Ai Cập tăng cường an ninh trước phiên tòa xét xử ông Morsi

VOV.VN -Theo giới phân tích, phiên tòa xét xử ông Morsi có thể kích động làn sóng biểu tình, làm gia tăng bất ổn ở Ai Cập.

Tình hình Ai Cập lại căng thẳng trước phiên tòa xét xử Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi dự kiến diễn ra trong ngày 8/1. Nhà chức trách Ai Cập đã tăng cường an ninh ở khắp các địa phương, đặc biệt là quanh các khu vực xét xử gần thủ đô Cairo.

Một nguồn tin an ninh cấp cao tại Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết, cơ quan này đã điều động 20.000 cảnh sát và 30 xe bọc thép để đảm bảo an ninh cho phiên xét xử Tổng thống bị lật đổ Morsi, dự kiến diễn ra tại trụ sở Học viện Cảnh sát ở khu vực ngoại thành phía Đông thủ đô Cairo. 

Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi (Ảnh: AFP)

Dự kiến, trực thăng quân sự sẽ đưa ông Morsi từ nhà tù Borg al-Arab ở thành phố Alexandria tới địa điểm xét xử. Ông Morsi cùng 14 tòng phạm, trong đó có hai thủ lĩnh cấp cao của Tổ chức Anh em Hồi giáo là Mohamed El-Beltagi và Essam El-Erian, bị cáo buộc kích động bạo lực và sát hại người biểu tình đối lập trước cửa Dinh Tổng thống hồi tháng 12/2012.

Nếu bị tòa phán quyết phạm tội, ông Morsi có thể phải đối mặt với án tù chung thân hoặc tử hình.

Theo giới phân tích, phiên tòa xét xử ông Morsi có thể kích động làn sóng biểu tình, làm gia tăng bất ổn trong thời điểm Ai Cập chuẩn bị tổ chức trưng cầu ý dân về hiến pháp mới vào ngày 14 và 15/1 tới.

Bà Maha Azzam, một chuyên gia phân tích chính trị của Anh nói:“Tình hình tại Ai Cập đang ngày càng diễn biến nghiêm trọng trên nhiều cấp độ, không chỉ chính trị mà còn cả xã hội. Bạo lực tại Ai Cập có nguy cơ lan rộng trong phiên tòa xét xử ông Morsi.”

Trước đó, phiên xét xử thứ nhất đối với ông Morsi ngay khi diễn ra được vài phút đã bị hoãn lại do các bị cáo hô khẩu hiệu phản đối phiên tòa và quân đội. Ngày 6/1 vừa qua, Liên minh Quốc gia ủng hộ tính hợp pháp - lực lượng do Tổ chức Anh em Hồi giáo dẫn đầu quy tụ 34 chính đảng và phong trào Hồi giáo đang đấu tranh đòi phục chức cho ông Morsi - đã kêu gọi những người ủng hộ biểu tình phản đối phiên tòa này.

Tình hình bất ổn nhiều khả năng sẽ gia tăng trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh Tổ chức Anh em Hồi giáo vừa bị chính phủ cấm hoạt động, coi là “tổ chức khủng bố” và chính thức bị gạt khỏi tiến trình chính trị ở Ai Cập. Nếu không có chính sách tốt để hòa giải dân tộc, Ai Cập có nguy cơ rơi vào nội chiến.

Cựu Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi bị quân đội ra lệnh phế truất hôm 3/7/2013 sau làn sóng biểu tình chống chính phủ rầm rộ thu hút hàng triệu người tham gia trên khắp cả nước.

Ngoài phiên tòa trên, ông Morsi còn phải đối diện với hai phiên tòa khác với các tội danh tổ chức vượt ngục, bắt cóc và giết hại các sĩ quan cảnh sát vào đầu năm 2011, cũng như làm gián điệp và tiếp tay cho hoạt động khủng bố./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên