Giá trị Việt giữa trời Tây

Hệ thống nhà hàng, tiệm ăn từ cao cấp đến bình dân với những biển hiệu thuần Việt đầy tự tin đang hiện diện vững vàng khắp các thành phố lớn của Đức

Mỗi khi sang châu Âu, ta hay bắt gặp hình ảnh một cửa hàng hay quán ăn nhỏ lẻ của người Việt nằm khiêm nhường đâu đó bên một góc phố, một con đường. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, người Việt bắt đầu sở hữu và điều hành những chuỗi cửa hàng, cửa hiệu hiện đại đúng tiêu chuẩn EU, chúng hiện diện tự tin bên cạnh những thương hiệu quốc tế tên tuổi.

Thương hiệu Việt xứ người

Chuyến tàu cao tốc từ Dortmund đưa tôi tới Nhà ga trung tâm thành phố Bremen (Bremen Hbf) vùng Tây Bắc nước Đức vào một chiều muộn đầu đông. Thật bất ngờ, trong cái nhà ga cổ kính và lộng lẫy này lại xuất hiện một nhà hàng thuần Việt mang tên Mai - Mai, với biểu tượng cánh đồng lúa trổ đòng xanh mơn mởn nơi quê nhà. Tây đứng xếp hàng, tây ngồi ăn món ta đương ngun ngút khói chật kín không còn một chỗ trống. Hương vị Việt lan toả giữa trời Âu giá lạnh khiến kẻ xa xứ ấm lòng…

Mỗi thành phố ở nước Đức đều có một nhà ga trung tâm (Hauptbahnhof), nối liền với hệ thống đường sắt quốc gia (DB) và tàu điện ngầm hiện đại bậc nhất thế giới. Du khách có thể đi khắp châu Âu bằng tàu cao tốc ICE (trên 300 km/h) chỉ đỗ tại các Nhà ga trung tâm. Chính vì vậy Nhà ga trung tâm không chỉ là nơi sầm uất nhộn nhịp nhất mà còn được coi là bộ mặt của mỗi thành phố. Nơi tấc đất, tấc vàng này thường chỉ dành cho những thương hiệu tên tuổi trong ngành dịch vụ ăn uống hay mua sắm, ấy vậy mà một thương hiệu thuần Việt lại có thể chen vai thích cánh cùng những người khổng lồ như Mc Donal, KFC… thì quả là lạ.

Lang thang khắp nước Đức cả tháng trời, tôi mới ngộ ra rằng, đâu có gì là lạ, một khi người Việt mình đang chiếm lĩnh thị trường nhà hàng ăn uống châu Á trên toàn nước Đức, giờ đã ngang hàng và có phần nhỉnh hơn so với các ông chủ Trung Hoa. Sau thời kỳ phát triển tự phát, ồ ạt với những quán ăn nhỏ mọc lên như nấm, nhất là tại khu vực Đông Đức, giờ đây đã xuất hiện những chuỗi nhà hàng, quán ăn rất bài bản của người Việt trải dài từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây trên lãnh thổ Đức. Vùng phía Bắc nước Đức có Mai - Mai, Zenthai; phía Nam có Hai Ky; phía Đông có Asia Nack (Berlin), Asia Thu Lợi (Dresden); phía Tây có Thai Co… Trong đó đã có những thương hiệu phát triển sang các nước Đông Âu khác.

Thế hệ con cái họ đang được ăn học rất tốt nơi xứ người, sẽ tiếp tục đưa những chuỗi giá trị Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu lên một tầm cao mới. Hoàn toàn có cơ sở để tin vào điều ấy

Đầu giờ làm việc buổi sáng tại một siêu thị ở Hamburg, tôi bắt gặp một xe tải chuyên dụng chở thực phẩm sơn hai chữ Kinh Đô bằng tiếng Việt đỗ xịch trước sân. Một nhân viên người Đức nhanh nhẹn đẩy một xe đầy thực phẩm châu Á vào nhà hàng Mai - Mai phía trong. Đây là cảnh giao nhận thực phẩm thường ngày giữa hai công ty lớn của người Việt ở vùng này. Xưa rồi cái thời làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, lấy công làm lãi của người Việt. Giờ đây đã xuất hiện một cung cách làm ăn rất chuyên nghiệp, bài bản, nghĩ lớn làm lớn của người Việt tại Đức. Hệ thống các công ty phân phối châu Á, cùng của người Việt không chỉ đảm trách việc cung cấp thực phẩm châu Á cho toàn bộ các chuỗi nhà hàng Việt, mà còn vươn ra cung cấp cả cho các nhà hàng của người Trung Quốc, người Thái, người Ấn cùng các siêu thị thực phẩm châu Á trong khu vực.

Món ăn của người Việt giá cả phải chăng, dễ ăn, nhiều rau, có vị thanh. Nhiều người Đức chọn món ăn Việt với lý do muốn có thân hình thon thả. Món ăn Việt trở nên đầy tính cạnh tranh trước những khoai tây chiên, đùi gà rán và Coca-Cola vốn đã quá nhàm và dễ phát phì với người châu Âu. Lợi thế so sánh trên đã được giới kinh doanh hàng ăn người Việt tại Đức phát hiện và triệt để khai thác.

Tuy nhiên, để biến những lý thuyết trên thành hiện thực lại là cả một câu chuyện dài mà cộng đồng kinh doanh hàng ăn người Việt tại Đức phải mày mò, học hỏi. Còn nhớ, mới cách đây dăm bảy năm, lần đầu sang Berlin tôi từng thấy không ít những tiệm ăn của người Việt mình treo biển “Chinese Restaurant”, “Chinese food”. Hỏi ra mới biết, có treo như thế mới bán được vì tiệm ăn Trung Hoa vốn đã quá nổi tiếng. Nay tình thế đã đảo ngược, hệ thống nhà hàng, tiệm ăn từ cao cấp đến bình dân với những biển hiệu thuần Việt đầy tự tin đang hiện diện vững vàng khắp các thành phố lớn của nước Đức.

Tạo sự khác biệt

Đặt chân tới nước Đức (CHDC Đức cũ) theo diện hợp tác lao động năm 1988 khi mới tròn 20 tuổi, một chữ bẻ đôi tiếng Đức không biết, chàng thanh niên người Sơn Tây (Hà Nội) Đỗ Đại Dương lao động được 1 năm thì nước Đức thống nhất. Suốt hơn 20 năm bươn chải xứ người với đủ loại nghề, không hề được học hành đến nơi đến chốn, song chính môi trường xã hội văn minh của nước Đức đã dạy anh nhiều điều, “tôi được như ngày nay chính là nhờ học được lối suy nghĩ nghiêm túc, bài bản, nói đi đôi với làm của người Đức” - Đỗ Đại Dương, 42 tuổi, chủ hệ thống nhà hàng Mai-Mai tâm sự. Dương và các cộng sự đã rút ra bí quyết thành công, đó là: Cần phải tạo ra sự khác biệt!

Giao thông đường sắt nước Đức rất phát triển, các nhà ga trung tâm lúc nào cũng nườm nượp khách với đủ các loại tàu, từ cao tốc Quốc tế (ICE), cao tốc liên thành phố, liên vùng (IC, RB, RE) đến tàu S-bahn đỗ tất cả các ga, tàu điện ngầm U-bahn. Ở những nhà ga trung tâm thường cứ trung bình một vài phút lại có một chuyến tàu (không kể tàu điện ngầm) đến hoặc đi với hàng chục tuyến. Do vậy mật độ hành khách rất đông.

Dương tiết lộ một số bí quyết nhà nghề thú vị đã đem lại thành công cho chuỗi đồ ăn nhanh Mai - Mai. Đó là tất cả thực đơn 32 món từ hải sản như tôm, mực tới gà, vịt… đều được đầu bếp chế biến tại chỗ trong một không gian bếp mở với thời gian cực nhanh. Từ khi khách gọi món tới lúc nhận đồ ăn chỉ mất đúng 1 phút. Một bí quyết gia truyền nữa là nước sốt, được chế biến cầu kỳ với hàng chục loại gia vị, thực phẩm, tạo hương vị hấp dẫn riêng.

Cơ sở của niềm tin

Trụ sở Công ty Mai - Mai của Giám đốc Đỗ Đại Dương nằm trong một toà nhà văn phòng cho thuê ngay gần trung tâm TP Hamburg. Đây là nơi hàng ngày anh điều hành hoạt động của chuỗi cửa hàng ăn nhanh trên khắp nước Đức. Tất cả chúng đều nằm tại những vị trí đắc địa là nhà ga trung tâm hoặc siêu thị. Nhân viên của Mai - Mai đều là người Việt trừ một vị trí đặc biệt là người Đức: Kiến trúc sư thiết kế nội thất nhà hàng. Đỗ Đại Dương bảo, “Vị trí này không thể là người Việt vì mình bán hàng phục vụ người Đức nên phải để chính người Đức thiết kế từ màu sắc, bàn ghế, chiếu sáng… đều phải rất Tây, trừ cánh đồng lúa quê tôi thì ông kiến trúc sư phải nhượng bộ”.

Thêm tin tưởng và hy vọng hơn vào giới doanh nhân kiều bào nơi đây, họ đang biết sử dụng sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng, dám nghĩ lớn, làm lớn. Biết đâu, giấc mơ về một thương hiệu Việt toàn cầu sẽ do chính những doanh nhân Việt ở nước ngoài lĩnh ấn tiên phong./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên