64,5% người bệnh đái tháo đường không hề biết mình mắc bệnh

Đó là kết quả nghiên cứu mới đây của Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Nghiên cứu cũng chỉ ra 76,5% người dân không biết cách phòng tránh và 78,8% không biết về các yếu tố nguy cơ gây bệnh...

Đây là nguyên nhân của tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường bị các biến chứng nặng như mù loà, suy thận và đặc biệt là biến chứng bàn chân, cắt cụt chi tại Việt Nam ngày càng tăng cao. Theo bác sĩ Bùi Thị Huyền, Phụ trách Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trường hợp bệnh nhân biết bệnh nhưng vẫn không chữa trị, hay điều trị qua loa dẫn đến biến chứng nặng khá phổ biến.
 
Một nghiên cứu khác tại bệnh viện cũng cho thấy, có đến 13,3% bệnh nhân đến khi bị loét chân mới được chẩn đoán đái tháo đường, hoàn toàn không có ý thức chăm sóc bàn chân và phòng chống biến chứng bàn chân. Thời gian trung bình kể từ khi bệnh nhân phát hiện ra vết loét đến khi đến Bệnh viện Nội tiết khá dài, khoảng 28,6 ngày, thậm chí đến 4 tháng. Nhiều trường hợp tự điều trị tại nhà cho đến khi vết loét trở nên trầm trọng mới đến bệnh viện. Do đó, số ngày điều trị nội trú trung bình của các bệnh nhân đái tháo đường có loét chân kéo dài, khoảng 27 ngày, có trường hợp lên tới 77 ngày. Hiện vẫn có tới 41% bệnh nhân vẫn phải cắt cụt chi, trong đó 9% cắt cụt lớn, 21,8% cắt cụt dưới mức cổ chân.
 
PGS.TS Tạ Văn Bình, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương khẳng định, người bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị cắt cụt chi dưới rất cao. Các tổn thương bàn chân là do các yếu tố bệnh lý thần kinh ngoại vi, bệnh mạch máu ngoại vi, nhiễm trùng và giữ vệ sinh bàn chân kém. Vì vậy, người bệnh đái tháo đường tuyệt đối không đi chân đất, cần đi giày dép mềm để tránh trầy xước. Để phòng tránh các biến chứng, người bệnh cần kiểm soát và giữ nồng độ đường máu ở mức an toàn. Đặc biệt cần làm xét nghiệm HbA1c (là các huyết sắc tốt haemoglobin gắn kết với đường glucose trong máu) để biết mức đường máu của 3 tháng gần nhất với “dự báo” sự xuất hiện biến chứng./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên