Chính phủ đoàn kết dân tộc Palestine đối mặt với thách thức đầu tiên

VOV.VN - Các thách thức đó bao gồm mâu thuẫn nội bộ, vấn đề Hamas và sự trả đũa của Israel.

Nội các chính phủ đoàn kết dân tộc Palestinee tuyên thệ nhậm chức đầu tuần này, chấm dứt gần 7 năm chia rẽ giữa hai phái Fatah và Hamas. Sự kiện này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế. 


Chính quyền đoàn kết Palestiine (ảnh: Reuters)


Tuy nhiên, chính phủ đoàn kết dân tộc này đang phải đối mặt với những thách thức đầu tiên trong việc ổn định bộ máy chính phủ, cũng như đối phó với quyết tâm mở rộng các khu định cư của Israel.

Bất chấp thỏa thuận hòa giải đạt được, chính phủ mới của Palestine đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có thể phải kể đến việc phối hợp bộ máy với mỗi văn phòng chính phủ đều có đại diện đến từ Fatah và Hamas. Cảnh sát tại dải Gaza hôm qua (5/6) đã phải đóng cửa các ngân hàng, sau khi đụng độ xảy do nhóm công chức có liên hệ với Hamas phản đối việc họ không được nhận lương, trong khi những nhân viên có liên hệ với phong trào Fatah lại được trả lương.

Một thách thức khác chính phủ đoàn kết dân tộc đang phải đối mặt đó là kiểm soát lực lượng vũ trang Hamas tại Gaza. Hamas có hàng nghìn tay súng vũ trang được đào tạo để đối phó với Israel. Các nhóm này trên thực tế vẫn kiểm soát dải Gaza. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho biết, Nội các mới phản đối bạo lực, tuân theo các điều kiện mà phương Tây đặt ra. Vì vậy sẽ rất phức tạp khi các cuộc đụng độ giữa các nhóm vũ trang Hamas tại dải Gaza và Israel tiếp tục nổ ra. Mỹ và Liên minh châu Âu công bố ủng hộ chính phủ đoàn kết mới tại Palestine nhưng vẫn cảnh báo chính phủ mới cần cam kết với các nguyên tắc phi bạo lực, công nhận nhà nước Israel và tôn trọng các thỏa thuận đã ký.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói: “Dựa trên những gì mà chúng tôi biết về thành phần của một chính phủ kĩ trị, không có bộ trưởng liên hệ với Hamas và cam kết theo các nguyên tắc đã đưa ra, Mỹ sẽ hợp tác với chính phủ mới khi cần thiết và điều này là hoàn toàn thích hợp. Mỹ sẽ xem xét các hành động của chính phủ mới chặt chẽ, đảm bảo rằng Palestine tuân theo các điều kiện và không vượt qua ngưỡng giới hạn”.

Mỹ và Liên minh châu Âu cung cấp hàng triệu USD viện trợ cho chính quyền Dân tộc Palestine. Chính quyền Dân tộc Palestine cũng đối mặt với với thâm hụt ngân sách trong những năm gần đây. Trong bối cảnh chính phủ mới vừa được thành lập, Tổng thống Abbas cũng cần viện trợ nhiều hơn do chi phí cao hơn khi phải điều hành bộ máy từ cả Fatah và Hamas. Nếu không có sự trợ giúp của Mỹ và Liên minh châu Âu, thâm hụt ngân sách sẽ rất lớn.

Sau khi thành lập, chính quyền Palestine cũng đang phải đối mặt với  hành động trả đũa của Israel. Israel tuyên bố mời thầu khoảng 1.500 căn nhà mới tại các khu định cư, đồng thời thông báo kế hoạch xây dựng 1.800 ngôi nhà khác tại 10 cộng đồng riêng rẽ trong khu vực Bờ Tây và Đông Jerusalem, sau khi thông qua một loạt biện pháp trừng phạt, như từ chối đàm phán với Chính quyền Palestine và giữ lại một số khoản tiền thuế thu hộ Chính quyền dân tộc Palestine.  

Phản ứng trước hành động này, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho biết sẽ có hành động đáp trả chưa từng thấy đối với hành động của Israel.

Theo phía Palestine, không thể có hòa bình một khi Israel vẫn đang tiếp tục tiến hành xây dựng các khu định cư Do Thái trên phần lãnh thổ chiếm đóng của người Palestine.

Một thành viên của Tổ chức Giải phóng Palestine Hanan Ashrawi cho biết, hành động này của Israel cho thấy dấu chấm hết cho tiến trình hòa bình do Ngoại trưởng Mỹ khởi xướng.

Bà Ashrawi nói: “Israel đã đặt dấu chấm hết cho sáng kiến của ông Kerry. Họ đang cố gắng áp đặt một Israel lớn hơn trên phần đất của Palestine, sử dụng các biện pháp đơn phương được tính toàn trong khi vẫn đổ lỗi cho phía Palestine. Israel đang tiến hành một kế hoạch mở rộng khu định cư để giết chết giải pháp hai nhà nước, phá hủy khả năng thành lập một nhà nước Palestine”.

Palestine luôn phản đối kịch liệt việc Israel mở rộng khu định cư. Quyết định của Israel có thể sẽ vấp phải sự trả đũa của Palestine, trong đó có việc thúc đẩy những nỗ lực quốc tế công nhận một nhà nước Palestine độc lập, làm phức tạp trong việc tiến tới mục tiêu đạt được giải pháp hai nhà nước với Israel được cộng đồng quốc tế ủng hộ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên