Anh sẽ chọn phương án Brexit “cứng hay mềm”?
VOV.VN - Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định những gì chính phủ Anh đang làm là hướng tới một thỏa thuận thương mại tốt nhất với EU.
Ngày 9/1, Thủ tướng Anh Theresa May tiếp tục bác bỏ kịch bản “Brexit cứng”, một ngày sau khi bà lên tiếng phủ nhận việc nước Anh sẽ đối mặt với “lựa chọn kép” giữa hạn chế người nhập cư và được ưu đãi tiếp cận thị trường chung của Liên minh châu Âu (EU).
Theo dự kiến, chính phủ Anh sẽ chính thức “kích hoạt” điều 50 của Hiệp ước Lisbon vào cuối tháng 3 tới. (Ảnh: AP)
Theo Thủ tướng Anh, đã có những hiểu sai về phát biểu của bà trong cuộc phỏng vấn trước đó một ngày và cho rằng bà đang nói về “Brexit cứng”. Bà khẳng định những gì chính phủ Anh đang làm là hướng tới một thỏa thuận thương mại tốt nhất có thể để Anh giao thương và hoạt động trong thị trường chung châu Âu.
“Tôi không chấp nhận khái niệm ‘cứng’ hay ‘mềm’. Những gì chúng tôi đang làm là đạt được một thỏa thuận tham vọng và tốt nhất có thể cho nước Anh . Chúng ta sẽ không còn là một thành viên của Liên minh châu Âu, do đó chúng ta cần đàm phán một mối quan hệ mới không chỉ trong lĩnh vực thương mại mà còn rất nhiều vấn đề khác với Liên minh châu Âu”, bà May nói.
Tuyên bố của bà May đưa ra sau khi đồng bảng Anh rơi xuống mức thấp nhất trong 10 tuần qua, khi phát biểu trước đó 1 ngày của bà được hiểu là dấu hiệu cho thấy, Anh ưu tiên kiểm soát biên giới đối với việc tiếp cận vào thị trường Liên minh châu Âu (EU).
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên của năm mới 2017 với Sky News, Thủ tướng May đã bác bỏ việc nước Anh sẽ đối mặt với “lựa chọn kép” giữa hạn chế người nhập cư và được ưu đãi tiếp cận thị trường chung của Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng các phát biểu bà May đưa ra là dấu hiệu cho thấy nước Anh sẽ hướng đến kịch bản “Brexit cứng”, khiến đồng bảng Anh mất giá hơn 1%.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng ngày cũng nói rằng, Anh sẽ phải chịu những rào cản khi thâm nhập khối thị trường chung của Liên minh châu Âu, nếu nước này không chấp nhận nguyên tắc “4 tự do cơ bản” trong quá trình đàm phán Brexit.
Nguyên tắc “4 tự do cơ bản” ở đây là sự tự do di chuyển trong khối đối với hàng hóa, vốn, dịch vụ và con người. Thủ tướng Đức khẳng định, Anh không thể chỉ lựa chọn những gì tốt nhất cho mình trong quá trình đàm phán Brexit. Nếu những nguyên tắc cơ bản không được tôn trọng, EU sẽ đặt ra những giới hạn với Anh.
Thủ tướng Đức Merkel nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng tôi trong đàm phán Brexit rất rõ ràng đó là chúng tôi muốn giữ các mối quan hệ tốt đẹp với Anh. Trong mối quan hệ song phương, chúng tôi là những đối tác tốt và cùng hợp tác trong NATO. Cùng với đó, cũng tôi cũng muốn khẳng định điều kiện tôn trọng nguyên tắc ‘4 tự do cơ bản’”.
Đây không phải là lần đầu tiên bà Merkel thể hiện quan điểm cứng rắn của Đức, cũng như của chính EU, đối với Anh trong vấn đề Brexit. Tuyên bố mới này của Thủ tướng Đức sẽ tạo thêm sức ép đối với người đồng cấp Anh Theresa May trong bối cảnh có những ý kiến cho rằng, Chính phủ của bà May đang “bối rối” trong chiến lược Brexit.
Giới doanh nghiệp, các nhà lập pháp và lãnh đạo đối lập tại Anh đang kêu gọi Thủ tướng công bố cụ thể hơn chiến lược Brexit. Thậm chí, Thủ hiến Scotland đã thể sự tức giận vì không nắm được chi tiết kế hoạch đàm phán Brexit của Anh và gọi đây là điều “không thể chấp nhận” khi mà cuộc trưng cầu ý dân Brexit đã trôi qua được 6 tháng.
Thủ tướng Anh Theresa May cho biết, bà sẽ công bố thêm những chi tiết trong chiến lược Brexit trong những tuần tới. Theo dự kiến, chính phủ của bà May sẽ chính thức “kích hoạt” điều 50 của Hiệp ước Lisbon vào cuối tháng 3 tới để bắt đầu tiến trình đàm phán rời EU. Các cuộc đàm phán này dự kiến kéo dài khoảng 2 năm.
Đại sứ mới của Anh tại EU Tim Barrow cũng sẽ bắt đầu đảm nhiệm cương vị mới từ tuần này. Là một nhà ngoại giao kỳ cựu, ông Barrow được kỳ vọng sẽ làm thỏa mãn phe ủng hộ Brexit, từ đó giúp hàn gắn những chia rẽ hiện nay trên chính trường Anh./.