Nhiều người lớn mắc sởi: Nguy cơ bùng phát dịch sau Tết
VOV.VN -Thời gian gần đây, số ca mắc sởi ở người lớn tăng đột biến. Chuyên gia cảnh báo, nguy cơ dịch bùng phát theo chu kỳ 4-5 năm là có thể xảy ra.
Chị Nguyễn T.H. (30 tuổi, ở Sơn Tây, Hà Nội) mắc bệnh sởi khi đang mang thai ở tuần thứ 24. Hiện chị H. đang phải nằm điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai.
Người nhà chị H. cho biết, trước đó chị H. bị sốt 2 ngày và nổi các nốt ban ở mặt và người nhưng không nghĩ đến mắc bệnh sởi. Được biết, trước khi mang thai, chị H. chưa tiêm vaccine phòng bệnh sởi.
Phụ nữ mang thai mắc sởi đang được điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: KT) |
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Thời gian gần đây, số người lớn mắc sởi nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai có xu hướng tăng, với hơn 10 trường hợp/tháng. Tại khoa Truyền nhiễm, từ năm 2018 đến nay đã có khoảng 50 người lớn mắc sởi nhập viện. Riêng 3 tháng trở lại đây, số ca người lớn nhập viện do sởi có xu hướng tăng lên. Nhiều bệnh nhân có biến chứng viêm phế quản phải nhập viện theo dõi.
Hiện Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho 6 trường hợp người lớn mắc sởi có biến chứng, trong đó có một số phụ nữ đang mang thai. Hầu hết những bệnh nhân này đều không được tiêm phòng sởi.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, nhiều trường hợp mắc sởi nhưng không biết, thậm chí có một số trường hợp đi khám bị chẩn đoán nhầm là dị ứng thuốc, sốt phát ban, rubella… “Nhiều người cho rằng đây là bệnh của trẻ con, người lớn không mắc nên không có các biện pháp phòng bệnh. Đặc biệt, một số bệnh nhân mắc sởi có sẵn bệnh khác như viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc phụ nữ có thai dễ bị biến chứng nặng hơn”- PGS.TS. Đỗ Duy Cường cho biết.
Đặc biệt lưu ý với phụ nữ mang thai
Theo chuyên gia y tế, trong những tuần đầu tiên của năm 2019, số ca mắc sởi vẫn tiếp tục tăng, nguy cơ dịch sởi bùng phát theo chu kỳ 4-5 năm (đợt dịch bùng phát cao điểm trước là năm 2014) là có thể xảy ra.
PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, bệnh sởi cũng như nhiều bệnh do virus, dễ phát triển trong giai đoạn trước và sau Tết vì giai đoạn này thời tiết lạnh và ẩm. Đặc biệt đầu năm 2019 cũng là thời điểm vẫn nằm trong chu kỳ dịch sởi nên không loại trừ nguy cơ bệnh có thể lây lan rộng.
Chuyên gia lo ngại dịch sởi quay lại theo chu kỳ 4 năm?
“Không chỉ trẻ em, cả người lớn cũng có thể có nguy cơ mắc sởi nếu tiếp xúc với các nguồn lây. Đặc biệt ở người lớn, phụ nữ dễ mắc sởi hơn nam giới, chủ yếu phụ nữ trong độ tuổi từ 25-40 tuổi”- PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết.
Các chuyên gia cũng cho biết, sởi là bệnh lành tính, đa số các trường hợp không có biến chứng, có khoảng 90-95% trường hợp bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp xuất hiện biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản, viêm phổi, viêm gan, viêm não… Đặc biệt, phụ nữ mang thai mắc bệnh sởi có nguy cơ sảy thai, đẻ non.
Các bác sĩ khuyến cáo, cách phòng bệnh sởi hữu hiệu nhất là tiêm vaccine sởi, nhất là với trẻ em, phụ nữ chuẩn bị mang thai. Với trẻ em tiêm mũi 1 lúc trẻ 9 tháng tuổi và mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi. Khi mắc bệnh sởi, cần cách ly người bệnh để bệnh không lây lan ra cộng đồng.
Trước tình trạng nhiều trẻ mắc sởi khi chưa đến tuổi tiêm chủng (dưới 9 tháng tuổi), Bộ Y tế đang nghiên cứu để có thể đưa ra quyết định tiêm sớm vaccine sởi từ khi trẻ 6 tháng tuổi./.
Hà Nội đối phó với chu kỳ dịch sởi bùng phát thế nào?