Mưa lũ gây nhiều thiệt hại về người và tài sản

Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung trong những ngày qua đã làm 12 người chết và mất tích, đồng thời gây thiệt hại về vật chất ước tính lên tới gần 200 tỷ đồng. Riêng tỉnh Hà Tĩnh bị thiệt hại nhiều nhất với 7 người chết.

Trận mưa to kỷ lục trong đêm 30/10 và ngày 31/10 tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khu vực Bắc và Trung Bộ, do ảnh hưởng của đới gió Đông Nam phát triển ở tầng thấp, đã gây ngập lụt trên diện rộng và ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân.

Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung trong những ngày qua đã làm 12 người chết và mất tích, đồng thời gây thiệt hại về vật chất ước tính lên tới gần 200 tỷ đồng. Riêng tỉnh Hà Tĩnh bị thiệt hại nhiều nhất với 7 người chết.

Lượng mưa trung bình tại các tỉnh khu vực Việt Bắc, Tây Bắc và vùng đồng bằng Bắc bộ đã ở mức 60-100mm. Nhiều nơi đã xuất hiện mưa lớn trên 150mm như tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang và Hà Nội là 156mm.

Mưa lớn không chỉ gây ngập trên hầu khắp các tuyến đường của Thủ đô, làm ách tắc giao thông kéo dài, mà còn ảnh hưởng đến việc cấp điện tại một số khu vực. Trạm 220kV Hà Đông đã bị ngập úng và để đảm bảo an toàn lưới điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã phải yêu cầu đơn vị vận hành tách các máy biến áp 220, 110 kV và một số đường dây cùng cấp điện áp ra khỏi hệ thống điện.

Do đó, việc cung cấp điện  cho khu vực Hà Đông và một số khu vực khác của Hà Nội sẽ bị tạm ngừng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang khẩn trương chỉ đạo các đơn vị tích cực xử lý sự cố trong thời gian sớm nhất để việc cung cấp điện trở lại bình thường.

Mưa to kéo dài cũng đã khiến mực nước trên hệ thống sông vùng Bắc Bộ như sông Lô, sông Thao, sông Đà lên nhanh, phá hoại nhiều ha lúa và hoa màu cùng nhiều công trình hạ tầng giao thông, điện và thông tin liên lạc tại các tỉnh như Phú Thọ, Lào Cai, Nghệ An.

Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng cảnh báo vào ngày 1/11, khu vực Bắc Bộ nhiều khả năng tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa lớn làm mực nước các hệ thống sông Bắc Bộ sẽ lên lại. Dự báo chiều và tối nay, sông Lô, Thao, Đà và các sông thuộc hệ thống sông Thái Bình như sông Cầu, sông Thương có khả năng xuất hiện một đợt lũ vừa và nhỏ. Lũ các sông từ Thanh Hóa đến Nghệ An và hạ lưu sông La tiếp tục lên.

Ông Bùi Minh Tăng cũng lưu ý các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Lai Châu và Sơn La trong vài ngày tới cần đề phòng lũ quét xuất hiện trên các sông suối nhỏ, ngập lụt và sạt lở đất.

Hà Nội: trận mưa lớn nhất trong vòng 35 năm qua

Đến 17 giờ ngày 31/10, trận mưa lớn nhất trong lịch sử 35 năm qua vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, mưa trên diện rộng từng cơn dồn dập với cường độ lớn, khiến tình hình úng ngập, ùn tắc giao thông không được cải thiện. Từ sáng đến chiều 31/10, giao thông Hà Nội lúc nào cũng trong tình trạng “ cấp cứu”. Tất cả xe cứu hộ của Nhà nước và tư nhân đều được huy động nhưng vẫn không đáp ứng xuể. Trên những ''dòng sông nước'' tại các tuyến phố, ô tô chết máy hàng lọat, xếp thành từng hàng dài để chờ cứu hộ. Tại đường Láng, hàng nghìn ô tô, xe máy xếp dài từ ngã tư Lê Văn Lương đến Ngã Tư Sở... Xe cứu hộ của 116, cứu hộ giao thông Hà Nội, cứu hộ Giải Phóng, cứu hộ Mạnh Tường... dày đặc trên đường Nguyễn Chí Thanh nhưng số xe được cứu hộ quá ít ỏi.

Một lái xe cứu hộ của 116 cho biết: Mưa ngập sâu, tắc đường trầm trọng, khiến xe cứu hộ rất khó khăn, điện thọai gọi cứu hộ liên tục nhưng không cứu được bao nhiêu. Trên đường Phạm Huy Thông, chủ một xe Vios phàn nàn gọi hàng chục cuộc điện thọai cho nhiều đơn vị cứu hộ 116, 1081, 8686... nhưng chờ từ 10 giờ đến 12 giờ vẫn chưa có xe nào đến. Trên đường Nguyễn Lương Bằng, ô tô xếp hàng chờ cứu hộ, có xe taxi nước tràn cả vào buồng lái khiến lái xe phải ra khỏi xe trèo qua lan can để thóat nạn. Xe cứu hộ “ vận hành” hết công suất, luồn lách để cứu hộ, có xe tranh thủ cứu hộ 2 xe một lúc, có đọan ngay cả xe cứu hộ cũng bị ngập trong nước hoặc mắc nghẽn giữa dòng phương tiện. Ngập khắp nơi, trên đường Láng Hạ, ô tô nhích từng tí một còn xe máy thì “sặc nước” chết máy hàng loạt.

Cùng với xe cứu hộ, dịch vụ “sửa bu gi” cũng đáp ứng rất kịp thời, với giá 10.000-15.000 đồng/1 lần lau bu gi. Dọc các tuyến phố Thái Thịnh, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Thái Học, Huỳnh Thúc Kháng... hàng đòan người dắt xe vì chết máy.

Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết: Đây là trận mưa lịch sử. Tại khu vực Hà Nội, nếu tính các trận mưa ngày diễn ra trong tháng 10 hàng năm thì đây là trận mưa lớn nhất trong vòng 35 năm qua kể từ năm 1973. Nếu tính trận mưa ngày lớn nhất trong các năm thì đây là trận mưa lớn nhất trong vòng 24 năm trở lại đây so với năm 1984.

Tại khu vực Hà đông, đây là trận mưa lớn nhất trong vòng 48 năm kể từ năm 1960. Tổng lượng mưa đo được do TTKTTV cung cấp: Láng 339,6 mm; Hà Đông 492,6 mm; Nội thành :190,2 mm. Tại điểm đo mưa của Công ty tại Vân Hồ là 200 mm, Đồng bông 515 mm Mực nước tại các sông mương hồ đều dâng lên nhanh chóng, từ 1,5 đến 2m so với mực nước ban đầu.

Tại hồ điều hoà Yên Sở, mực nước dâng vượt cốt thiết kế 4,9m/ 4,5m. Đến 17 giờ vẫn đang tiếp tục mưa to. Hiện Công ty vẫn đang theo dõi mực nước trên hệ thống, tiếp tục ứng trực tại các vị trí úng ngập, khắc phục các hậu quả, trạm bơm Yên Sở đang vận hành hết công xuất đưa nước ra sông Hồng để hạ mực nước trên hệ thống, đối phó với trận mưa đang tiếp diễn.

Trên địa bàn Hà Nội, mưa to kèm theo sét đánh đã làm 4 người chết và mất tích, gồm: anh Hoàng Thế Tài (SN 1984), trú tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh bị sét đánh chết; hai cháu: Phạm Văn Hai và Nguyễn Kim Mạnh (đều 8 tuổi), học sinh trưởng THCS Mê Linh, huyện Mê Linh trên đường đi học về đã bị nước cuốn trôi và chết đuối; anh Hoàng Lê Nguyên, sinh năm 1974, Bác sỹ của Trung tâm đào tạo vận động viên cao cấp tại Bệnh viện Thể thao (Mỹ Đình, Từ Liêm), đã bị bị dòng nước xiết cuốn xuống mương gần sân vận động Mỹ Đình (huyện Từ Liêm). Đến 18h tối cùng ngày, do trời vẫn tiếp tục mưa to, việc tìm kiếm tung tích nạn nhân vẫn chưa có kết quả.

Cũng theo thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Mê Linh, trận mưa lớn ngày 31/10 đã làm nhiều công trình đê điều, kênh tưới tiêu trên địa bàn huyện bị sạt trượt nghiêm trọng. Ngoài ra một số nhà dân trong huyện cũng bị sạt lở tường, công trình phụ... Trận mưa lớn cũng đã gây ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ diện tích 3.500 ha lúa và hoa màu của huyện. Thiệt hại ước tính nhiều tỷ đồng.

Hà Nội khẩn trương đối phó với mưa lớn kéo dài trên diện rộng

Do ảnh hưởng của dải hội tụ gió Đông Nam, khu vực Hà Nội xảy ra mưa rất to, lượng nước đo được từ 16giờ ngày 30/10 đến 8 giờ ngày 31/10 ở một số trạm như sau: Hà Đông 422,1 mm, Thanh Oai 365 mm, Vân Đình 351,5mm, Liên Mạc 200,4mm, Láng 162,3mm. Dự báo ở khu vực Hà Nội vẫn tiếp tục có mưa to đến rất to và còn kéo dài.

Trước tình hình đó, ngày 31/10, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND các quận, huyện, các ngành chức năng tập trung mọi nguồn lực khẩn trương bơm nước chống úng cứu lúa và cây màu vụ Đông. Những địa phương có sông, suối, đồi núi tổ chức sơ tán dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở do lũ quét, lũ rừng ngang, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản; kiểm tra các công trình thủy lợi, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố; đặc biệt khu vực đang bị sạt lở ở bờ hữu sông Hồng thuộc xã Liên Trung, huyện Đan Phượng. UBND các quận, huyện, thành phố Sơn Tây, Công ty Đầu tư và phát triển thủy lợi Hà Nội, các Công ty Thủy lợi thường xuyên kiểm tra, vận hành cắt lũ, xử lý kịp thời các sự cố đảm bảo an toàn hồ chứa.

Do mực nước hồ Miễu (Chương Mỹ) đang tiếp tục dâng cao, UBND Thành phố lưu ý UBND huyện Chương Mỹ, Công ty thủy lợi Sông Đáy tập trung mọi nguồn lực thường trực, tổ chức lực lượng ứng cứu kịp thời đảm bảo an toàn đường tràn xả lũ đang bị xói lở nghiêm trọng.

UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo Công ty Thoát nước Hà Nội tổ chức thường xuyên ứng trực khơi thông hệ thống sông, mương tiêu, các hố ga, đảm bảo thoát nước nhanh khu vực nội thành. Cty Điện lực Hà Nội kiểm tra, kịp thời xử lý các sự cố, ưu tiên cung cấp điện ổn định cho các trạm bơm hoạt động hết công suất phục vụ bơm tiêu thoát nước. Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố chỉ đạo các đơn vị chủ động hướng dẫn, kịp thời phân luồng giao thông để tránh ùn tắc khi có úng ngập xảy ra. Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Công viên cây xanh xử lý kịp thời cây đổ trên các tuyến đường không để gây ách tắc giao thông. Sở NN-PTNT chuẩn bị ngay giống cây trồng vật nuôi cung ứng cho nông dân kịp thời phục hồi sản xuất sau khi nước rút.

Thực phẩm, rau quả tăng giá “đột biến” sau hai ngày mưa liên tục

Sáng 1/11, giá cả các loại thực phẩm và rau củ tại nhiều chợ bán lẻ lớn của Hà Nội đã tăng “đột biến” sau hai ngày mưa liên tục.

