Nhiều bước tiến ngành ghép tạng Việt Nam

Sau 20 năm khởi sự, trình độ ghép tạng ở Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật ghép thận, gan và tim là các tạng ghép phổ thông và khó.


Trường hợp ghép tạng của Việt Nam đầu tiên được thực hiện thành công năm 1992 tại Bệnh viện 103 (Học viện Quân y) đã mở ra hướng điều trị mới cho những bệnh nhân bị suy tạng giai đoạn cuối, thúc đẩy phát triển nhiều chuyên ngành y học khác. Sau 20 năm, kỹ thuật ghép tạng đã có nhiều bước tiến đáng kể, nhiều ca ghép tạng đã được thực hiện thành công tại các bệnh viện trên cả nước. 

Một ca ghép tạng tại viện 103 (Ảnh: Benhvien103)

Tình cờ phát hiện ra mình vị suy thận giai đoạn cuối trong một lần đi khám sức khỏe, ông Lê Thanh Nghiêm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên và gia đình vô cùng lo lắng, thậm chí bi quan. Nhưng khi đến bệnh viện 103, ông đã được các bác sĩ tư vấn ghép thận khi có người em tình nguyện hiến thận. Sau gần 20 năm được ghép thận, sức khỏe của ông rất tốt và mọi sinh hoạt diễn ra bình thường. 

Ông Lê Thanh Nghiêm cho biết: “Sau khi ghép xong và trở về ở phòng hồi sức, tôi thấy người khỏe thấy rõ. Sau khi ghép thành công, đã gần 20 năm nay cuộc sống của tôi trở về bình thường. Tôi cũng làm việc 8 tiếng/ngày, có thể chơi thể thao…. Tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa và có giá trị hơn”.

Những năm gần đây nhu cầu về ghép tạng tại Việt Nam rất lớn, nhất là gép thận và gan. Mỗi năm ở nước ta có 8.000 người bị suy thận trong khi các kỹ thuật điều trị thay thế thận chủ yếu là kỹ thuật lọc máu chỉ đáp ứng được 10% số bệnh nhân trên. 

Mặc dù ghép tạng ở Việt Nam đi sau thế giới gần nửa thế kỷ và sau các nước trong khu vực 20 năm nhưng đến nay trình độ ghép tạng ở Việt Nam có sự tiến bộ vượt bậc. Đã có hơn 600 ca ghép thận, ghép gan và mới đây nhất là 5 ca ghép tim được thực hiện ở các bệnh viện trên cả nước, giúp điều trị thành công nhiều bệnh lý về tạng giai đoạn cuối,  mang lại sự sống cho các bệnh nhân. 

GS, TS Phạm Gia Khánh, nguyên Giám đốc Học viện Quân y khẳng định: Các bác sĩ Việt Nam hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật ghép tạng. Đến nay, chúng ta đã tiếp cận với trình độ ghép tạng trên thế giới; sử dụng hoàn toàn các kỹ thuật hiện đại để đảm bảo trong quá trình mổ, gây mê hồi sức đảm bảo giai đoạn sau mổ. Trình độ ghép tạng ở Việt Nam đã phát triển vượt bậc đặc biệt trong hai năm vừa qua, vì đã nắm được toàn bộ các kỹ thuật cơ bản về ghép tạng và đã làm chủ được kỹ thuật ghép thận, gan và tim là các tạng ghép phổ thông và khó”.

Các ca ghép tạng mang lại sự sống cho nhiều bệnh nhân bị suy gan, ung thư gan, suy tim, thận giai đoạn cuối, đồng thời khẳng định vị thế của các bác sĩ Việt Nam với bạn bè quốc tế. Thiếu tướng Hoàng Mạnh An, Giám đốc bệnh viện 103 cho biết: Mặc dù chuyên ngành ghép tạng của nước ta đã có tiến bộ vượt bậc nhưng số bệnh nhân may mắn được ghép tạng để thoát khỏi các bệnh hiểm nghèo vẫn còn quá ít so với nhu cầu thực tế. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn tạng để làm phẫu thuật. 

Thiếu tướng Hoàng Mạnh An còn cho biết thêm: “Trước đây, chúng ta làm rất tốt việc vận động được gia đình bệnh nhân hiến thận cho người thân của mình. Nhưng nay việc đó không dễ dàng. Nguồn tạng có sẵn nhưng lại không thực hiện được, đó là nguồn từ người cho chết não. Trên thế giới họ  làm điều này rất tốt, còn ở Việt Nam do quan niệm chết là phải toàn thây, nên không dễ dàng cho lấy tạng người thân của mình. Muốn làm tốt việc này, không chỉ chúng tôi mà các lực lượng truyền thông, các tổ chức xã hội cũng phải chung tay mới có thể đưa sự nghiệp ghép tạng phát triển”.

Thành công của ngành ghép tạng của Việt Nam mở ra cơ hội sống cho những người bị suy tạng. Nhưng để thành tựu y học này được nhân rộng, điều quan trọng là phải có nguồn tạng. Điều này đòi hỏi phải tuyên truyền sâu rộng hơn nữa, để hiến tạng trở thành nghĩa cử phổ biến trong cộng đồng. 

Nhà nước và Bộ Y tế  cần có các chế độ thích hợp với thân nhân người chết não hiến tạng để động viên những người khác đăng ký hiến tạng, mang lại niềm hy vọng sống những người bệnh./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bệnh viện Việt Đức thực hiện thành công 4 ca ghép tạng
Bệnh viện Việt Đức thực hiện thành công 4 ca ghép tạng

Bệnh viện Việt Đức vừa thực hiện thành công đồng thời 4 ca ghép tạng gồm 1 ca ghép tim, 1 ca ghép gan, 2 ca ghép thận từ nguồn cho là một người hiến tạng.

Bệnh viện Việt Đức thực hiện thành công 4 ca ghép tạng

Bệnh viện Việt Đức thực hiện thành công 4 ca ghép tạng

Bệnh viện Việt Đức vừa thực hiện thành công đồng thời 4 ca ghép tạng gồm 1 ca ghép tim, 1 ca ghép gan, 2 ca ghép thận từ nguồn cho là một người hiến tạng.