Kiến nghị Quốc hội trao cơ chế đặc thù trong công tác quản lý Nhà nước

Đại diện các cơ quan đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hộ Hà Nội có ý kiến để Quốc hội trao cho Hà Nội cơ chế đặc thù trong công tác quản lý Nhà nước sau khi thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.

Ngày 14/10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hà Nội đã làm việc với Thường trực HĐND, UBND, MTTQ, VKSND và TAND TP Hà Nội để nghe ý kiến, kiến nghị trước Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII. Đại diện các cơ quan đề nghị Đoàn ĐBQH Hà Nội có ý kiến để Quốc hội trao cho Hà Nội cơ chế đặc thù trong công tác quản lý Nhà nước sau khi thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.

Ông Hoàng Mạnh Hiển, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, sau khi sáp nhập Hà Nội và Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình), nguồn lực kinh tế cơ bản đã thay đổi. Vì vậy, mong muốn được Quốc hội xem xét, điều tiết 50% nguồn thu ngân sách thay vì dự kiến điều tiết 45%, để giúp Thành phố có điều kiện đầu tư, đặc biệt là tập trung cho các dự án lớn, quan trọng như Dự án đường Láng-Hòa Lạc, các Dự án kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và các dự án làm đường giao thông nông thôn...

Liên quan đến việc thực hiện tinh gọn bộ máy hành chính, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh đề nghị, Hà Nội cần có thêm thời gian, vì hiện nay các sở, ngành đang sắp xếp trụ sở làm việc các đơn vị sự nghiệp cấp 2 của sở, ngành khi thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô và triển khai các yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và các giao dịch hành chính, dân sự.

Chủ tịch HĐND thành phố kiêm Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đề cập tới chủ trương luân chuyển các Phó Giám đốc Sở về làm Phó Bí thư, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện, đề nghị cần được Quốc hội trao cơ chế đặc thù trong công tác quản lý Nhà nước cho Hà Nội để quản lý tốt hơn trước khi có Luật Thủ đô./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên