Dinh dưỡng khi cơ thể bị suy nhược

Lựa chọn chế độ ăn uống hợp lý và khoa học là cách để nhanh chóng lấy lại sức khỏe khi cơ thể suy nhược.

Những biểu hiện điển hình của suy nhược

"Hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, thần sắc kém, không muốn làm việc… là những dấu hiệu cho thấy cơ thể bị suy nhược và khi ở tình trạng này, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng", PGS.TS Trần Đình Toán cho biết.  Những vấn đề gặp phải trong công việc ở cơ quan đến việc gia đình, vợ chồng, con cái… đều cần phải giải quyết.

Sự căng thẳng kéo dài sẽ sinh ra mệt mỏi. Tình trạng này có thể kéo dài nhiều tháng đến vài năm và xuất hiện thường xuyên không có dấu hiệu báo trước. Khi cơ thể mệt mỏi triệu chứng đầu tiên là mất khả năng tập trung công việc, suy giảm trí nhớ rõ rệt, thần sắc kém, hết hăng hái. Tiếp đó là rối loạn giấc ngủ, nhức đầu, cơ thể suy kiệt mau chóng không thể làm những việc nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày. Cuối cùng, khi nhịp sinh học bị thay đổi, cơ thể rơi vào tình trạng không kiểm soát được công việc.

Nhiều người suy nhược cơ thể nặng còn bị đau bụng, đau ngực, thiếu máu do thiếu sắt, chóng mặt, nhịp tim không đều, buồn nôn, nhiều mồ hôi trộm vào ban đêm, sụt cân, trở nên khó tính, cáu kỉnh…

Hầu hết những triệu chứng thường nặng trong vòng 1- 2 tháng sau đó phần lớn sẽ tự khỏi bệnh hoàn toàn. Một số khác không thể phục hồi và đa số không lấy lại được sức khỏe như ban đầu.

Dinh dưỡng - Yếu tố then chốt

Lựa chọn chế độ ăn uống hợp lý và khoa học là cách để nhanh chóng lấy lại sức khỏe khi cơ thể suy nhược.

“Nên ăn 3 bữa chính/ngày, xen lẫn 2 bữa ăn phụ và tuyệt đối không được bỏ bữa. Hạn chế thực phẩm có nhiều chất béo và lượng đường lớn. Chú ý ăn bổ sung nhiều chất xơ, rau củ quả”, PGS.TS. Trần Đình Toán, Trưởng khoa dinh dưỡng, BV Hữu Nghị cho biết.

Thực đơn ăn uống cần có thêm nhiều rau xanh như súp lơ, cải chíp, những loại rau nhiều axit folic và vitamin tốt cho sức khỏe, dễ ăn. Những loại hoa quả có vị thanh như thanh long, nho, cam… Nên ăn nhiều những món ăn mà mình có cảm giác ngon và thích thú.

Nếu ăn uống thấy không ngon miệng thì nên chế biến món ăn loãng, dễ tiêu. Bên cạnh đó nên bổ sung thực phẩm dinh dưỡng cao năng lượng để phục hồi sức khỏe.

“Não bộ luôn cần loại axit amin là chất dẫn truyền thần kinh giúp não bộ hưng phấn, giúp cho tinh thần vui vẻ, thoải mái và giữ được sự bình tĩnh. Trong sữa có chứa thành phần chống oxy hóa, giúp phá hủy các gốc tự do gắn liền với stress. Sữa đã tách bơ với ngũ cốc dùng trong bữa sáng rất hữu ích trong trường hợp này”, PGS.TS. Trần Đình Toán cho biết thêm.

Trong lúc cơ thể suy kiệt hệ tiêu hóa sẽ làm việc kém hiệu quả, dễ bị dị ứng. Vì vậy nên lựa chọn những thực phẩm dễ tiêu, ít chất béo bão hòa có hại như đậu nành.

Hãy tạo cho mình một cuộc sống lành mạnh, thoải mái, lạc quan, tránh các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, cà phê.

Sau một ngày bận rộn hãy cho mình một khoảng thời gian ngắn để thư giãn, nên ngủ sớm, ngủ đủ giấc, tập thể dục cho cuộc sống khỏe mạnh mỗi ngày, để cơ thể nói không với suy nhược./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên