Những nguy hiểm ít biết về bệnh vảy nến

VOV.VN - Để có thêm thông tin về bệnh, cách điều trị, chính sách BHYT, VOV.VN và Hội vảy nến Việt Nam tổ chức tọa đàm: Những nguy hiểm ít biết về bệnh vảy nến.

Bệnh vảy nến là một trong những bệnh da hay gặp ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Thực tế là bệnh này khó kiểm soát, dễ bị tái phát nhiều lần nên người bệnh không kiên trì khi chữa bệnh. Vì bệnh liên quan đến vẻ bề ngoài, thẩm mỹ nên nhiều người khi bị mắc bệnh vảy nến hay ngại ngùng, giấu bệnh. Tuy nhiên, theo các tài liệu nghiên cứu, nếu không điều trị, quản lý bệnh tốt sẽ có những tác động xấu đến sức khỏe, thậm chí là nguy hiểm.

Ngày nay, các nhà khoa học đã tìm ra nhiều loại thuốc và phương pháp điều trị mới đối với bệnh vảy nến. Các phương pháp, loại thuốc này đã có mặt ở Việt Nam.  Tuy nhiên, chi phí điều trị cao. Để có thêm thông tin về bênh vảy nến và các phương pháp điều trị, chính sách bảo hiểm với bệnh nhân bị vảy nến, VOV.VN và Hội vảy nến Việt Nam phối hợp tổ chức buổi tọa đàm: “Những nguy hiểm ít biết về bệnh vảy nến”.

Các vị khách mời tham gia chương trình:

o   TS. BS. Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương

o   Ông Vũ Huy Điệp – Vụ Bảo hiểm – Bộ Y tế

o   Ông Trần Hồng Trường – Chủ tịch Hội Vảy nến Việt Nam

Các khách mời tham gia buổi tọa đàm

PV: Thưa bác sĩ, xin bác sĩ có thể cho biết những dấu hiệu nhận biết bệnh vảy nến?

TS. BS Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương: Tên bệnh đã nói lên tình trạng bệnh. Trong vảy nến, người ta chia thành: vảy nến thể bình thường (thông thường) và thể đặc biệt. Đối với thể thông thường, cơ bản triệu chứng vẫn là đỏ da và bong vảy. Vị trí đỏ da, bong vảy hay gặp nhất có thể là vùng da đầu, các vùng tì đè và đôi khi rải rác trên người. Đấy là các dấu hiệu hay gặp nhất ở tổn thương vảy nến. Đôi khi tổn thương vảy nến không nằm ở vảy nến mà có thể tổn thương vùng móng tay, có thể rỗ móng, tách móng, dày mủn móng… Tổn thương ở vảy nến có thể kèm theo là đau các khớp tay, chi, gối, cột sống.

Ở thể đặc biệt, nguy hiểm nhất là đỏ da toàn thân (bệnh nhân bị đỏ toàn bộ người) và một thể nữa là mủ. Nghĩa là ngoài mẩn đỏ thì trên da có thể xuất hiện mủ trên da. Thông thường nhất vẫn là biểu hiện đỏ da trên người và kèm theo trên mảng đỏ da có vảy bong ra liên tục, thời gian kéo dài.

TS. BS Lê Hữu Doanh

PV: Bác sĩ có nói đến một biểu hiện là đau khớp. Vậy biểu hiện này có dễ bị nhầm lẫn với những người đau khớp thông thường hay không?

TS. BS Lê Hữu Doanh: Có tới 30% người bị vảy nến có biểu hiện của viêm khớp và đau khớp. Nếu trường hợp bênh nhân có biểu hiện vảy nến cộng với viêm khớp thì ít gặp. Nhưng 1/10 trường hợp bệnh nhân bị viêm khớp mà không biểu hiện ngoài da. Chính vì vậy, họ sẽ nhầm với tổn thương của bệnh lý khớp khác. Trong bệnh lý của khớp thì có liệt kê viêm khớp do vảy nến thường do khi biểu hiện ngoài da chưa rõ ràng thì nhầm lẫn. Nhưng khi đã biểu hiện ngoài da rồi thì biểu hiện bệnh khớp của vảy nến rất rõ ràng.

PV: Thưa bác sĩ, bệnh vảy nến có liên quan đến lứa tuổi, giới tính hay không ạ?

TS. BS Lê Hữu Doanh: Theo thống kê, về giới không có sự khác biệt. Nhưng ở Việt Nam, tỷ lệ nam mắc bệnh vẫn cao hơn nữ. Về tuổi, bệnh thường gặp và tiến triển từ bé (1-2 tuổi) có khi 80 tuổi mới phát bệnh. Trong một gia đình có 2 chị em thì có khi người em phát bệnh năm 10 tuổi nhưng người anh đến 60 tuổi mới phát bệnh. Cho nên tuổi trung bình là thanh thiếu niên gặp nhiều hơn.

PV: Thưa ông Trần Hồng Trường, như đã trao đổi, hiện nay thống kê về bệnh vảy nến chưa được chính xác. Nhưng theo cảm nhận của chúng tôi, bệnh này rất nghiêm trọng nên mới có Hội vảy nến. Ông có thể nói rõ hơn, vì sao lại ra đời Hội này và mục đích của Hội để làm gì?

Ông Trần Hồng Trường: Có lẽ, các bác sĩ đã định nghĩa cho chúng ta biết được bệnh vảy nến là gì. Thực tế, theo định nghĩa của WHO trở thành bệnh hệ thống chứ không phải đơn thuần là bệnh da. Nó liên quan đến rất nhiều vấn đề khác. Ví dụ, người mắc vảy nến thì mắc khớp và nếu điều trị không tốt hoặc trong cuộc sống họ không được điều trị một cách đúng mực thì họ sẽ dẫn sang những bệnh chuyển hóa khác, ví dụ như bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch… Trước kia, người ta hay nói vảy nến là bệnh da, nhưng đến bây giờ người ta định nghĩa là bênh hệ thống, có nguy hiểm nếu không biết điều trị.

Trên thế giới, Hội vảy nến thế giới đã được thành lập 10 năm nay. Năm 2013, lần đầu tiên WHO đưa vảy nến vào chương trình nghị sự của mình. Có nghĩa, thế giới xác định đây là bệnh cần được quan tâm. Do đó có ngày Vảy nến thế giới (29/10). Vào ngày này, những bệnh nhân hoặc những gia đình, các bác sĩ có quan tâm… có quan tâm thì gặp gỡ nhau để động viên, cổ vũ cho những bệnh nhân vảy nến được sống như người bình thường. Nhưng cũng đồng thời để các nhà quản lý y tế hiểu được và có chính sách tốt hơn cho những người mắc bệnh vảy nến. Ở Việt Nam, được phép của Tổng hội y học Việt Nam, của Hội Da liễu, với sự giúp đỡ tích cực của Bệnh viện Da liễu Trung ương, Hội vảy nến Việt Nam được thành lập. Những bệnh nhân vảy nến họ đến với nhau và được chia sẻ, do đó Hội vảy nến từ khi được thành lập năm 2013 trên cơ sở Câu lạc bộ bệnh nhân, đã có những hoạt động, giúp đỡ, chia sẻ giữa các bệnh nhân với nhau. Hiện nay, Hội vảy nến Việt Nam là thành viên của Hội vảy nến thế giới.

Ông Trần Hồng Trường

PV: Như ông nói, Hội vảy nến thành lập có một mục đích là “các bệnh nhân bị bệnh vảy nến được sống như người bình thường”. Tức là thực tế đã có chuyện kỳ thị với họ?

Ông Trần Hồng Trường: Vâng. Chuyện kỳ thị ở Việt Nam thì chúng ta cho đến nay, bệnh vảy nến xuất hiện trên cơ thể, những người bệnh nặng (đỏ da toàn thân) thì người bình thường họ nhìn thấy bệnh nhân này thì rất ghê sợ. Đó cũng là bình thường, nhưng xã hội không hiểu biết thì người ta sẽ kỳ thị. Sự kỳ thị ấy sẽ dẫn đến những chuyện là bệnh nhân ở trong Hội của chúng tôi có những người bị vợ bỏ, chồng bỏ.; có những cháu đi học bị các bạn trêu đùa, trêu ghẹo… Hoặc có những trường hợp đi đến chỗ công cộng như bể tắm là không được tắm. Đó là những câu chuyện đã xảy ra. Một số nước, bệnh nhân đã kiện đối với cơ quan vận chuyển từ chối vận chuyển bệnh nhân bị vảy nến và họ đã thắng kiện.

Một trong những nhiệm vụ của hội là chúng tôi có chức năng bảo vệ quyền lợi của những người bị bệnh vảy nến. Tức là làm sao cho xã hội giảm kỳ thị đối với bệnh nhân bị vảy nến. Đấy là một trong những nhiệm vụ mà chúng tôi đang làm.

PV: Thưa bác sĩ Doanh, như trong chia sẻ của ông Trần Hồng Trường có nói đến những kỳ thị của xã hội đối với bệnh nhân, một phần có thể do họ chưa hiểu nhưng có phải một phần nữa do họ sợ bệnh lây nhiễm… Bản thân người bệnh phải chịu đựng như thế nào, thưa ông?

TS BS Lê Hữu Doanh: Sự kỳ thị của cộng đồng đối với bệnh nhân vảy nến dựa nhiều vào cảm quan như biểu hiện ngoài da, bất thường ngoài da và họ sợ nhất là bị lây bệnh. Hiện tại, khoa học khẳng định bệnh vảy nến không lây.  Nhưng bản thân người bị bệnh vảy nến tự họ cũng có kỳ thị, mặc cảm với mình. Y học đã chứng minh, vảy nến không phải bệnh ngoài da mà là bệnh hệ thống, trong đó chúng tôi lo ngại nhất là sự tác động của vảy nến đối với tâm thần, tâm lý của người bệnh. Trong bệnh vảy nến, chất lượng cuộc sống của người bệnh ảnh hưởng rất nhiều. Ngoài ra, tâm lý của người bệnh cũng bị ảnh hưởng rất nhiều so với ung thư và các bệnh lý mạn tính khác thì bệnh vảy nến đôi khi ảnh hưởng lớn hơn. Chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp bản thân người ta kỳ thị, mặc cảm, trầm cảm và đã có những trường hợp bệnh nhân tự tử, tự sát vì bệnh vảy nến. Vì vậy, tâm lý, rối loạn tâm lý, tâm thần không đơn thuần là tâm lý bên ngoài, mà bản thân người bệnh có vướng mắc rối loạn tâm thần trong bệnh chung của bệnh vẩy nến, coi đó là bệnh hệ thống. Ngoài sự kỳ thị từ bên ngoài, bản thân người bệnh cũng có mặc cảm.

Ông Trần Hồng Trường: Đối với bệnh nhân trong Hội bệnh vẩy nến của chúng tôi, không chỉ ở Việt Nam mà các nước khác trên thế giới, đã có những bộ phim tài liệu rất cảm động. Chúng ta hãy tưởng tượng một người mắc bệnh vẩy nến sáng ngủ dậy thì những cái vẩy trong cơ thể bung ra, rơi ra nền nhà. Có những người quét được hàng bát tô vẩy nến. Bạn tưởng tượng là họ đi ra ngoài đường sẽ như thế nào?

Còn ở Việt Nam, những bộ phim nói về bệnh nhân vẩy nến, những việc liên quan đến truyền thông đến giờ vẫn hạn chế. Cái chúng tôi rất mong muốn là bản thân những người bệnh vẩy nến hiểu được bệnh, họ hãy tự tin. Họ không làm lây bệnh sang ai cả, không ngại ai cả, cứ yên tâm điều trị. Còn ngược lại, cũng muốn cho xã hội hiểu là bệnh vẩy nến không làm lây nhiễm ra cộng đồng, vì nó không phải là nhiễm khuẩn. Đây là bệnh xuất phát từ gen, từ cơ thể, không bị lây. Điều quan trọng là đối với những người khi mắc bệnh, họ phải cố gắng tự tin và sống như một người bình thường.

PV: Thưa bác sĩ Doanh, khi bệnh nhân bị vẩy nến, họ có thể tìm đến các bệnh viện như Bệnh viện Da liễu Trung ương hoặc khoa da liễu của các bệnh viện. Điều thắc mắc ở đây là khi đến bệnh viện, người ta được khám tổng quát chung, liệu tất cả các bác sĩ ở trong bệnh viện đó đều có thể chữa được bệnh vẩy nến hay có sự chuyên sâu?

TSBS Lê Hữu Doanh: Trong chuyên ngành, bệnh vẩy nến vẫn là một bệnh căn bản của chuyên ngành da liễu. Đối với các bác sĩ chuyên khoa da liễu như ở Bệnh viện Da liễu Trung ương, tất cả đều có khả năng điều trị bệnh vẩy nến. Thế nhưng vẩy nến là bệnh mạn tính kéo dài, chính vì vậy người bệnh cần hơn một lần điều trị từ một bác sĩ, cần hơn sự quản lý của bác sĩ đối với bệnh đó. Các bác sĩ đôi khi phải kéo dài theo dõi, gần như cả cuộc đời của người bệnh. Cho nên việc quản lý người bệnh tốt hơn là việc điều trị.

Chính vì vậy ở Bệnh viện Da liễu Trung ương chúng tôi mở các phòng khám chuyên về bệnh vẩy nến. Người bệnh đến đó được tư vấn, được khám và được điều trị theo một lộ trình và bệnh án có thể theo dõi đều đặn. Các đơn vị da liễu tuyến tỉnh, cũng như các bệnh viện khác, cũng phải triển khai quản lý hơn là điều trị. Tức là bệnh nhân không những đến một lần, mà nhiều lần và chúng tôi nghĩ điều đó rất cần thiết đối với người bệnh.

PV: Khi bệnh nhân đến điều trị ở các bệnh viện, phần chi trả của bệnh nhân đối với các dịch vụ trong bệnh viện như khám, thuốc… như thế nào, theo dịch vụ hay BHYT,thưa bác sĩ?

TS BS Lê Hữu Doanh:  Trước đây, có thể tùy diện bệnh nhân đến viện ở mức độ nào. Nhưng bệnh nhân vẩy nến vẫn được chi trả BHYT ở các loại thuốc thông thường. Từ năm 2014, Bộ Y tế có chính sách BHYT đặc biệt đối với bệnh mãn tính, trong đó có vẩy nến, có thể chuyển BHYT một năm một lần. Từ là bệnh nhân muốn nếu ở cơ sở không có khả năng quản lý và điều trị bệnh đó, thì có thể chuyển đến cơ sở cao hơn và chỉ cần chuyển bảo hiểm một lần. Và họ có thể sử dụng bảo hiểm trong một năm tại cơ sở được chuyển đến.

Các thuốc điều trị bệnh vẩy nến cũng như trong danh mục thuốc, thì hầu hết được bảo hiểm ở các thuốc thông thường, còn các thuốc cao cấp thì một số thuốc không có bảo hiểm. Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng đã làm việc với Bộ Y tế và mong muốn rằng hầu hết các thuốc, không những là thông thường mà cả loại đắt tiền, cũng cần được bảo hiểm y tế chi trả. Bởi vì bệnh nhân vẩy nến không đơn thuần là một, hai lần điều trị mà kéo dài và người bệnh cần phải chuyển bệnh nhân từ thể nặng, thể vừa sang thể nhẹ, đôi khi những thuốc thông thường không giải quyết được và cần có liệu pháp thuốc tốt hơn.

PV: Đây cũng là thắc mắc mà độc giả gửi đến cho ông Vũ Huy Điệp, Vụ BHYT của Bộ Y tế. Đó là những loại thuốc bệnh nhân nhận được trong quá trình điều trị có liên quan đến BHYT lại không đáp ứng được yêu cầu điều trị, mà cần những loại thuốc đắt tiền hơn, không ở trong danh mục chi trả. Theo ông, giải quyết bài toán này như thế  nào?

Ông Vũ Huy Điệp: Các loại thuốc điều trị bệnh vẩy nến thì về cơ bản những thuốc thông thường đã được chi trả. Tuy nhiên, giống như những thuốc điều trị ung thư hoặc chống thải ghép và thuốc miễn dịch, các loại thuốc liên quan đến chế phẩm sinh học có chi phí rất cao. Hiện nay, Bộ Y tế đang quy định trong Thông tư 40 về danh mục thuốc tân dược, trong đó có tỷ lệ chi trả đối với thuốc có chi phí cao này ở mức khoảng từ 30 – 50%. So với quy định cũ, về cơ bản được duy trì và đảm bảo quyền lợi của Thông tư 31 và có những thuốc được mở rộng, tăng thêm. Tuy nhiên, để tính toán làm sao cho phù hợp với mức chi trả và mức đóng góp, Bộ thấy rằng trước mắt với khả năng của quỹ như vậy, chúng ta chỉ đáp ứng được 30 – 50% chi phí thuốc trong quyền lợi của người tham gia BHYT.

Điều trị bệnh vẩy nến cũng được quan tâm như các bệnh khác, Bộ Y tế cũng tính toán đến chi phí hiệu quả. Chúng ta chi phí cho các bệnh khác nhau phải có tính toán. Ví dụ như đối với ung thư, tại sao chúng ta lại không chi trả tất cả? Vì khả năng của quỹ có hạn. Hiện tại quỹ BHYT có kết dư, tuy nhiên đến năm 2016 khi thông tư quy định mức giá dịch vụ y tế đồng hạng thống nhất trên toàn quốc tăng lên, chi phí y tế sẽ tăng đồng thời với chi phí của sự thông liên tuyến huyện, cho nên chi phí khám chữa bệnh y tế sẽ tăng lên.

Dự kiến trong năm 2016 sẽ tăng lên 11.000 tỷ đồng chi từ quỹ BHYT so với năm nay. Do đó quỹ đang kết dư sẽ bị tiêu rất nhanh. Chính vì thế, đúng là bệnh vẩy nến ở thể nặng rất cần được chi trả, chúng tôi đang tính toán, xem xét để đề xuất trong thông tư quy định tỷ lệ điều kiện thanh toán với thuốc, vật tư y tế theo quy định của luật BHYT có hiệu lực từ 1/1/2015, làm sao đảm bảo được chi trả cho người bệnh.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều được chi trả. Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới cũng đánh giá với một danh mục thuốc và vật tư y tế, cũng như dịch vụ kỹ thuật y tế của bảo hiểm đang chi trả, so với các nước khác trong khu vực là có sự hào phóng. Thế nên chúng ta cũng phải xem xét, đặc biệt khi Bộ Y tế trong thời gian gần đây có nhiều thông tin từ Hội vẩy nến, Viện da liễu Quốc gia cung cấp thông tin về bệnh vẩy nến thì chúng tôi rất mong muốn sẽ có những tác động về mặt chính sách tốt hơn cho bệnh nhân vẩy nến, đặc biệt ở thể nặng khi phải sử dụng thuốc có chi phí cao hơn.

PV: Ông có thể làm rõ hơn là bảo hiểm sẽ chi trả cho bệnh nhân vẩy nến một cách liên tục hay chỉ mang tính giai đoạn?

Ông Vũ Huy Điệp: Việc chi trả của quỹ BHYT nói chung đối với bệnh nhân, thì đối với bất kỳ bệnh nhân nào chúng ta cũng chi trả theo tình trạng bệnh chứ không theo mức đóng. Tức là mức đóng như nhau, tuy nhiên tình trạng bệnh nặng hay nhẹ thì được chi trả theo thực trạng của bệnh đó và chi phí của người bệnh như bác sĩ Doanh cũng đã nói.

Hiện tại, Thông tư 40 ban hành về đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến có bổ sung thêm một số nhóm bệnh mới. Nhưng Thông tư 37 cũ đã quy định 47 bệnh và nhóm bệnh trong đó có bệnh vẩy nến được sử dụng chuyển tuyến trong năm tài chính và người bệnh bệnh vẩy nến không thể điều trị triệt để, nhưng sẽ được chi trả bất kỳ lần nào đến bệnh viện hoặc cơ sở khám chữa bệnh để khám BHYT. Có nghĩa là được chi trả lâu dài.

Ông Vũ Huy Điệp

PV: Chúng tôi nhận được thắc mắc của bệnh nhân phản ánh là họ không chuyển tuyến được. Điều này có bác sĩ làm sai hay bệnh nhân chưa hiểu đúng quyền lợi của mình, thưa ông?

Ông Vũ Huy Điệp: Trường hợp này chúng ta đã gặp ở nhiều bệnh khác, không chỉ riêng với vẩy nến. Nhưng hoàn toàn có thể lý giải được. Với những danh mục bệnh mà cơ sở khám chữa bệnh thực hiện được tại chỗ, thì không phải chuyển tuyến. Chỉ những bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh không thực hiện được, vượt khả năng chuyên môn thì sẽ yêu cầu chuyển tuyến. Còn những trường hợp cấp cứu do biến chứng của bệnh thì vẫn có thể chuyển tuyến bình thường.

Những tuyến tỉnh, thậm chí tuyến huyện, với mức độ bệnh khác nhau, người bệnh vẫn được điều trị tại địa phương, tại cơ sở khám chữa bệnh phù hợp. Chính vì thế điều này làm cho người bệnh hiểu lầm là cơ sở khám chữa bệnh không cho chuyển. Do đó, trong danh mục cơ sở khám chữa bệnh được thì người bệnh nên điều trị ở tuyến đó và tin tưởng chuyên môn ở tuyến đó. Trong trường hợp điều trị không có kết quả mới phải chuyển tuyến.

PV: Thực tế là ngoài niềm tin của bệnh nhân với tay nghề của bác sĩ ở địa phương, thì danh mục thuốc được chi trả BHYT lại khác nhau ở tuyến địa phương và Trung ương. Nếu bệnh nhân ở tuyến dưới, trình độ bác sĩ như vậy, người bệnh sẽ không tin tưởng. Tôi nghĩ đó là bất cập. Trong chính sách BHYT có tính đến bất cập này không, thưa ông?

Ông Vũ Huy Điệp, Vụ Bảo hiểm (Bộ Y tế): Thực ra khi điều trị bất cứ một loại bệnh nào nói chung cũng như bệnh vẩy nến nói riêng, chúng ta đều có sự hướng dẫn chi tiết ở các cấp độ khác nhau của bệnh. Thuốc điều trị ở thể nhẹ khác ở thể nặng hoàn toàn. Những sự tương đồng ở các mức độ bệnh đó với các danh mục được phân tuyến, quy định về tuyến điều trị thuốc của cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, Trung ương và huyện, xã đều căn cứ trên các mức độ bệnh cũng như trình độ chuyên môn tại cơ sở để chúng ta quy định.

Điều này Bộ Y tế cũng đã xem xét. Tuy nhiên, không phải tất cả điều đó đều phù hợp với thực tiễn. Tất cả các vướng mắc và phản ánh ở các cơ sở khám chữa bệnh gửi lên cho chúng tôi, chúng tôi cũng đã xem xét và điều trị dần dần trong quy định về danh mục thuốc của các tuyến để cho nó phù hợp nhất. Để khi người bệnh chuyển tuyến trên không kéo thêm chi phí điều trị cũng như chi phí thực tế. Ví dụ như, một người nằm viện, phải kéo theo từ 2-3 người phục vụ. Như thế, nó sẽ làm gia tăng gánh nặng đối với một chi phí của một gia đình để điều trị bệnh cho một người bệnh. Những tính toán đó, chúng tôi đều dựa trên các phác đồ điều trị để phù hợp với thực tiễn tại các cơ sở điều trị người bệnh.


PV: Thưa bác sĩ Lê Hữu Doanh, là người trực tiếp xử lý các tình huống cho bệnh nhân, ông có bao giờ gặp tình huống như vậy hay không? Tôi nghĩ rằng, điều  này rất phổ biến, người bệnh tham gia BHYT mang tính “từ thiện” còn quyền lợi thực sự của người ta là không có? Ở bệnh viện Da liễu Trung ương có gặp trường hợp đó không, tỷ lệ có cao không, thưa bác sĩ?

TS BS Lê Hữu Doanh: Trường hợp bệnh nhân vượt tuyến không chỉ có ở Bệnh viện Da liễu Trung ương mà còn xảy ra ở các bệnh viện tuyến trên khác. Tức là người bệnh sẽ không chấp nhận sự điều trị ở tuyến dưới, các thủ tục không hoàn thành khi lên tuyến trên. Đương nhiên khi lên tuyến trên họ trở thành đối tượng trả tiền dịch vụ tự nguyện và việc đó phụ thuộc vào hệ thống của chúng ta.

Khi người bệnh vượt tuyến lên đây, chúng tôi sẽ phục vụ giống như bệnh nhân khác và đương nhiên họ sẽ có thắc mắc về việc chuyển tuyến. Ngay cả Bệnh viện Da liễu Trung ương, đơn vị cuối cùng trong khám chữa bệnh, mức chi trả BHYT cho tỷ lệ từng bệnh không quá cao.

Còn trong quá trình điều trị cho bệnh nhân có BHYT, nếu bác sĩ mong muốn điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất và cho những thuốc cần thiết cho người bệnh. thì tổng chi phí chữa bệnh lại vượt quá mức cho phép, đấy là tình trạng chung ở tất cả các bệnh viện chứ không riêng gì bệnh viện tuyến Trung ương. Cho nên, theo tôi, sau này, Bộ Y tế nên có một chính sách để toàn bộ người dân đều hưởng BHYT 100%, khả năng chi trả của BHYT cũng cao hơn, họ sẽ nới trần cho chúng ta.

Khi đó, người bệnh cần sử dụng dịch vụ chi phí đắt có thể sử dụng được BHYT. Đương nhiên, họ cũng phải có mức trần để hạn chế. Cho nên, giai đoạn này, người bệnh cũng đồng chi trả thêm cho quá trình điều trị để giúp cho việc điều trị được hiệu quả hơn.

PV: Chính sách này phải đảm bảo được quyền lợi của người tham gia BHYT. Theo ông Vũ Huy Điệp chính sách đó phải cụ thể như thế nào?

Ông Vũ Huy Điệp, Vụ Bảo hiểm – Bộ Y tế: Đối với bệnh vẩy nến nói riêng và các bệnh khác nói chung chúng ta đều được chi trả cũng như quyền lợi và mức đóng không khác nhau.

Chúng ta đang thực hiện BHYT theo cách lấy số đông để chia sẻ bệnh tật đối với người ốm đau. Vì thế, chúng tôi có thể phát triển được đối tượng tham gia để chúng ta đảm bảo được gánh nặng chi trả y tế. Bởi vì, khi chúng ta phát triển dịch vụ kỹ thuật cũng như thuốc đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, chi phí của nó không phải cấp số cộng mà nó gia tăng một cách nhanh chóng.

Bộ Y tế đang xây dựng để làm thế nào tuyên truyền cho người dân tham gia BHYT tăng lên. Chính điều này sẽ làm cho khả năng chi trả BHYT được tốt hơn. Ngoài ra, chúng ta cần phải tăng cường chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại các tuyến cơ sở để người dân tiếp cận các tuyến cơ sở hơn, tránh vượt tuyến không hợp lý. Trong trường hợp nếu vượt tuyến hợp lý chúng tôi khuyến khích. Tuy nhiên chúng ta không khuyến khích họ vượt tuyến vì nếu bệnh ở thể nhẹ chúng ta có thể dùng thuốc tại tuyến cơ sở với mức độ chi phí vừa phải, phù hợp với khả năng chi trả cũng như hiệu quả đối với người bệnh.


PV: Thưa ông Trần Hồng Trường, là người đại diện cho người bị bệnh vẩy nến ở Việt Nam, ông có thấy chính sách của bệnh nhân bị vẩy nến như ý kiến của ông Điệp vừa trình bày đã đáp ứng được mong mỏi của người bệnh chưa và bệnh nhân vảy nến còn cần sự hỗ trợ nào khác không?

Ông Trần Hồng Trường: Các bạn đã biết, đối với bất kỳ người nào bị mắc bệnh đều mong muốn được chữa khỏi bệnh. Bệnh nhân nên hiểu rằng, bệnh vẩy nến là bệnh không bao giờ chữa khỏi mà chúng ta phải sống chung với bệnh. Chúng tôi thường chia sẻ với nhau rằng, chúng ta là những bệnh nhân thông thái, phải biết tự điều chỉnh và phải tìm đúng bác sĩ chuyên khoa để điều trị. Bệnh vẩy nến nếu ảnh hưởng đến tâm lý sẽ phát triển bệnh rất nhanh. Do đó, khi điều trị sai, không được tư vấn một cách chính xác, bản thân người bệnh sẽ bị nặng hơn.

Trong năm 2014, Bộ Y tế đã có một chính sách rất kịp thời đó là khi bệnh nhân chuyển viện lên tuyến trên sẽ được sử dụng BHYT. Cái này đem lại nhiều lợi ích đối với bệnh nhân không phải đi lại nhiều lần.

Trước kia, khi mỗi lần bị mắc bệnh, họ lại phải khám ở tuyến dưới sau đó mới chuyển lên tuyến tỉnh, rồi mới chuyển lên tuyến Trung ương. Như vậy sẽ mất rất thời gian cho bệnh nhân và ảnh hưởng chi phí rất nhiều.

Bây giờ chúng tôi thấy đối với bệnh nhân ở tuyến dưới nó không đơn thuần là chữa bệnh mà nó tư vấn giúp cho bệnh nhân hiểu và chung sống với bệnh.

Hiện nay, ở tuyến dưới bệnh nhân hiểu biết và nhận thức về bệnh còn hạn chế. Do vậy, chính những bất cập đó làm cho bệnh nhân bị bệnh nặng hơn. Nếu chữa sai bị nặng hơn, nếu chữa không đúng thời gian cũng nặng hơn và nếu bị tâm lý lại càng nặng hơn nữa.

Bản thân tôi là một bệnh nhân, tôi luôn hiểu rằng trước khi điều trị, chúng ta phải được tư vấn. Điều này đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hiện nay, chính sách của Bộ Y tế đã có, bên cạnh đó chúng ta cũng phải có chính sách tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho bệnh nhân, xã hội và các bác sĩ nữa. Đó là vấn đề chúng tôi rất mong muốn.

Liên quan đến việc điều trị, hiện nay có rất nhiều thuốc để điều trị, thế giới cũng có nhiều phương pháp điều trị và có những loại thuốc có thể giúp cho bệnh nhân kiểm soát bệnh được lâu dài.

Cùng với đó, chi phi điều trị cũng rất cao. Nếu để cho những bệnh nhân bình thường như cán bộ công nhân viên chức tiếp cận với loại thuốc đó thì rất khó để điều trị nếu không có BHYT.

Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo, thu nhập của người dân vẫn còn hạn chế. Những người sống ở vùng sâu, vùng xa, không ở thành phố thu nhập rất thấp, nếu để tiếp cận với y tế để chữa bệnh là điều vô cùng khó khăn. Chúng tôi đề xuất rằng, Bộ Y tế làm thế nào để người dân có thể được chữa bệnh (chúng tôi có thể gọi là không có vùng lõm nữa).

Theo tôi được biết, hiện nay, đối với Bệnh viện Da liễu Trung ương, đã tổ chức quản lý tuyến ở các địa phương.

Tôi mong muốn chúng ta sẽ thêm nhiều các chương trình khác nữa để các bác sĩ ở Trung ương có thể chia sẻ kinh nghiệm khám chữa bệnh đối với các bác sĩ địa phương và bệnh nhân ở Hà Nội có thể chia sẻ bệnh với các bệnh nhân ở các tỉnh khác trong cả nước.

Hiện nay, Hội vảy nến Việt Nam mới thực hiện được điều này ở các tỉnh thành phố như: TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội. Dưới sự hỗ trợ của bác sĩ, chúng tôi mong muốn các chương trình của bệnh nhân sẽ đến nhiều hơn đối với các tỉnh khác. Thế giới định nghĩa, bệnh vẩy nến là không biên giới, ai cũng có thể mắc bệnh, từ người già đến trẻ con, từ nam đến nữ, kể cả anh có chức tước cũng có thể bị bệnh.

Tôi mong muốn, qua đề xuất liên quan đến BHYT kể cả nâng cao nhận thức, khám và điều trị để bệnh nhân có thể tiếp cận được thành tựu điều trị mà thế giới họ đã thành công.

PV: Thưa ông Điệp, những mong muốn mà ông Chủ tịch Hội vẩy nến vừa đưa ra, theo ông chúng ta cần sự chung tay như thế nào từ cơ quan xây dựng chính sách cũng như cơ quan thực thi như Hội vẩy nến Việt Nam và Bệnh viện Da liễu Trung ương?

Ông Vũ Huy Điệp, Vụ Bảo hiểm (Bộ Y tế): Theo tôi, sự chung tay này, chúng ta không thể giành gánh nặng cho BHYT hay Hội vẩy nến Việt Nam hoặc các bệnh viện mà chúng ta cần có sự chia sẻ thông tin giữa các hội viên để làm thế nào hiểu được bệnh này, nó có tác động đến xã hội như thế nào?

Những người không bị bệnh không được kỳ thị để cho người bệnh cảm thấy thoải mái trong điều trị bệnh.

Bệnh vẩy nến có một đặc điểm là nếu bị tâm lý nặng nề lại phát bệnh nặng hơn. Cho nên chúng ta phải tuyên truyền về bệnh học và chỉ đạo tuyến để họ có khả năng chữa các loại bệnh khác nhau, nhận biết được thể nặng và có thể chuyển tuyến và sử dụng thuốc cho phù hợp theo tuyến BHYT. Ngoài ra, chúng ta phải tuyên truyền cho họ biết việc tham gia BHYT đóng vai trò rất quan trọng. Bởi bất kỳ ai trong chúng ta đều có thể bị bệnh vẩy nến, trong khi đó mới chỉ có hơn 70% dân số tham gia BHYT. Còn lại 30% người dân chưa tham gia BHYT.

Nếu bị bệnh vẩy nến họ phải chịu chi phí chữa bệnh rất cao, đặc biệt khi quy định tăng giá dịch vụ y tế sẽ ban hành và bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2016. Do đó nếu người dân chưa tham gia BHYT sẽ chịu chi phí rất lớn. Còn đối với người bị bệnh vẩy nến nên tham gia lâu dài, tức là thời gian tham gia ít nhất 5 năm liên tục sẽ được hưởng nhiều quyền lợi hơn.

PV: Theo ông, công tác tuyên truyền về bệnh vảy nến và hướng dẫn người dân điều trị bệnh một cách có bài bản nên được thực hiện như thế nào?

TS. BS Lê Hữu Doanh: Công tác tuyên truyền về bệnh vảy nến nên được thực hiện thường xuyên, liên tục, theo nhiều hình thức khác nhau.

Chúng ta cần có sự  liên kết tuyên truyền cũng như khám chữa bệnh giữa Hội Vảy nến Việt Nam và các bệnh viện. Tuy nhiên hiện nay, việc làm này chỉ có thực hiện ở những tỉnh, thành lớn còn ở các địa phương khác hay ở những vùng, miền xa xôi chưa có sự liên kết chặt chẽ. Vì vậy, các bệnh viện ở tuyến Trung ương nên có sự phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân điều trị bệnh vảy nến ở các bệnh viện, cơ sở uy tín. Việc người dân điều trị ở những tuyến, những nơi không chính thống, đảm bảo có thể khiến cho bệnh trạng của người dân từ nhẹ chuyển sang nặng, từ không biến chứng chuyển sang biến chứng. 

Phần hỏi - đáp liên quan đến bệnh

TS. BS Lê Hữu Doanh: 

PV: Nhiều người dân có thói quen nghe theo sự hướng dẫn của người khác là dùng những bài thuốc dân gian hay tìm những loại lá cây để chữa bệnh vảy nến. Liệu cách thức này có đúng hay không và ông có khuyến cáo gì đối với người dân khi sử dụng bài thuốc này?

TS. BS Lê Hữu Doanh: Hiện nay, nguyên nhân chính dẫn đến bệnh vảy nên chưa được làm rõ nhưng việc hình thành bệnh và quá trình phát triển bệnh đã rõ ràng. Các phương pháp điều trị bệnh vảy nến như bôi thuốc, dùng thuốc toàn thân đã có thể khống chế được bệnh. Vì vậy, người dân nên đến cơ sở chuyên khoa về da liễu có uy tín để khám, điều trị chứ không nên nghe theo những lời chỉ bảo mang tính chất tâm linh hay những phương pháp điều trị được gọi là theo dân gian, một số thuốc tự chế do những người không có hiểu biết về ngành Y, không có kiến thức chuyên khoa.

PV: Một độc giả ở TP HCM hỏi về biến chứng của bệnh vảy nến, thưa Bác sĩ?

TS. BS Lê Hữu Doanh: Bệnh vảy nến không đơn thuần là bệnh về da nên biến chứng của bệnh vảy nến là chuyển từ thể nhẹ sang thể nặng. Bệnh nhân có thể đỏ da toàn thân, sưng mủ rồi chuyển sang tổn thương móng, sưng đau các khớp, biến dạng khớp, chân đau không đi lại được, rối loạn chuyển hóa dẫn đến các bệnh như: Tiểu đường, tăng huyết áp, xơ vữa mạch, rối loạn tâm lý do trên cơ thể người bệnh bị viêm da không được khống chế nên ảnh hưởng đến toàn thân. Những biến chứng này còn có thể dẫn đến bệnh nhồi máu cơ tim, tăng mỡ trong máu...

PV: Xin bác sĩ cho biết chế độ ăn uống, sinh hoạt cho người bị bệnh vảy nến có gì cần lưu ý?

TS. BS Lê Hữu Doanh: Người bị bệnh vảy nến cần có chế độ sinh hoạt khoa học, đều đặn, không làm việc quá nặng. Chế độ ăn uống cũng cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh dùng cách chất kích thích và hút thuốc lá.

PV: Một độc giả hỏi: Người bị bệnh vảy nến có được lấy vợ hoặc chồng không và nếu sinh con thì liệu bệnh có lây truyền sang con không?

TS. BS Lê Hữu Doanh:  Người bị vảy nến vẫn có thể lấy vợ hoặc chồng bình thường. Bệnh vảy nến mang tính chất về gen nên nếu cả bố và mẹ bị bệnh vảy nến thì xác xuất người con sẽ bị bệnh cao hơn với nhóm cộng đồng.

PV: Lứa tuổi nào có nguy cơ mắc bệnh vảy nến cao, thưa bác sĩ?

TS. BS Lê Hữu Doanh: Lứa tuổi mắc bệnh vảy nến có thể là từ trẻ nhỏ đến người lớn. Tuy nhiên, đối tượng dễ mắc bệnh vảy nến tập trung ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

PV: Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình!/.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đông y và bệnh vẩy nến
Đông y và bệnh vẩy nến

VOV.VN -Lương y Hà Văn Tiêu: Vẩy nến là loại bệnh suy giảm miễn dịch cho nên việc điều trị Đông & Tây y gặp rất nhiều khó khăn…

Đông y và bệnh vẩy nến

Đông y và bệnh vẩy nến

VOV.VN -Lương y Hà Văn Tiêu: Vẩy nến là loại bệnh suy giảm miễn dịch cho nên việc điều trị Đông & Tây y gặp rất nhiều khó khăn…

Bệnh vảy nến có liên quan đến hệ miễn dịch
Bệnh vảy nến có liên quan đến hệ miễn dịch

Một nghiên cứu y học tại Mỹ cho thấy, những phụ nữ bị bệnh vảy nến có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và huyết áp nhiều hơn so với người bình thường.

Bệnh vảy nến có liên quan đến hệ miễn dịch

Bệnh vảy nến có liên quan đến hệ miễn dịch

Một nghiên cứu y học tại Mỹ cho thấy, những phụ nữ bị bệnh vảy nến có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và huyết áp nhiều hơn so với người bình thường.