"Đầu voi đuôi chuột"!

Xử phạt hành chính là mẫu số chung được đưa ra trong việc giải quyết vi phạm ở 3 đơn vị: BTC cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong, BTC hội diễn lễ kỷ niệm 20 năm thành lập FPT và doanh nghiệp Vedan. Đã có nhiều nghi hoặc về mức độ răn đe trong những quyết định xử lý này.

Bắt đầu từ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam (HHVN) báo Tiền phong 2008. Tân Hoa hậu Nguyễn Thuỳ Dung chưa kịp hưởng trọn niềm vui đăng quang thì sự thật về việc người đẹp này chưa tốt nghiệp PTTH đã được làm rùm beng trên các mặt báo. Từ đó, liên tục các mũi tên công kích  đổ đồn về cô gái 18 tuổi  đi  kèm với “tội danh” được gắn kết: làm giả học bạ để dự thi hoa hậu. Không ai ngờ rằng, một tờ báo tên tuổi đang chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 20 năm HHVN lại mắc phải sai lầm trong khâu tổ chức. Dư luận bắt đầu đổi chiều  khi Ban tổ chức HHVN báo Tiền phong chính thức thừa nhận sai sót đồng thời khẳng định Thuỳ Dung không có lỗi. Giải thích về sai phạm này, người đại diện Ban tổ chức HHVN báo Tiền phong coi đó là sự nhanh nhạy, đi trước một bước áp dụng qui chế dự thi mới trong khi còn đang ở dạng dự thảo. Nhưng chính sự nhanh nhạy của những người đứng đầu cuộc thi này đã gây ra hệ quả khôn lường. Trước tiên là công chúng - những người đã dành  ưu ái cho cuộc thi này trong suốt 20 năm qua. Nhiều người đã hẫng hụt, thất vọng vì cảm giác bị dối lừa, đặt trọn niềm tin vào cuộc thi được coi là qui mô, hoành tráng và bài bản nhất. Thương hiệu của cuộc thi được gây dựng trong bao nhiêu năm qua đã mất đi chỗ đứng trong lòng khán giả. Còn với hoa hậu Thuỳ Dung chiếc vương miện đã kéo cô dính vào những hệ lụy của tai tiếng, ì xèo và tổn thương khó có thể bù đắp.

Rõ ràng, mức độ sai phạm của Ban tổ chức HHVN báo Tiền phong là nghiêm trọng. Tuy nhiên quyết định xử lý lại rất nhẹ nhàng: nộp phạt 10 triệu đồng. Một hình phạt không mang ý nghĩa răn đe mà còn có nguy cơ “dọn đường” cho những sai phạm tương tự được đà tái diễn.

Khác với câu chuyện của Ban tổ chức HHVN báo Tiền phong, sự cố ở Trung tâm Đào tạo mỹ thuật đa phương tiện (FPT Arena) hài hước hơn. Trong đêm văn nghệ kỷ niệm 20 năm thành lập FPT, 2 nam sinh của FPT Arena đã biểu diễn một màn múa loã lồ và phản cảm đến mức kinh dị. Màn múa quái gở này đã khiến không ít người phẫn nộ và kinh ngạc. Không thể hiểu tại sao một tập đoàn danh tiếng như FPT lại dung nạp lối văn hoá dị hợm và man rợ đến như vậy?

4 triệu đồng là cái giá mà FPT phải trả cho đêm văn nghệ ngẫu hứng và dung tục. Đây là mức phạt cao nhất theo Nghị định 56/2006 NĐ- CP (xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá thông tin). Vẫn biết mức xử phạt như trên chẳng hề hấn gì với một tập đoàn tỷ phú như FPT. Nhưng mà làm gì được khi  qui định pháp luật  đề ra chỉ có thế (!)

Không giống như hai vụ việc của BTC HHVN 2008, FPT Arena, sai phạm của Công ty Vedan được coi là nghiêm trọng nhất. Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi doanh nghiệp này đã âm thầm bức tử sông Thị Vải bằng việc xả nước thải trong 14 năm qua và thu lợi nhuận hàng  nghìn tỷ đồng từ việc trốn thuế môi trường. Có thể nói hành vi của Vedan Việt Nam chính là trực tiếp hủy hoại môi trường sống của con người. Nó chỉ khác với bom đạn là gây nên sự chết chóc mòn mỏi, từ từ, không nhìn thấy máu.

Dư luận đã rất hy vọng khi thấy cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc và làm rõ chân tướng của doanh nghiệp này. Nhưng đáp lại  bao nhiêu mong đợi, kết cục, hình thức xử lý đối với Vedan Việt Nam vẫn là xử phạt hành chính với số tiền 267.500.000 đồng. Một con số không nghĩa lý gì so với hậu quả vô cùng tồi tệ mà Vedan đã gây nên. Càng khác hẳn như nhiều nhà quản lý đã tuyên bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông: sẽ xử lý thật nghiêm khắc vi phạm này. Và một lần nữa, cơ quan chức năng lại "như gà mắc tóc"  khi đưa ra hình phạt. Bởi vì chiểu theo đúng pháp luật qui định thì sai phạm của Vedan cũng chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính.

Có thể xem đây là ba vụ việc điển hình đều  giống nhau về hình thức xử lý. Chẳng thể hiểu đó thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật hay đang tiếp tục dung túng cho các việc làm sai phạm? Kết cục sai phạm và hình phạt gần như bị xóa nhòa tất cả. Những sự thật vốn dĩ rất minh bạch bỗng trở thành không minh bạch. Điều này càng khiến dư luận bất an và người ta không thể không lo ngại khi sẽ còn phải chứng kiến nhiều sự cố tương tự như HHVN 2008 hay những “Vedan” tiếp theo mà việc xử lý về luật pháp chỉ là câu chuyện: "Đầu voi, đuôi chuột".

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên