Thị trường vũ khí Nga “nóng lên” - Vì sao?

VOV.VN - Vũ khí Nga qua thực chiến ở Syria thời gian qua đã chứng tỏ hiệu quả của mình và làm cho thị trường mua bán vũ khí Nga “nóng” hẳn lên.

Chiến dịch không kích IS của Nga tại Syria đến nay đã gần 2 tháng rưỡi, tính hiệu quả tác chiến được coi là hơn hẳn Liên minh do Mỹ dẫn đầu, khiến thị trường vũ khí Nga “nóng lên”.

Chiến đấu cơ Nga. Ảnh: Fars News.

Hàng loạt các quốc gia đã và đang đàm phán với Nga để ký các hợp đồng mua bán loại hàng hóa đặc biệt này, trong đó có cả các nước thân cận với Mỹ như Saudi Arabia.

Thử nghiệm và chào hàng

Trong chiến dịch không kích IS ở Syria, Quân đội Nga đã sử dụng máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Sukhoi PAK FA (T-50), máy bay chiến đấu đa nhiệm thế hệ 4 (Su-35), và máy bay ném bom thế hệ mới nhất (Su-34) và các loại máy bay khác.

Đặc biệt là việc Nga phóng 26 tên lửa hành trình tầm xa SS-N-30A Kalibr từ 4 tàu chiến ở Biển Caspia, bay gần 1.500 km qua Iran, Iraq đánh trúng 11 mục tiêu tại Syria ngày 7/10 là một bước  “leo thang” trong chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria của Moscow.

Trong hệ thống tên lửa Kalibr, ngoài các loại ngư lôi và tên lửa chống ngầm 3M-54, còn có phiên bản tấn công mặt đất là 3M-14 (Klub 3M-14E) với tầm bắn 300 km. Nhưng khi sử dụng trong hải quân Nga, tầm phóng đã được nâng lên mức siêu xa từ 1.500 - 2.500 km.

Tên lửa 3M-14 (SS-N-30A) có tầm bắn và tính năng tương đương với tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ. SS-N-30A Kalibr có chiều dài cơ bản là 6,2m, với đầu đạn nặng 450 kg, phạm vi tấn công là 1.500 - 2.500 km và tốc độ hành trình cận âm Mach 0,8.

Được biết, khi “ra quân” tấn công IS ở Syria, Nga đã chuẩn bị cho ra đời các phiên bản vũ khí hiện đại có tính năng vượt trội như vũ khí siêu thanh, tức là tên lửa có tốc độ bay 6.500 km/h đến 23.000 km/h, gấp nhiều lần tốc độ âm thanh.

Mới đây, trong một tuyên bố của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã gây sự chú ý của giới nghiên cứu rằng: “hệ thống phòng không - vũ trụ Nga (ASD) có thể đánh chặn tất cả các loại tên lửa siêu thanh trên thế giới”. Với Hệ thống phòng không S-500, Nga có khả năng tiêu diệt được vũ khí siêu thanh của Mỹ.

Ngay sau khi Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, thì S-400 của Nga đã xuất hiện ở Syria. Theo giới chuyên môn thì S-400 là khắc tinh đáng sợ của các chiến đấu cơ Mỹ. Và theo đó, rất có thể Iran và các nước khác cũng có cả S-300 và S-400, với hệ thống phòng không này họ không còn quan ngại đối với vũ khí của Mỹ.

Cũng tại Syria, Nga còn sử dụng bom thông minh dòng KAB-250 để tấn công. Một quan chức quân sự Nga cho biết, lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga đang sử dụng ở Syria loại bom ném từ máy bay có độ chính xác cao là KAB-250, khi giáng đòn tấn công vào các cứ điểm của các phần tử khủng bố của IS. Với sự hỗ trợ của hệ thống định vị vệ tinh GLONASS, bom KAB-250 của Nga có khả năng điều chỉnh quỹ đạo rơi và tấn công rất chính xác.

Bom KAB-250 (KAB-250LG-E), có đường kính chỉ là 225mm, chiều dài 3,2m, trọng lượng 250 kg, trong đó, 127 kg là trọng lượng thuốc nổ, đây là  bom nhỏ gọn và tối tân nhất của Nga. Đầu tự dẫn laser bảo đảm độ chính xác cho bom với sai số vòng bán kính không quá 2 - 5m.

Tại Syria bom thông minh KAB-250 được máy bay ném bom Su-34 ném xuống từ độ cao 5km, tấn công phá hủy hàng loạt các mục tiêu quan trọng là cứ điểm, sở chỉ huy, kho bãi, điểm trú quân, do loại bom này vừa có khả năng tự điều chỉnh quỹ đạo rơi theo các dữ liệu tọa độ từ máy bay, vừa điều chỉnh quỹ đạo theo hướng dẫn của vệ tinh GLONASS nên độ chính xác rất cao.


Theo giới quan sát, Nga cũng đã cho sử dụng hệ thống phóng rocket di động (TOS) khiến lực lượng khủng bố ở Homs và Idlib buộc phải tháo chạy. TOS sử dụng các tên lửa đầu đạn nặng 30kg và đặc biệt hiệu quả ở địa hình rừng núi, hay phá hủy công sự được gia cố tốt, các tòa nhà đô thị... một loạt đạn TOS có thể hủy diệt đối phương trên diện tích tương đương với vũ khí hạt nhân công suất thấp.

Việc hệ thống TOS xuất hiện bất ngờ tại Syria đã không được Nga thông báo cho các giới chức quân sự phương Tây, khiến các nước này quan ngại. Truyền thông phương Tây còn cho rằng sức mạnh “hủy diệt” của TOS vẫn còn kém xa bom chùm của Nga sử dụng để tấn công IS.

Thị trường “nóng lên”

Bình luận viên Dave Majumdar của tờ “Lợi ích dân tộc” (Mỹ) bày tỏ lo ngại rằng, sau màn quảng bá tuyệt vời về không kích IS ở Syria, các nước sẽ đua nhau hỏi mua hệ thống phòng không S-400 Triumph của Nga.

Tên lửa Kalibr. Ảnh: Arstechnica.

Ông Dave Majumdar viện dẫn nguồn tin cho biết: Ấn Độ sẽ trở thành nước thứ hai sau Trung Quốc muốn mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga với số lượng rất lớn và hiện không ít nước đang bày tỏ sự quan tâm đến nó, sau khi Nga triển khai hệ thống này ở Syria, khu vực giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong các nhiệm kỳ Tổng thống và Thủ tướng của nước Nga, ông Putin đã khiến thế giới ngỡ ngàng không chỉ vì phát triển kinh tế ấn tượng (trước trừng phạt của phương Tây) mà còn đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp vũ khí lên tầm cao mới làm cho giới chức quân sự các nước buộc phải quan tâm.

Saudi Arabia là khách hàng truyền thống mua vũ khí của Mỹ và phương Tây trước đây. Nay Saudi Arabia đang xem xét lại lợi ích trong các mối quan hệ với cả Nga và Mỹ. Sự thất vọng của Saudi Arabia đối với Mỹ đã khiến nước này gia tăng quan hệ với Nga, nhất là việc mua bán vũ khí hiện đại mới.

Theo RT, trong chuyến thăm Nga (24/12/2015) của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hai nước đã ký kết 16 thỏa thuận thuộc các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng, sản xuất tên lửa, nghiên cứu không gian.

Ấn Độ và Nga tái khẳng định hợp tác quân sự - kỹ thuật vẫn là một trong những mục tiêu quan trọng trong quan hệ đối tác hai nước. Hai bên cam kết sẽ tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực không gian, tên lửa.

Trước đó, Ấn Độ đã có kế hoạch chi tới 6 tỷ USD mua 5 tổ hợp tên lửa phòng không S-400 với khoảng 6.000 quả tên lửa, cùng với các thiết bị phóng và radar của Nga

Nga hiện đang nổi lên là một nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, tập trung vào các nước như: Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Algeria, Venezuela, Iraq… và sắp tới có thể là các nước Đông Nam Á và cả vùng Trung Đông vốn là đồng minh của Mỹ.

Phương Tây quan ngại

Giới phân tích quân sự phương Tây cho rằng, chiến trường Syria hiện đang là nơi quân đội Nga thử nghiệm các loại vũ khí và chiến thuật mới sau 7 năm hiện đại hóa theo kế hoạch của Tổng thống Putin.

Chris Harmer, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, nhận định: “Không có nhiều lý do chiến thuật để Nga bắn tên lửa hành trình. Họ sử dụng nó chỉ để thế giới thấy rằng họ có khả năng đó”. Việc phóng tên lửa từ tàu ngầm là một vũ khí mang tính chính trị nhắm vào Washington hơn là để chống lại IS.

Tờ Business Insider ngày 12/11/2015 cho biết, Nga đã “vô tình” để lộ bản thiết kế tàu ngầm hạt nhân trên truyền hình trong cuộc họp giữa Tổng thống Putin với quan chức quốc phòng. Nó cho thấy, Nga có thể sẽ phát triển loại vũ khí có khả năng vượt qua radar, các hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO và có sức tàn phá nghiêm trọng đối với các quốc gia ven biển.

Phát biểu trong cuộc họp nêu trên, ông Putin cho biết Nga sẽ đáp trả chương trình phòng thủ tên lửa của NATO bằng cách triển khai vũ khí mới có khả năng xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa. Hệ thống này có thể sẽ được triển khai ngay trong năm 2015 hoặc đầu năm 2016.

Theo giới chức ngoại giao, lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây được công bố (21/12) kéo dài thêm 6 tháng đối với một số pháp nhân và thể nhân Nga, trong đó có Rosoboronexport, là “sự phản ánh chính sách kiềm chế hoạt động của ngành công nghiệp quốc phòng và cả cơ chế nhà nước Nga”.

Đặc biệt, Lầu Năm Góc đã bày tỏ mối lo ngại về việc Nga chế tạo thiết bị không người lái dưới nước có khả năng mang đầu đạn công suất hàng chục megaton, với mục tiêu có thể là nhằm vào các căn cứ chính của tàu ngầm Mỹ.

Như vậy, trong cuộc chiến chống IS ở Trung Đông, Nga không chỉ “dẫn điểm” trước phương Tây về tính hiệu quả chiến đấu, mà còn “dẫn điểm” cả về mặt chiến dịch – chiến lược, và đặc biệt là tạo ra hiệu ứng “nóng lên” của thị trường vũ khí Nga trong tầm mắt của các chiến lược gia quân sự nhiều nước, trong đó có cả Trung Quốc, Ấn Độ, Saudi Arabia và các nước thân cận của Mỹ ở Trung Đông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nga bí mật chế tạo tên lửa mới cho hệ thống phòng không Iskander-M
Nga bí mật chế tạo tên lửa mới cho hệ thống phòng không Iskander-M

VOV.VN- Nga vừa công bố việc chế tạo thành công một loại tên lửa mới sử dụng cho hệ thống phòng thủ tên lửa Iskander-M.

Nga bí mật chế tạo tên lửa mới cho hệ thống phòng không Iskander-M

Nga bí mật chế tạo tên lửa mới cho hệ thống phòng không Iskander-M

VOV.VN- Nga vừa công bố việc chế tạo thành công một loại tên lửa mới sử dụng cho hệ thống phòng thủ tên lửa Iskander-M.

Nga sẽ cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa S300 cho Iran từ 1/2016
Nga sẽ cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa S300 cho Iran từ 1/2016

VOV.VN - Nga sẽ bắt đầu cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa S300PMU-2 cho Iran từ tháng 1 năm sau.

Nga sẽ cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa S300 cho Iran từ 1/2016

Nga sẽ cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa S300 cho Iran từ 1/2016

VOV.VN - Nga sẽ bắt đầu cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa S300PMU-2 cho Iran từ tháng 1 năm sau.

MiG31-BM sự tái sinh của dòng máy bay đánh chặn huyền thoại
MiG31-BM sự tái sinh của dòng máy bay đánh chặn huyền thoại

VOV.VN - Không quân Nga tại Vladivostok vừa tiếp nhận thêm 3 chiếc máy bay MiG-31BM, dòng máy bay đánh chặn tối tân và “nguy hiểm” nhất hiện nay.

MiG31-BM sự tái sinh của dòng máy bay đánh chặn huyền thoại

MiG31-BM sự tái sinh của dòng máy bay đánh chặn huyền thoại

VOV.VN - Không quân Nga tại Vladivostok vừa tiếp nhận thêm 3 chiếc máy bay MiG-31BM, dòng máy bay đánh chặn tối tân và “nguy hiểm” nhất hiện nay.

Chiến tranh Syria: Chiến binh ngoại, đường lối ngoại, vũ khí ngoại
Chiến tranh Syria: Chiến binh ngoại, đường lối ngoại, vũ khí ngoại

VOV.VN - Chuyên gia Mỹ cho rằng chiến tranh Syria là do sự can thiệp từ bên ngoài, với chiến binh-vũ khí-đường lối “ngoại nhập”, chứ không phải tự nhiên có.

Chiến tranh Syria: Chiến binh ngoại, đường lối ngoại, vũ khí ngoại

Chiến tranh Syria: Chiến binh ngoại, đường lối ngoại, vũ khí ngoại

VOV.VN - Chuyên gia Mỹ cho rằng chiến tranh Syria là do sự can thiệp từ bên ngoài, với chiến binh-vũ khí-đường lối “ngoại nhập”, chứ không phải tự nhiên có.