Dinh dưỡng khắc phục ốm nghén

Theo lương y Đinh Công Bảy - Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP.HCM, ăn uống hợp lý là một trong những yếu tố quan trọng giúp khắc phục tình trạng ốm nghén.

Khi có thai, nhiều bộ phận trong cơ thể có sự biến đổi, sức đề kháng giảm, vì thế thai phụ dễ mắc một số chứng như: nôn mửa, ốm nghén, động thai hoặc đau bụng, phù, đi tiểu khó, phiền muộn, sản giật…

Trường hợp bị nghén, theo Đông y có năm nguyên nhân: khí huyết không điều hoà, tỳ vị hư nhược, can vị bất hoà, vị nhiệt và đàm ẩm. Ốm nghén xuất hiện vào cuối tháng thứ nhất cho đến đầu tháng thứ tư. Trường hợp này, chỉ cần xử trí bằng cách ăn nhẹ (cháo, súp) lót dạ vào sáng sớm ngủ dậy, trước khi xuống giường. Nên ăn thức ăn ấm nóng, dễ tiêu hoá, tránh các thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ. Có thể uống nước mía nấu với một muỗng nhỏ nước cốt gừng. Người bị ốm nghén nên dùng thực phẩm dễ tiêu hoá nhưng giàu chất dinh dưỡng như sữa bò, đậu nành và các loại chế phẩm từ đậu, thịt nạc, gan heo, gà vịt; nên ăn nhiều rau cải, trái cây giàu vitamin và calcium. Nên ăn từng tí một, chia ra nhiều lần trong ngày.

Nếu bị táo bón, mỗi ngày vào hai buổi sáng - tối, uống mỗi lần một muỗng canh mật ong để đại tiện được thuận lợi. Một số thực phẩm có ích là hạt sen, đậu ván, khoai mài, có thể phối hợp với gạo tẻ, gạo nếp, ý dĩ, nấu cháo để ăn.

Để giúp an thai, thông sữa và phòng ngừa phù thũng khi mang thai, có thể dùng một vài món ăn chế biến từ cá chép như:

Canh cá chép nấu đậu đỏ: Đậu đỏ có tác dụng lợi tiểu, nhuận trường, tiêu phù thũng, trừ phong thấp. Phối hợp cá chép với đậu đỏ, đậu phộng, thêm ít gừng tươi và trần bì (vỏ quýt) sẽ tạo ra một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng và có tác dụng chữa động thai.

Nguyên liệu: Cá chép một con 400 – 500 g, đậu đỏ 120g, đậu phộng 120g, gừng tươi ba lát, vỏ quýt một miếng 4 x 4cm.

Cách làm: Làm sạch cá, khứa vài khứa hai bên mình cá, để ráo nước, ướp gia vị khoảng 20 phút, chiên vàng. Đậu đỏ ngâm nước ấm 4 – 5 giờ cho mềm, để ráo. Vỏ quýt ngâm nước cho nở, cạo sạch lớp trắng bên trong. Cho đậu đỏ, đậu phộng, vỏ quýt vào nồi, đổ nước vào quá mặt đậu 5cm, nấu sôi mạnh vài phút rồi hạ lửa nhỏ, nấu tiếp cho đến khi đậu nở mềm, cho cá chép và gừng tươi vào, nấu tiếp 10 – 15 phút.

Ăn nóng. Cách hai - bốn ngày ăn một lần.

Lưu ý: những người đang bị loét dạ dày, hành tá tràng hạơc đang bị mụn nhọt, không nên ăn món canh này.

* Cá chép long nhãn, hoài sơn: Long nhãn có tác dụng bổ huyết, an thần; hoài sơn hoặc hạt sen và hồng táo có tác dụng kiện tỳ, ích phế; câu kỷ tử có tác dụng bổ can thận.

Nguyên liệu: cá chép một con 400 –500 g, long nhãn nhục 15 – 20 g, hoài sơn (củ khoai mài) hoặc hạt sen 15 – 20 g, câu kỷ tử 15 – 20 g, hồng táo 4 – 6 quả.

Cách làm: cho tất cả nguyên liệu đã rửa sạch vào tô sành, thêm ít đường đỏ, ít rượu trắng hoặc rượu vang. Đậy kín tô sành, đem chưng cách thuỷ trong ba giờ. Dùng ăn nóng vào lúc đói bụng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên