"Bầu Kiên” cùng các bị cáo cố ý làm trái, lừa đảo ra sao?

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, trong vụ án này, cơ quan điều tra còn làm rõ các:  Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Đức Kiên, Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến. Căn cứ vào tài liệu chứng cứ đã thu thập được có đủ cơ sở xác định: Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty ACBI đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty ACBI ký hợp đồng thế chấp 22.497.000 cổ phần Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát cho Ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc Công ty ACBI phát hành trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng tại Ngân hàng ACB, mặc dù chưa được sự đồng ý giải chấp của Ngân hàng ACB và Công ty ACBS nhưng Nguyễn Đức Kiên vẫn chỉ đạo Trần Ngọc Thanh (Giám đốc) và Nguyễn Thị Hải Yến (Kế toán trưởng) lập khống Biên bản họp Hội đồng quản trị, lập khống Quyết định của Hội đồng quản trị thể hiện chủ trương Công ty ACBI bán 20.000.000 cổ phần Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát cung cấp cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát tin tưởng là Công ty ACBI đang quản lý và sở hữu 20.000.000 cổ phần Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát, chưa chuyển nhượng và không có tranh chấp hoặc thực hiện bất kỳ nghĩa vụ bảo đảm với bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào (xem thêm)



Bà Nguyễn Thúy Hương không phải đặt cọc nhưng phải trả cho Công ty B&B phí ủy thác là 1% lợi nhuận gộp (sau khi trừ các khoản chi phí vốn, chi phí lãi vay Ngân hàng ACB khoản ký quỹ đầu tư) và bà Hương là người quyết định giá mua, giá bán vàng, giá giao dịch.

Cũng trong ngày 25/12/2008, Đặng Ngọc Lan, Nguyễn Thúy Hương và Nguyễn Đức Kiên ký phụ lục hợp đồng với nội dung: Nguyễn Thúy Hương đồng ý để Công ty B&B được ủy thác lại cho Ngân hàng ACB thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc kinh doanh vàng.

Bà Hương ủy quyền cho Nguyễn Đức Kiên đại diện quyết định và chỉ định cho Công ty B&B thực hiện các vấn để liên quan đến hoạt động mua bán theo hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính. Bà Hương được hưởng lợi tức hoặc chịu lỗ từ kết quả hoạt động đầu tư tài chính đã ủy thác bao gồm cả kết quả đầu tư tài chính do Công ty B&B ủy thác lại cho Ngân hàng ACB.

Theo hợp đồng ủy thác này, ngày 24/6/2009, Công ty B&B xác định kết quả ủy thác đầu tư của bà Hương từ ngày 25/12/2009 đến 24/6/2009 thu được lợi nhuận gộp gần 69 tỷ đồng.

Trong năm 2009, Công ty B&B thực hiện các lệnh ủy thác cho Ngân hàng ACB mua bán vàng trạng thái thu được lãi số tiền hơn 100 tỷ đồng nhưng chỉ bằng việc ký hợp Hợp đồng và Phụ lục Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính ký ngày 25/12/2008, Công ty B&B đã chuyển toàn bộ lợi nhuận kinh doanh trạng thái vàng của Công ty cho bà Nguyễn Thúy Hương thụ hưởng để không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền hơn 25 tỷ đồng.

9h55: HĐXX tiếp tục làm việc. "Bầu" Kiên được HĐXX cho phép trả lời. Bầu Kiên đưa ra một loạt văn bản luật, nghị định liên quan đến việc điều chỉnh, quy định trong kinh doanh vàng.


Bị cáo Nguyễn Đức Kiên


9h45: Tòa nghỉ giải lao.

9h40: Cũng theo đại diện Ngân hàng Nhà nước: Sau khi Văn phòng Chính phủ có chỉ thị cấm giao dịch vàng nước ngoài, NHNN có Quyết định chấm dứt các hoạt động giao dịch vàng từ ngày 30/3/2010. Tuy nhiên, NHNN đã có Thông tư số 10 gia hạn thêm đến ngày 30/6/2010 cho Ngân hàng ACB. Sau đó tiếp tục ban hành thông tư ngày 29/6/2010, gia hạn đến 31/7/2010 cho tất cả các ngân hàng.  

9h25: Việc kinh doanh vàng trạng thái kết thúc sau khi Ngân hàng Nhà nước có Thông tư số 01, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết.


Đại diện Ngân hàng Nhà nước


9h20: Đối với việc ủy thác vàng, đại diện Ngân hàng Nhà nước nói: Thực hiện theo 2 quy định 174 của Chính phủ và Quyết định 03 của Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, Thông tư 03 quy định đối tượng kinh doanh vàng mà không có quy định nào khác. Theo thông tư 03 chỉ điều chỉnh đối tượng trực tiếp, việc hoạt động ủy thác của Ngân hàng ACB và Vietbank có phải là hoạt động kinh doanh vàng không? 

Theo đại diện này cho biết, hiện chỉ mới có quy định về kinh doanh vàng chứ không có quy định về ủy thác. Vậy, có quy định về kinh doanh giá vàng không? Đại diện NHNN cho biết vẫn chưa có quy định cụ thể.

9h10: HĐXX tiếp tục truy vấn về kinh doanh vàng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng ACB – đại diện cho ngân hàng này tại tòa nói: Ngân hàng Vietbank không có giấy phép kinh doanh vàng trạng thái ở nước ngoài, nên phải ủy thác thông qua Ngân hàng ACB.

Những thủ đoạn lũng đoạn và trốn thuế của "bầu Kiên"

"Bầu Kiên" đã lập 6 công ty để kinh doanh tài chính và vàng trái phép với tổng số tiền hơn 21.490 tỷ (xem thêm)




8h55: Trở lại việc kinh doanh vàng, HĐXX thẩm vấn bị cáo Lý Xuân Hải. 

Trả lời HĐXX, Lý Xuân Hải cho biết, kinh doanh vàng và kinh doanh trạng thái vàng là hai hình thức khác nhau. Nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho biết, Ngân hàng ACB được ngân hàng nhà nước kinh doanh trạng thái vàng ngoài nước trên tài khoản nước ngoài. 

Đối với việc cung cấp tài khoản kinh doanh nước ngoài cho các đối tác, như Ngân hàng Vietbank, bị cáo Hải cho biết, phải phụ thuộc vào uy tín, tiềm lực của từng cá nhân, doanh nghiệp. Lựa chọn đối tác phải lựa chọn cẩn thận. Việc ký hợp đồng với Ngân hàng Vietbank, Ngân hàng ACB không kiểm tra giấy phép kinh doanh, vì họ phải chịu trách nhiệm. Tiêu chuẩn đối tác kinh doanh của Ngân hàng ACB là năng lực tài chính, uy tín.

8h42: Mở đầu phiên tòa, HĐXX mời đại diện bộ Kế hoạch đầu tư trả lời. Đại diện Bộ Kế hoạch đầu tư trả lời HĐXX về việc kinh doanh cổ phần cổ phiếu thuộc mã ngạch. Đại diện này cho biết, mã hóa chỉ có ý nghĩa trong  việc thống kê. 

Các mã ngành kinh tế mua bán cổ phiếu được xác định thuộc mã ngạch kinh tế Việt Nam. Ông này cũng cho biết, Tổng cục thống kê không có nhiệm vụ thống kê mã ngạch kinh doanh.




8h35: HĐXX bắt đầu làm việc.

8h25: Các bị cáo được dẫn giải vào phòng xử án. 

8h10: Bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo đã được dẫn giải đến Tòa. Hiện tất cả trong phòng xét xử. Phiên Tòa xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm hôm nay vẫn chưa bắt đầu. 

Xe chở Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh vừa đỗ trong sân tòa. Trước đó, chiều 21/5, ông Thanh cũng đã xuất hiện tại tòa để quan sát phiên xét xử bầu Kiên và đồng phạm.

Hôm qua (21/5), ngày thứ hai, TAND TP Hà Nội xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên – tức "bầu" Kiên và đồng phạm. 

Trong ngày làm việc thứ hai, tòa kết thúc việc xét hỏi 3 bị cáo là Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến và Nguyễn Đức Kiên về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Số tiền các bị cáo chiếm dụng là 264 tỷ đồng từ việc mua bán, chuyển nhượng cổ phiếu cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát.


HĐXX cũng bắt đầu xét hỏi các bị cáo về tội danh: Kinh doanh trái phép. Theo cáo buộc, với tư cách là Chủ tịch HĐQT của 6 công ty, mặc dù không có chức năng kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký với tổng số tiền hơn 21.000 tỷ đồng./.

Các bị cáo tại phiên tòa:

1./. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB).

2./. Bị cáo Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)

3./. Bị cáo Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)

4./. Bị cáo Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)

5./. Bị cáo Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB)

6./. Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi, nguyên thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)

7./. Bị cáo Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội)

8./. Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội)

Đối với ông Trần Xuân Giá (75 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB) được tòa quyết định tạm đình chỉ vụ án. Khi nào lý do đình chỉ không còn sẽ khôi phục vụ án.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên