Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang
VOV.VN - Chính phủ Mỹ sẽ áp đặt các mức thuế lên tới 79,7% đối với thùng bia và 1,73% đối với đệm của Trung Quốc.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục tăng nhiệt sau khi Bộ Thương mại Mỹ ngày 29/5 tuyên bố sẽ áp đặt các mức thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với mặt hàng đệm và thùng đựng bia bằng thép không gỉ do Trung Quốc sản xuất mà Mỹ cho rằng đang được bán với giá thấp hơn trên thị trường Mỹ. Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng chỉ trích kịch liệt động thái mới nhất này của Mỹ. Theo đánh giá của giới chuyên gia, thách thức lớn nhất trong mối quan hệ Mỹ - Trung hiện nay chính là cân bằng được nhận thức chung giữa hai nước.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tiếp tục tăng nhiệt khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên tới 79,7% đối với thùng bia do Trung Quốc sản xuất. Ảnh minh họa: EIC |
Quyết định của Mỹ áp mức thuế bổ sung, tăng từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD vào ngày 10/5 vừa qua - đúng thời điểm Mỹ và Trung Quốc còn đang tiến hành đàm phán - còn chưa kịp dịu đi, Bộ Thương mại Mỹ đã lập tức “dội thêm một gáo nước lạnh” vào mối quan hệ thương mại đầy căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn trên thế giới, với quyết định áp thuế mới.
Theo thông báo, Chính phủ Mỹ sẽ áp đặt các mức thuế lên tới 79,7% đối với thùng bia và 1,73% đối với đệm của Trung Quốc. Đây là biện pháp áp đặt thuế quan mới mà Mỹ áp đặt với hàng hóa Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa biết bao giờ mới kết thúc.
Trung Quốc đã ngay lập tức kịch liệt chỉ trích quyết định của Mỹ. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 30/5, trước chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần tới, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Hán Huy đã gọi việc Mỹ kích động căng thẳng thương mại là hành vi “khủng bố kinh tế trắng trợn” và cho biết Trung Quốc sẽ làm tất cả để tự bảo vệ nền kinh tế, chủ quyền, an ninh của mình. Theo ông Trương Hán Huy, để đối phó với các biện pháp thuế quan của Mỹ, Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác nhiều mặt với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nga.
“Hai nhà lãnh đạo Nga – Trung Quốc sẽ ký kết và phát đi tuyên bố chung trong suốt chuyến thăm. Một trong 2 tuyên bố chung sẽ đề cập mối quan hệ Trung Quốc và Nga qua các giải đoạn phát triển trong nhiều lĩnh vực. Tuyên bố còn lại sẽ đề cập về tình hình và các vấn đề mới, liên quan an ninh quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực ổn định chiến lược toàn cầu phản ánh vị thế và các nghị quyết chung của Trung Quốc và Nga trong việc ủng hộ các cơ chế đa phương. Sự phối hợp giữa hai nước nhằm giải quyết các thách thức về an ninh, hợp tác chiến lược đối với các vấn đề nóng của khu vực và thế giới”, ông Trương Hán Huy nói.
Chưa rõ để đáp trả quyết định áp thuế của Mỹ đối với mặt hàng đệm và thùng đựng bia bằng thép không gỉ do Trung Quốc sản xuất, giới chức Trung Quốc sẽ làm gì tiếp theo song theo truyền thông Trung Quốc, nhiều khả năng, nước này có thể dừng xuất khẩu đất hiếm tới Mỹ - mặt hàng chính vốn là thế mạnh của Trung Quốc và Mỹ là quốc gia phụ thuộc đến 80% việc nhập khẩu mặt hàng được dùng để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, từ nền kinh tế lớn này của châu Á. Trước mắt, để đáp trả quyết định của Mỹ về việc tăng thuế từ 10% lên 25% đối với số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, với tổng trị giá 200 tỷ USD, Trung Quốc sẽ tăng thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD kể từ ngày 1/6 tới.
Các biện pháp “ăn miếng trả miếng” giữa hai nền kinh tế lớn trên thế giới đã khiến dư luận không khỏi quan ngại. Theo đánh giá của giới chuyên gia, để giải quyết căng thẳng, thách thức lớn nhất trong mối quan hệ Mỹ - Trung hiện nay chính là hai nước cần cân bằng được nhận thức chung.
Ông Lưu Tân – chuyên gia phân tích thuộc Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc nhận xét: “Thách thức lớn nhất trong mối quan hệ Mỹ - Trung chính là sự thiếu lòng tin, sự mất cân bằng trong nhận thức chung giữa hai nước. Tôi tin rằng phía Trung Quốc và cả người dân Trung Quốc đều hiểu về nước Mỹ còn hơn người Mỹ và đất nước Mỹ hiểu về Trung Quốc. Đây chính là cản trở lớn nhất trong mối quan hệ giữa hai nước”.
Tiến trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gặp trở ngại sau khi Mỹ mới đây cáo buộc Trung Quốc “quay lưng” lại với những cam kết giữa hai bên, liên quan việc phía Trung Quốc muốn điều chỉnh một số điểm trong dự thảo thỏa thuận thương mại đã được dày công xây dựng sau 10 vòng đàm phán. Với những biện pháp ăn miếng trả miếng tiếp theo giữa hai nước, không rõ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung rồi sẽ đi đến đâu và liệu nó có tác động gì tới vòng đàm phán tiếp theo giữa hai nước, dự kiến vào tháng tới hay không./.