Tại chợ các chợ: Kim Liên, Thành Công, Hôm, Láng Hạ…, giá rau củ đã tăng gấp từ 1,5-2 lần so với các ngày bình thường. Tăng mạnh nhất là các loại rau xanh, trong đó rau muống từ 4 nghìn đồng/mớ lên 8 nghìn đồng/mớ, su hào từ 3 nghìn đồng/củ lên 5 nghìn đồng/củ, đỗ quả từ 12 nghìn đồng/kg lên 18 nghìn đồng/kg.

Cùng với việc tăng giá các loại rau củ quả, giá thực phẩm cũng tăng mạnh. Thịt bò thăn từ 120 nghìn đồng/kg lên 140-150 nghìn đồng/kg; thịt thăn lợn từ 80 nghìn đồng/kg lên 90-100 nghìn đồng/kg, gà ta nguyên con tăng từ 95 nghìn đồng/kg lên 120 nghìn đồng/kg.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, trận mưa lớn kỷ lục từ sáng đến chiều tối 31/10 đã khiến nhiều công trình đê điều và diện tích lúa mùa, cây vụ đông đang ra hoa bị ảnh hưởng nặng nề. Ước tổng thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Ông Nghiêm Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi thành phố Hà Nội cho biết, mái đê Hữu Đáy và 7-8 vị trí trên đê Tả Đáy bị sạt, trượt. Mỗi vị trí bị sạt trượt từ 7-20m. Mái kè Liên Trì, Đan Phượng bị sạt dài hơn 40m, sâu 4m. Đập hồ Quan Sơn và các kênh ở huyện Sóc Sơn cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ trận mưa này. Tại huyện Từ Liêm, 2 ngôi trường mầm non đã bị mưa ngập làm sập đổ, đê cầu Ngà bị tràn nước, đe dọa nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân trong vùng. Nhưng nghiêm trọng nhất là diện tích cây lúa mùa và cây vụ đông đang ra hoa bị ảnh hưởng nặng. Theo đó, 61.300 ha lúa mùa và cây vụ đông ra hoa bị ngập úng, trong đó diện tích lúa mùa lên tới hơn 1.000 ha.

Ông Nghiêm Xuân Đông cũng cho biết, hiện nay công tác khắc phục thiệt hại, chống úng cho cây vụ đông đang khẩn trương tiến hành.144 trạm bơm và 721 máy bơm các loại đang tích cực hoạt động hết công suất.

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại ở miền Trung

** Nghệ An: Theo tin từ Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt Nghệ An, đến chiều tối nay 31/10, do ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn tỉnh đã có 12 người chết và mất tích; trong đó Nghi Lộc và Nam Đàn mỗi huyện có 2 người chết. Những người chết và mất tích là do nước lũ cuốn trôi khi đi đánh cá, đi học và thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.

Mưa lũ đang gây ngập lụt ở hầu hết các xã ven sông Lam thuộc huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn. Tại những xã này, người dân phải dùng thuyền mới đi lại được. Quốc lộ 7 và 48 là tuyến đường duy nhất nối từ thành phố Vinh lên các huyện miền núi trong tỉnh đến chiều 31/10 vẫn ách tắc do sạt lở và nước ngập sâu trên 0,5 m tại nhiều vị trí, hàng trăm xe ô tô và xe máy không thể qua lại. Trong khi đó, nhiều hồ đập trên địa bàn tỉnh do mấy ngày nay phải tích nước, không thể thoát ra hệ thống kênh mương nên đang trong tình trạng đầy nước; trong đó đập Khe Nậy tại xã Đức Sơn (huyện Anh Sơn) đã có hiện tượng sụt lún, rò rỉ thân đập, có thể xảy ra vỡ đập bất cứ lúc nào.

Hiện nay, tại các địa phương trong tỉnh, mưa vẫn đang nặng hạt. Trong khi mưa lũ chưa chấm dứt, bất chấp cảnh báo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Nghệ An và chính quyền địa phương, nhiều người dân vẫn đi đánh bắt cá và vớt gỗ trên sông, biển, rất nguy hiểm đến tính mạng.

** Tại Hà Nam: nhiều nơi to kéo dài. Riêng tại huyện Kim Bảng, lượng mưa đo được từ 7h sáng ngày 30/10 đến 7h sáng ngày 31/10 lên tới 270 mm. Theo số liệu tổng hợp ban đầu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, mưa đã làm trên 15.000 ha cây vụ đông mới trồng của tỉnh bị ngập úng, trong đó có 7.500 ha bị ngập sâu. Đáng chú ý là các huyện: Lý Nhân bị ngập 4.964 ha cây vụ đông (trong đó ngập sâu 2.500 ha), Duy Tiên: 3.500 ha (ngập sâu 2.000 ha), Kim Bảng: 3.075 ha (ngập sâu 1.000 ha), Thanh Liêm 1.800 ha (ngập sâu 500 ha),...

Sáng ngày 31/10, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác chống úng ở các địa phương, yêu cầu ngành điện lực ưu tiên điện cho các Công ty thuỷ nông phục vụ chống úng. Các Công ty thuỷ nông trên địa bàn tỉnh Hà Nam cũng đã huy động toàn bộ lực lượng cho việc chống úng, nhất là các khu vực bị ngập nặng, tuy nhiên việc chống úng gặp rất nhiều khó khăn do mưa vẫn chưa tạnh, thậm chí ở nhiều địa phượng lượng mưa đo được vẫn trên 200 ly.

Mưa lớn kéo dài đã làm nhiều tuyến phố trên địa bàn thành phố Phủ Lý chìm sâu trong nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động giao thông của người dân địa phương.

** Phú Thọ: Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh Phú Thọ cho biết, mưa to đã gây thiệt hại nặng về hoa màu, nhất là cây vụ đông của nông dân các huyện: Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập và Thanh Ba. Lượng mưa đo được tại thời điểm 13 giờ ngày 31/10 ở Việt Trì là 164 mm, Thanh Thuỷ 167mm, Thanh Sơn 249mm.

Theo thống kê ban đầu, đến 17 giờ ngày 31/10, các địa phương trong tỉnh bị ngập 1.074 ha ngô, 93 ha lúa, 72 ha hoa màu, tràn vỡ 80 ha ao nuôi thuỷ sản; hư hỏng 7 ngôi nhà; sạt lở 825m ta luy âm trên quốc lộ 32B, tỉnh lộ 316, 317C; sạt lở gần 4.000 m3 ta luy dương tại quốc lộ 32A (Km112 + 870) và một số điểm trên tỉnh lộ 316, 313. Ngoài ra, một số cầu giao thông nông thôn, kênh mương thuỷ lợi... cũng bị hư hại.

Hiện nay, các địa phương đang tích cực khắc phục hậu quả ổn định đời sống và sản xuất cho người dân.

** Hoà Bình: Theo tin từ Ban chỉ huy PCLB tỉnh Hoà Bình, vào lúc 8h30 sáng 31/10, cháu Đỗ Thị Phương, sinh năm 1995, xóm Kim Lý- xã Tu Lý (Đà Bắc) đi học qua suối Cái đã bị lũ cuốn trôi. UBND tỉnh chủ trương hỗ trợ 2 triệu đồng tiền mặt giúp đỡ gia đình nạn nhân lo mai táng.

Tính đến nay trên toàn tỉnh lượng mưa đo được dao động từ 60-200 mm, đặc biệt thị trấn Chi Nê 221,4 mm, Hưng Thi 325,1 mm, Lương Sơn 231,5 mm. Mưa to kéo dài khiến lũ trên các sông, suối lên nhanh, mực nước ở sông Bôi trên báo động 3. Tại Lương Sơn mưa lũ đã làm ngập 80% diện tích vụ đông, 30 ao cá bị tràn, làm ngập một số tuyến như Trường Sơn, Cao Răm, Hợp Hoà, Tiến Sơn, làm sạt lở đất ở khu tái định cư Lâm Sơn khiến 10 nhà dân phải di dời. Nước hồ tràn vào Nhà máy nước Phú Minh, khiến hoạt động bị ngưng lại.

Hiện nay, UBND tỉnh chỉ đạo ban, ngành chức năng kiểm tra thiệt hại tại các địa phương, triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả của mưa lũ gây ra.

Kon Tum: Đường Hồ Chí Minh bị sạt lở và nhiều công trình bị hư hỏng

Tin từ công ty Cổ phần Quản lý và xây dựng đường bộ Kon Tum cho biết: Nhiều ngày qua, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, mưa lớn kéo dài trên diện rộng toàn tỉnh Kon Tum; đoạn tuyến Km 1416 + 490 – Km 1455 + 800 đường Hồ Chí Minh - tỉnh Kon Tum, mưa lũ gây sạt lở và hư hỏng nhiều công trình. Theo đó, mưa lũ đã gây sạt lở ta luy dương, lấp rãnh dọc và lề đường ở 3 khu vực tại lý trình Km 1416 + 490, Km 1417 + 900, Km 1418 + 600.
Các cầu Đăk Wất, Đăk Mát và nhiều đoạn đường bị sạt lở chân khay, sụt lở nền đường gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này. Bên cạnh đó, nhiều cống tròn bị tắc hoàn toàn, nước không lưu thông được, gây ngập úng cục bộ.

Trước đó, cũng trên đoạn đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Kon Tum, lượng mưa lớn trong đợt áp thấp nhiệt đới cũng đã gây hư hỏng cục bộ một số công trình cầu và sạt lở đất. Cụ thể: Mưa lớn đã làm sạt lở mái ta luy, móng trụ, nó mố một số cầu như: cầu Đăk Chè, cầu Cạn 4, cầu Đăk Man, cầu Cạn 3, cầu Đăk Ven, cầu Đăk Pôi…

Để khắc phục thiệt hại do mưa lũ và đảm bảo an toàn cho công trình giao thông kịp thời, công ty Cổ phần Quản lý và xây dựng đường bộ Kon Tum đã huy động cán bộ, công nhân viên toàn đơn vị trực tiếp đến các điểm bị hư hại để hốt đất, kè rọ đá chống xói, chống lở và thông các cống đã bị tắc…

Hàng loạt chuyến bay bị hoãn vì thời tiết Hà Nội xấu

Chiều 31/10, quyền Chánh Văn phòng Cảng vụ hàng không miền Bắc Nguyễn Nam Sơn cho biết: Mưa lớn, mây mù nên từ 9 giờ 55 đến 11 giờ 50 sáng đã khiến 10 chuyến bay không thể hạ cánh xuống sân bay Nội Bài; cả nghìn khách phải xuống các sân bay dự bị để chờ thời tiết ổn mới quay lại được sân bay Nội Bài. 

ĐBSCL: Lũ đang rút nhanh

Mực nước lũ đầu nguồn trên sông Tiền, sông Hậu đang xuống nhanh. Hiện tại, mực nước đo được trên sông hậu tại Châu Đốc là 2,85m; trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,20m, bình quân xuống 3-5 cm/ngày. Dự báo những ngày tới nước lũ tiếp tục xuống.

Tại các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Tân Hồng… tỉnh Đồng Tháp, nông dân bắt xuống giống lúa đông xuân sớm. Tại Đồng Tháp, đến nay đã có 6 người chết, 10 người bị thương do lũ lụt, dông lốc và hơn chục điểm sạt lở xảy ra. Ước tổng thiệt hại từ đầu mùa lũ đến nay gần 20 tỷ đồng, chủ yếu do sạt lở./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên