Ung thư cổ tử cung vẫn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm

Hầu hết những trường hợp UTCTC đều được phát hiện ở giai đoạn trễ do người Việt Nam không có thói quen đi khám bệnh định kỳ để tầm soát.

Tại Bệnh viện (BV) Ung Bướu TPHCM, mỗi năm có khoảng 30 – 40% bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung (UTCTC) trong tổng số tất cả bệnh nhân đến khám và điều trị tại đây.

Theo GS. BS. Nguyễn Chấn Hùng – Giám đốc BV Ung Bướu, UTCTC là bệnh có thể phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị tốt mặc dù đây là loại ung thư phổ biến ở phụ nữ.
 
Những trường hợp đáng tiếc
 
Gặp chị N.T.N, 45 tuổi, quê ở Đồng Tháp đang điều trị UTCTC tại BV Ung Bướu với tình trạng gầy xanh, cơ thể phát ra mùi hôi nồng nặc vì bệnh đã ở giai đoạn 3. Chị cho biết trong những lần đầu tiên bị rong huyết cũng tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc uống. Khi thấy hiện tượng rong huyết chấm dứt, chị không để ý đến nữa. Sau đó, khoảng nửa năm, trong khi đang dọn dẹp nhà cửa, chị N. thấy “chỗ ấy” của mình ra máu xối xả. Ngay lập tức chị được người nhà đưa đến trạm y tế rồi BV tỉnh nhưng vẫn không cầm được máu. Tại BV Ung Bướu, bác sĩ cho biết bệnh của chị đã ở giai đoạn trễ kèm theo những cơn đau nhức.
Đặc biệt, có trường hợp mắc bệnh UTCTC khi chỉ mới 15 tuổi. Đó là bệnh nhân H.T.T.L., quê ở Tiền Giang, gia đình làm rẫy, L. là con út trong một gia đình có 6 anh chị em và vẫn còn đi học. L. bị rong kinh nhiều tháng và có nói với mẹ nhưng ai cũng chỉ nghĩ đơn giản rằng do L. đang ở tuổi mới dậy thì nên hiện tượng kinh nguyệt bất thường, khi cơ thể phát triển hoàn chỉnh thì sẽ khỏi.
Tuy nhiên, kèm theo những cơn rong huyết nhiều tháng là hiện tượng huyết trắng đục và đau bụng. Gia đình cũng đã tự mua thuốc cho L. uống nhưng không khỏi, sau đó L. được đưa đến BV Triều An và được chuyển đến BV Ung Bướu với kết quả là UTCTC.
 
Cảnh giác với những triệu chứng bất thường
 
Thực tế hiện nay ở BV Ung Bướu, đa số bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn muộn. Đến khi thấy xuất hiện dấu hiệu bất thường thì bệnh đã ở giai đoạn ung thư xâm lấn thân tử cung, âm đạo hoặc toàn bộ vùng quanh tử cung. Những trường hợp nặng hơn thì ung thư ăn lan đến các cơ quan gần như bàng quang, trực tràng, di căn xa đến các bộ phận như phổi, não, gan, xương.
Theo BS. GS. Nguyễn Chấn Hùng, triệu chứng sớm của UTCTC rất khó nhận biết, chủ yếu người bệnh thấy ra máu bất thường ngoài kỳ kinh, chủ yếu người bệnh thấy ra máu bất thường ngoài kỳ kinh, rối loạn kinh nguyệt và tiền sử kinh nguyệt ra nhiều cả khí hư lẫn máu… Sau giai đoạn triệu chứng mơ hồ, bệnh chuyển sang giai đoạn nặng hơn với những biểu hiện như xuất huyết âm đạo bất thường (khi đã mãn kinh, sau giao hợp, giữa 2 kỳ kinh, rong kinh nhiều lần hoặc lượng lớn…). Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa ung bướu cho rằng ở giai đoạn này bệnh vẫn còn cơ may chữa khỏi đến 70 – 80%. Nếu bệnh nhân đến trễ hơn với các triệu chứng đau nhức vùng chậu, hạ chi, phù nề thì khả năng khỏi bệnh chỉ còn 40 – 60%, việc xạ và phẫu trị không mang lại kết quả. Ở giai đoạn ung thư đã di căn hầu như không thể chữa khỏi, bác sĩ chỉ có thể dùng hoá chất để làm chậm sự tiến triển của bệnh.
 
Những quan niệm sai lầm
 
Ngoài trường hợp phát triển trễ do thờ ơ với bệnh phụ khoa, có bệnh nhân đã nhận thấy triệu chứng rõ ràng nhưng vấn đến bác sĩ rất trễ. Theo BS. Dương Thanh Hồng – Phó Khoa Nội 1 – BV Ung Bướu, sai lầm này do tập quán tự chữa bệnh tại nhà, ngại đến cơ sở y tế, khiến cho mất cơ hội điều trị bệnh. Bác sĩ Hồng đã từng gặp trường hợp bệnh nhân ra máu nhưng chỉ đắp thuốc nam nhét sâu vào âm đạo. Chính việc tự điều trị này đã gây khó khăn cho việc điều trị của các bác sĩ vì bác sĩ Hồng đã phải lôi từng cục thuốc nam ra, sau đó rửa cho bệnh nhân bằng nước muối sinh lý trong khi cổ tử cung đã loét sâu, sùi và chảy máu. Đặc biệt ở nông thôn, khi thấy triệu chứng xuất huyết âm đạo phụ nữ chỉ nghĩ là “nóng” trong người nên chỉ cần đi thầy lang hoặc uống lá thuốc. Có người còn dùng cách điều trị đốt lá xông vào tử cung hoặc dùng rắn đặt vào trong âm đạo hoặc uống nước tiểu…
BS Nguyễn Chấn Hùng khuyến cáo, cách duy nhất để kịp thời điều UTCTC là phụ nữ trên 30 tuổi nên đi khám tầm soát đều đặn mỗi năm 2 lần ở phòng khám phụ khoa, làm xét nghiệm tế bào âm đạo, tim ung thư khi còn sớm. Khi có dấu hiệu của bệnh, bệnh nhân tuyệt đối không tự điều trị bằng phương pháp dân gian vì để làm bệnh tiến triển và lan xa nhanh hơn./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên