Báo chí Anh khủng hoảng vì vụ nghe lén điện thoại

Vụ nghe lén điện thoại của News Corporation đang làm chao đảo chính trường Anh, khiến truyền thông nước này lâm vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Rupert Murdoch người Mỹ - được mệnh danh là ông trùm truyền thông, nắm giữ nhiều tờ báo lớn tại Anh, trong đó có tờ News of the World có bề dày lịch sử 168 năm vừa bị đóng cửa do nghe lén điện thoại. Sự việc nghiêm trọng đến mức, ngày 19/7/2011, Hạ viện Anh đã tiến hành buổi chất vấn ông Rupert Murdoch hai giờ liên tục và được phát trực tiếp trên các kênh truyền hình của nước này.

Mặc dù, ông đã bày tỏ sự xin lỗi sâu sắc tới các nạn nhân của vụ bê bối nghe lén điện thoại, nhưng dư luận vẫn khó lòng tha thứ. Bởi không chỉ có tờ News of the World nghe lén điện thoại, mà cả nhiều phương tiện truyền thông khác trong tập đoàn News Corp cũng hành động như vậy. Và cũng chỉ sau khi tờ News of the World bị đóng cửa, người ta mới thấy rõ rằng, nghe lén điện thoại của những người nổi tiếng trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, đặc biệt là giới nghệ sĩ, thể thao… là phương châm hoạt động của tập đoàn truyền thông News Corp.

Một biên tập viên cao cấp của tờ News of the World thừa nhận rằng, họ được phép thu thập thông tin bằng những phương thức bất hợp pháp, thậm chí bằng cả những tiểu xảo và phương pháp sử dụng công nghệ mới. Hiện, cảnh sát Anh đã xác minh có đến 4.000 nhân vật là mục tiêu bị báo này nghe lén.

Bản xin lỗi kèm chữ ký của Rupert Murdoch được báo chí Anh đăng toàn trang (ảnh: AP)

Không những thế, News Corp còn bị cáo buộc hàng loạt tội danh như tội tấn công vào những tin nhắn thoại của những người nổi tiếng, tội mua chuộc nhân chứng, tội đút lót cảnh sát, tội xâm phạm đời tư của các nhà hoạt động chính trị… để có tin giật gân, những “tin sốc”, thu hút độc giả.

Dư luận Anh rất phẫn nộ và cho rằng đây là những hành vi vô đạo đức, đi ngược lại với những chuẩn mực của nền báo chí hiện đại. Việc tờ News of the World bị đóng cửa và hàng loạt phương tiện truyền thông khác của Anh thuộc Tập đoàn News Corp như kênh truyền hình vệ tinh BskyB đang đứng trước nguy cơ phải ngừng hoạt động, cho thấy, công chúng nước này không chấp nhận phương thức hoạt động của các loại hình báo chí đó.

Không những thế, vấn đề càng tồi tệ hơn với xứ sở Sương mù, khi vụ bê bối nghe lén điện thoại của Tập đoàn truyền thông News Corp đã làm mất lòng tin của đông đảo người dân đối với nền báo chí của nước này, khiến truyền thông nước này lâm vào cuộc khủng hoảng sâu sắc, do số lượng phát hành giảm, làm nhiều tờ báo phải đóng cửa. Hơn nữa, vụ bê bối này, còn được coi là “cơn bão chính trị”, khiến chính trường Anh đứng trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng chính trị, do nhiều nhân vật cấp cao trong Chính phủ, cảnh sát, báo chí, như Giám đốc Sở Cảnh sát London Paul Stephenson phải từ chức do có mối liên hệ với các hoạt động nghe lén của News Corp.

Hiện News Corp còn nắm quyền sở hữu nhiều tờ báo lớn tại Mỹ, như The Wall Street Journal, New York Post và 27 giấy phép truyền hình. Tập đoàn truyền thông này đang đối mặt với những cuộc điều tra của Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về ảnh hưởng và hoạt động. Nếu phát hiện bất cứ một hành vi sai trái, vi phạm đời tư nào, không loại trừ News Corp cũng phải chấm dứt các hoạt động tại Mỹ.

Điều đó có nghĩa, tương lai của tập đoàn truyền thông này sẽ ở vào thế nguy hiểm, thậm chí có thể bị cáo chung. Để giữ uy tín và tránh lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, Chính phủ Anh đang tính đến việc mua lại tập đoàn truyền thông này, để thay thế cả đế chế Rupert Murdoch, nhằm lấy lại uy tín cho nền báo chí, truyền thông Anh và đưa nó đi vào hoạt động đúng pháp luật./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên