Chính quyền Biden tính xem xét lại toàn bộ cách tiếp cận về Triều Tiên
VOV.VN - Ông Antony Blinken cho biết, mục đích của việc đánh giá lại chính sách với Triều Tiên sẽ là xem xét biện pháp hiệu quả nhằm gây sức ép buộc Triều Tiên đàm phán về vấn đề hạt nhân.
Ông Antony Blinken, người được ông Biden đề cử chức giữ chức Ngoại trưởng Mỹ hôm qua (19/1) cho biết, chính quyền mới đã lên kế hoạch xem xét lại toàn bộ cách tiếp cận của Mỹ với Triều Tiên nhằm tìm cách gia tăng sức ép buộc Bình Nhưỡng phải đi đến bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân.
Ông Antony Blinken cho biết thêm, Mỹ sẽ xem xét cung cấp viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên trong trường hợp cần thiết. Phát biểu trong phiên điều trần xác nhận đề cử tại Thượng viện, ông Antony Blinken nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng trong bất cứ phương án nào mà chúng tôi thực hiện, chúng tôi luôn quan tâm đến khía cạnh nhân đạo, chứ không chỉ riêng vấn đề an ninh”.
Khi Thượng nghị sỹ Dân chủ Ed Markey đặt câu hỏi, với mục đích cuối cùng là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, liệu chính quyền mới có ủng hộ một “thỏa thuận theo từng giai đoạn”, theo đó từng bước nới lỏng trừng phạt Triều Tiên đổi lại, yêu cầu Bình Nhưỡng đóng băng chương trình hạt nhân một cách có thể kiểm chứng hay không, ông Antony Blinken trả lời: “Chúng tôi dự định sẽ xem xét lại toàn bộ cách tiếp cận và chính sách đối với Triều Tiên, bởi vì đây là một vấn đề khó khăn, từ trước đến nay, luôn khiến các chính phủ tiền nhiệm đau đầu. Vấn đề này vẫn chưa được giải quyết và thực tế nó đã trở nên tồi tệ hơn”.
Ông Antony Blinken cho biết, mục đích của việc đánh giá lại chính sách với Triều tiên sẽ là "xem xét những lựa chọn mà chúng ta có và biện pháp hiệu quả nhằm gây sức ép buộc Triều Tiên đến bàn đàm phán cũng như các sáng kiến ngoại giao mang tính khả thi”. Ông Blinken nhấn mạnh, chính quyền mới sẽ tiến hành tham vấn chặt chẽ với các đồng minh, đối tác, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Kurt Campbell - quan chức cấp cao của ông Biden phụ trách chính sách châu Á cho biết, chính quyền mới sẽ phải sớm đưa ra quyết định về cách tiếp cận với Triều Tiên, tránh để xảy ra tình trạng trì hoãn giống như chính quyền của người tiền nhiệm Barack Obama khiến Triều Tiên tăng cường thực hiện các “hành vi khiêu khích” có thể gây cản trở việc đối thoại./.