Chuyện một tỷ phú gốc Việt ở Lào

Hiện trong tay anh có một cơ ngơi cho thu nhập mỗi tháng 1 triệu USD

Chân dung tỷ phú

Người tỷ phú ấy là chủ một nhà máy sản xuất thép hình lớn nhất nhì đất Vientiane của Lào. Nhà máy chỉ có hơn trăm công nhân, nhưng lại sản xuất ra cả một khối lượng sản phẩm lớn vì được tự động hóa hoàn toàn. Mỗi công đoạn chỉ có vài người đứng máy.

Tỷ phú Khăm Hùng Xay Cha Lơn

Anh tên là Khăm Hùng Xay Cha Lơn (Phạm Văn Hùng), quê gốc tỉnh Thái Bình. Những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, anh cùng gia đình sơ tán về Nam Định rồi “dạt” lên tận Chi Nê, tỉnh Hòa Bình. Lớn lên với sắn đồi, khoai sùng. Ở cái vùng mà sau này anh đi lính, bạn lính thường đùa là “Trâu đeo mõ, chó đeo gông”, nhưng với anh lại rất đỗi thân thương, anh tự nhận mình là “Người Việt gốc tre!” - Gốc xứ Mường để khiêm tốn học hỏi.

Nhà có bốn anh chị em, nên gia cảnh thời chiến cực kỳ vất vả, người con út như anh lại là nơi bao việc đổ về “Giàu con út, khó cũng con út mà” - Mẹ thường bảo thế.

Xuất ngũ, theo đoàn người đi tìm kế sinh nhai, anh sang Lào làm lái xe cho một công ty xây dựng liên doanh Lào - Việt, rồi dần dà mon men làm bất động sản. Trong một bài thơ anh viết có câu: “Làm ít ăn ít có dư; làm nhiều ăn lắm cũng như không làm”. Miệt mài phục vụ những người thợ xây dựng Tạ Lạt xạu (Chợ Sáng ở Vientiane) được 3 năm thì anh bứt phá ra làm riêng. Những năm quân ngũ rèn cho anh chí bền, tình thương yêu và lòng kiên nhẫn, không cam chịu đói nghèo. Nay khi đã là công dân nước Lào, anh vẫn tự hào mình là “Anh bộ đội Cụ Hồ”.

Một góc Nhà máy thép của tỷ phú Khăm Hùng

Năm 2001, anh gom góp vốn liếng xây dựng một xí nghiệp sản xuất thép tại địa bàn bản Thông Pông, Quận Xỷ Khôt Ta Bòng (Thủ đô Vientiane). Vốn chưa nhiều lại tự lực cánh sinh nên khó trăm bề. Nhưng lúc đó, anh được nhiều giới chức của Lào kịp thời động viên, bà con Kiều bào thủ đô Vientiane, kiều bào Câu lạc bộ đồng hương Xiêng Khoảng giúp đỡ cổ vũ, nên anh đã vượt lên tất cả.

Những tưởng đã được thảnh thơi với thành quả phấn đấu của mình, nhưng đến năm 2005, chấp hành chủ trương lớn của Đảng và nhà nước Lào tập trung các nhà máy quy tụ về Khu công nghiệp Nam Thủ đô Vientiane, một lần nữa, anh lại gồng mình vay mượn, tích góp chuyển nhà máy về Khu công nghiệp mới.

Thời điểm năm 2008, do nhu cầu xây dựng trên toàn quốc của Lào rất lớn, đặc biệt là các công trình nhà cao tầng, các công trình hạ tầng, nhu cầu tiêu thụ sắt thép ngày càng lớn. Xác định lợi thế và thời cơ, Khăm Hùng đã dồn tâm sức một lần nữa và quyết định chuyển nhượng lại Nhà máy cán sắt cây cho Công ty Vinashin Việt Nam để xây dựng Nhà máy thép hình bề thế. Với thiết bị tự động hóa bằng nguồn vốn lưu động là 3 triệu USD; vốn đầu tư đất, xây dựng nhà xưởng, máy móc là 2 triệu USD, anh có một cơ ngơi tổng trị giá đầu tư 5 triệu USD.

Có nhà máy mới, công suất 60 - 70 tấn sản phẩm/ngày, anh đề ra phương châm kinh doanh là “Uy tín, chất lượng sản phẩm là trên hết”. Biểu tượng sản phẩm cây thép xuyên lục địa muốn nói rằng “Sản phẩm không biên giới, vươn tới muôn nơi”. Từ phương châm đó, anh xây dựng hệ thống 4 trạm đại lý lớn khép kín trên địa bàn thành phố Vientiane, nhằm đáp ứng đủ và nhanh nhất nhu cầu khách hàng khắp 17 tỉnh thành của Lào.

Toàn cảnh Nhà máy thép của Công ty Khăm Hùng Xay Cha Lơn

Đất lành Vientiane

Đã qua 10 năm thành lập Công ty thép, Khăm Hùng Xay Cha Lơn nhận thấy, Vientiane là mảnh đất lành để anh dừng chân. Mang tên Lào, quốc tịch Lào, mỗi năm Công ty của Khăm Hùng làm nghĩa vụ với Nhà nước Lào hàng chục tỷ đồng, được Đảng và Nhà nước Lào tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen về nghĩa vụ thuế, về công tác từ thiện và nhiều đóng góp xã hội khác.

Vốn xuất thân từ gian khó nên Khăm Hùng Xay Cha Lơn luôn thấu hiểu những người có hoàn cảnh khó khăn. Khi đã ăn nên, làm ra trên đất Lào, anh càng hay giúp đỡ người nghèo. Mang trọng trách Chi hội trưởng Chi hội người Lào gốc Việt Bản Phải, Ủy viên Ban Chấp hành Hội người Việt Thủ đô Vientiane, anh đã vận động bà con quyên góp thành lập Quỹ hàng trăm triệu kíp, lấy tiền ấy gửi tiết kiệm và trích lãi chi cho các sinh hoạt của Hội. Theo đó, những nhà gặp hoàn cảnh khó khăn thì cho vay không lấy lãi để họ có vốn sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo.

Không những kinh doanh giỏi, Khăm Hùng còn là một cây viết sâu lắng của “Câu lạc bộ những người yêu thơ Việt nơi xứ Lào”. Trong đó, chân dung cuộc đời được anh mô tả trong những vần thơ đầy xúc động: “Thuở nhỏ mẹ chẳng chê lười/ Anh em có bốn, tôi thời thứ tư/ Nghèo trong sạch chẳng ai hư/ Tự kiếm sống đến bây chừ mải mê/ Dù cho còn khó trăm bề/ Giàu sang đã chạm, nhớ về chốn xưa…”.

Những ý thơ đau đáu hướng về quê cha, đất tổ. Anh nói, khi đã chạm giàu sang mình luôn nghĩ phải làm cái gì đó cho đất nước, cho Tổ Quốc, cho quê mẹ.

Tôi biết, trong anh còn rất nhiều dự định. Những người Lào gốc Việt như các anh chính là cầu nối cho mối tình Việt - Lào luôn mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Khăm Hùng (người cầm micro) đang say sưa tường thuật bóng đá

Doanh nhân có tâm hồn nghệ sĩ

Ở cái tuổi “Giàu sang đã chạm” (Ngũ tuần), trông anh trẻ hơn rất nhiều bởi lúc nào cũng dí dỏm với những câu văn vần. Anh có cái biệt tài là xuất khẩu thành vần, những lúc bình luận bóng đá, nhiều người cứ liên tưởng đến Hoài Sơn hay Đình Khải trên Đài Tiếng nói Việt Nam một thời. Câu lạc bộ Đồng hương Xiêng Khoảng - nơi anh sinh hoạt thường yêu cầu anh độc tấu nói. Nghe Khăm Hùng tấu, tôi chợt tiếc cho một loại hình nghệ thuật dân dã không hiểu sao bị mai một dần. Nhớ lại những năm chiến tranh, đêm văn nghệ với một sân khấu dã chiến thường được kèm theo mấy tiết mục tấu nói để giữ chân khán giả. Giờ chắc chẳng còn mấy ai nhớ loại hình văn nghệ đó, nhưng Khăm Hùng vẫn giữ được. Mỗi khi sinh hoạt văn nghệ với Câu lạc bộ đồng hương Xiêng Khoảng, anh lại biểu diễn, tạo tiếng cười sảng khoái cho bao người. Anh cũng đem cái sinh khí ấy “thổi” vào Nhà máy của mình, để nó là một tổ ấm, để ai cũng gắn bó với Nhà máy bằng tấm lòng và trách nhiệm. Âu đó cũng là sức mạnh bền vững của một doanh nghiệp mà người Việt dù sống ở đất nước nào cũng cần những con người như thế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên