Bộ trưởng Quốc phòng NATO họp bàn giải quyết khủng hoảng Ukraine

VOV.VN - Cuộc họp lần này cũng nhằm trù bị cho Hội nghị cấp cao NATO vào tháng 9 tới, bàn về chính sách quân sự nội khối.

Bộ trưởng Quốc phòng các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 3/6 nhóm họp tại Brussels, Bỉ để thảo luận những bước đi lâu dài hơn giúp tăng cường hệ thống quốc phòng phía Đông, cũng như cải thiện khả năng thích ứng đối với những diễn biến bất ngờ của cuộc khủng hoảng Ukraine.

Đây là cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng NATO đầu tiên kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và là cuộc họp cuối cùng trước hội nghị cấp cao NATO vào tháng 9 tới.

Thủ tướng Đức Angla Merkel và Tổng thư kí NATO Anders Fogh Rasmussen (Ảnh DPA)

Tại cuộc họp hôm nay, Bộ trưởng Quốc phòng 28 nước thành viên NATO thảo luận các biện pháp đảm bảo an ninh cho các đồng minh tại Đông Âu, bao gồm tăng cường chính sách không gian, giám sát hàng hải tại biển Baltic và đông Địa Trung hải, tăng cường quân tại các nước Đông Âu.

Các Bộ trưởng cũng thảo luận nội dung trù bị cho hội nghị cấp cao vào tháng 9 tới, giải quyết vấn đề chi tiêu quốc phòng trong bối cảnh môi trường an ninh thay đổi. Ngoài ra, các bên cũng thông qua chính sách an ninh mạng, ủng hộ Gruzia và sự hiện diện của NATO tại Afghanistan.

Trong 3 tháng nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine, mặc dù tuyên bố rõ ý định không can thiệp quân sự vào Ukraine, nhưng NATO cũng đã triển khai máy bay chiến đấu, tàu, tăng cường các cuộc diễn tập quân sự để đảm bảo cam kết với các đồng minh ở Đông Âu.

Đại sứ Mỹ tại NATO cho rằng, bất ổn tại Ukraine là một trong những thách thức đối với sự ổn định tại đông Âu kể từ sau kết thúc chiến tranh lạnh. NATO có thể răn đe hành động của Nga bằng việc tăng khả năng phản ứng nhanh đối với cuộc khủng hoảng.

Tổng thư kí NATO Anders Fogh Rasmussen cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tăng cường hiện diện quân sự tại Đông Âu: “Chắc chắn NATO sẽ tăng cường hiện diện trên lãnh thổ của tất cả các nước thành viên. Chúng tôi tuân theo tình hình thay đổi an ninh hàng loạt tại châu Âu và tăng cường hệ thống phòng thủ tập thể. Hiện NATO đang xem xét các bước đi nhằm tăng cường hệ thống phòng thủ, bao gồm triển khai quân. Tuy nhiên mục đích chung sẽ là tăng cường khả năng sẵn sàng và phản ứng nhanh của NATO trước các cuộc khủng hoảng”.

Tuy nhiên, các nước NATO hiện vẫn chia rẽ về kế hoạch tăng cường khả năng phòng thủ tại phía Đông. Ba Lan  kêu gọi NATO đặt các căn cứ thường trực trên lãnh thổ nước này nhằm phản ứng trước các diễn biến tại Ukraine.

Một số đồng minh NATO lại cho rằng, các căn cứ thường trực với một lượng quân lớn ở phía đông là quá tốn kém, không cần thiết. Kế hoạch này cũng là một hành động khiêu khích không cần thiết đối với Nga. Nga thường lên án hành động này vi phạm thỏa thuận 1997 giữa Nga và NATO.

Phát biểu tại cuộc gặp với các Đại sứ NATO ngày 2/6, Đại sứ Nga tại NATO Alexander Grushko cáo buộc các đồng minh phương Tây khuyến khích việc sử dụng vũ lực của Chính phủ Ukraine tại phía Đông và hủy hoại những nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng.

Ông Grushko nhấn mạnh, những hành động này đang làm gia tăng căng thẳng và có thể hủy hoại thỏa thuận an ninh sẵn có. Nga cảnh báo sẽ chấm dứt một thỏa thuận hợp tác lâu năm với khối và sẽ có các biện pháp mang tính quân sự nếu NATO triển khai một lực lượng đáng kể ở Đông và Trung Âu.

Mối quan hệ Nga-NATO xấu đi sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crưm vào tháng 4 vừa qua. NATO ngay sau đó tuyên bố dừng tất cả hợp tác quân sự với Nga, nhưng vẫn để mở các cuộc tiếp xúc ở cấp đại sứ hoặc cao hơn, cho phép hai bên thảo luận các biện pháp thoát khỏi khủng hoảng.  

Mặc dù khẳng định không có ý định can thiệp quân sự do Ukraine không phải là một nước thành viên NATO, nhưng sự bất đồng quan điểm về tình hình Ukraine đang tác động tiêu cực trong mối quan hệ hợp tác giữa Nga và NATO, đặt mối quan hệ chiến lược này trước những thách thức mới, gây bất lợi cho cả hai bên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên