Ai Cập đối phó với tình trạng biểu tình bạo lực
VOV.VN - Hội đồng An ninh quốc gia Ai Cập đã họp khẩn cấp thảo luận tình hình an ninh đất nước.
Các nguồn tin chính thức Ai Cập cho biết, tối ngày 27/7, Hội đồng An ninh quốc gia Ai Cập đã tiến hành phiên họp khẩn cấp dưới sự chủ trì của Tổng thống lâm thời Adli Mansour, để thảo luận tình hình an ninh đất nước cùng các biện pháp đối phó.
Biểu tình vẫn căng thẳng tại Ai Cập đêm 27/7 (Ảnh: Reuters) |
Cuộc họp có sự tham gia của Thủ tướng Beblawi, Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Quốc phòng El Sisi cùng Bộ trưởng Nội vụ và Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia. Kết quả cuối cùng của cuộc họp chưa được công bố song một số nguồn tin cho biết, cuộc họp tập trung thảo luận cuộc đụng độ đẫm máu xảy ra sáng sớm 27/7 tại thành phố Nasr City khiến 65 người chết và 269 người bị thương (theo nguồn tin chính thức của Bộ Y tế Ai Cập).
Trước đó, chiều 27/7, cơ quan Công tố Ai Cập đã ra lệnh thành lập Ủy ban điều tra đặc biệt để tìm hiểu sự thật về vụ đụng độ tại Nasr City giữa lực lượng cảnh sát và những người biểu tình ủng hộ Tổng thống truất quyền Mohamed Mursi. Trong cuộc đụng độ này, Tổ chức Anh em Hồi giáo Ai Cập cáo buộc cảnh sát Ai Cập đã dùng đạn thật bắn vào người biểu tình, đồng thời khẳng định con số thương vong thực tế là 66 người chết và hơn 4500 người bị thương.
Về phần mình, Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập Mohamed Ibrahim khẳng định, cảnh sát không sử dụng đạn thật để tấn công người biểu tình, đồng thời cáo buộc Anh em Hồi giáo đã đưa ra con số thương vong lớn hơn thực tế để phục vụ các mục đích chính trị.
Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập tuyên bố, nhiều người biểu tình đã mang theo vũ khí và điều này là không thể chấp nhận được. Các lực lượng cảnh sát và quân đội sẽ phối hợp hành động để giản tán các cuộc biểu tình của Tổ chức Anh em Hồi giáo theo khuôn khổ pháp luật và cố gắng hạn chế tối đa thương vong.
Trong khi đó, nhiều lực lượng chính trị, tôn giáo và tổ chức xã hội tại Ai Cập đã lên án mạnh mẽ vụ đụng độ đẫm máu này, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế hành động, tránh đổ máu và đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Cùng ngày, một nhóm các nhà tư tưởng và luật gia Ai Cập đã công bố một sáng kiến tháo gỡ khủng hoảng với nội dung chính là thành lập một Chính phủ đoàn kết dân tộc do Tổng thống bị truất quyền Morsi lãnh đạo để điều hành đất nước và tổ chức bầu cử Quốc hội.
Tổ chức Anh em Hồi giáo tuyên bố đang nghiên cứu một cách nghiêm túc sáng kiến này, trong khi Chính phủ, quân đội và các lực lượng chính trị khác tại Ai Cập chưa đưa ra bất kỳ bình luận chính thức nào. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều nhà phân tích, sáng kiến này khó có thể được Chính phủ, quân đội và các lực lượng ủng hộ Chính quyền mới chấp nhận vì sáng kiến vẫn coi sự kiện 30/6 là một cuộc đảo chính quân sự.
Đến đêm 27/7, các cuộc biểu tình ủng hộ và phản đối Chính quyền mới vẫn tiếp tục diễn ra ở cả thủ đô Cairo và nhiều thành phố khác của Ai Cập. Quân đội và cảnh sát Ai Cập đã triển khai lực lượng tăng cường tới các khu vực nhạy cảm để duy trì trật tự, ngăn chặn đụng độ.
Sau sự kiện đụng độ tại Nasr City cho đến đêm 27/7, tình hình trên toàn lãnh thổ Ai Cập đã yên tĩnh trở lại. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Sự bế tắc của tiến trình chính trị song hành với làn sóng biểu tình có thể châm ngòi cho các hành động bạo lực và đụng độ đẫm máu, đặc biệt là trong trường hợp các lực lượng an ninh quyết tâm giải tán các cuộc biểu tình của Anh em Hồi giáo.
Trong bối cảnh này, đối thoại và chấp nhận nhượng bộ giữa các bên vẫn là giải pháp tốt nhất và duy nhất cho cuộc đối đầu quyền lực đầy rủi ro và nguy hiểm hiện nay tại Ai Cập.
Nhà phân tích chính trị Hasan Napha (Hasan Nafah), giảng viên Khoa học Chính trị thuộc trường Đại học Cairo, khẳng định: "Điều nguy hại nhất hiện nay là sự thiếu lòng tin giữa các bên trong cuộc khủng hoảng. Sẽ không có bất kỳ giải pháp hay lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng hiện nay ngoài giải pháp các bên ngồi lại đối thoại với nhau. Các bên trước hết cần bắt đầu bằng việc ngồi lại với nhau để đối thoại, bắt đầu tiến trình thỏa hiệp và thuyết phục đối tác".
Tuy nhiên, cũng theo nhà phân tích Hasan Napha, trở ngại lớn nhất hiện nay chính là làm sao để Tổ chức Anh em Hồi giáo chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán. Đến thời điểm này, Anh em Hồi giáo vẫn một mực theo đuổi quan điểm khởi đầu và cũng là điều kiện tiên quyết của mình là khôi phục chức vụ Tổng thống Cộng hòa cho ông Morsi, điều mà rất nhiều nhà phân tích và quan sát khu vực đánh giá là "không tưởng" và "phi thực tế"./.