COP 21 những ngày cuối: Bầu không khí lạc quan bao trùm

VOV.VN - Bầu không khí lạc quan bao trùm Hội nghị COP 21 khi đại diện của 195 nước đã thông qua bản dự thảo Hiệp định toàn cầu về chống biến đổi khí hậu.

Dù vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết và những bất đồng chưa thể thu hẹp, song đây là một bước đi quan trọng và có thể là xem là chìa khóa trước khi các bên đi tới một thỏa thuận cuối cùng vào ngày 11/12 tới.

Với việc đại diện 195 nước đạt được sự nhất trí về bản dự thảo hiệp định toàn cầu về chống biến đổi khí hậu, có thể nói Hội nghị cấp cao Liên Hơp Quốc lần thứ 21 về biến đổi khí hậu đã vượt qua được một chặng đường quan trọng. 

(Hình minh họa: AP).

Đặc biệt, trong văn kiện dài 48 trang này, các nước đã đề ra mục tiêu tham vọng “có thể hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất ở mức 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này”. Tuy  nhiên, để có thể đi tới một thỏa thuận cuối cùng mang tính ràng buộc về hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào ngày 11/12 tới, vẫn còn nhiều việc phải làm và nhiều bất đồng cần phải được thu hẹp.

Phát biểu với báo chí sau ngày đàm phán, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã bày tỏ hài lòng về kết quả ngày đàm phán, song kêu gọi các nước vượt qua những lợi ích riêng của khu vực, của quốc gia để  có thể cùng nhau hành động vì hành tinh.

Ông Hollande cảnh báo, cuộc đàm phán vẫn chưa kết thúc, mà đang bước vào giai đoạn quan trọng và mọi điều tồi tệ nhất vẫn có thể xảy ra.

Bắt đầu từ ngày mai, Bộ trưởng 195 nước tham gia hội nghị sẽ bắt đầu nghiên cứu và thảo luận bản dự thảo Hiệp định toàn cầu về chống biến đổi khí hậu mà các nhà đàm phán đạt được.  

Theo Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, việc đại diện  các nước có thể đi tới bản dự thảo này là một bước tiến song vẫn còn nhiều việc phải làm. Ông hy vọng, các cuộc đàm phán sẽ không căng thẳng đến phút chót. Văn kiện cuối cùng sẽ sớm được hoàn thành ngay từ ngày 10/12 tới để có thể thông qua vào ngày hôm sau 11/12.

“Tôi tin rằng, dự thảo đạt được là một bước tiến. Song chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề phải phân tích sâu hơn và cụ thể hơn. Tại hội nghị Paris lần này, chúng ta đứng trước nhiều sức ép và có nhiều lý do để tin vào một thỏa thuận cuối cùng. Thứ nhất là trong khi chúng ta ngồi đây, thì lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn tiếp tục tăng lên. Thứ hai, vấn đề ở đây không chỉ là về môi trường hay khí hậu mà là cuộc sống. Và đây là lý do tại sao việc đạt được thỏa thuận lại quan trọng và có ý nghĩa sống còn như thế. Chúng ta phải đạt được thỏa thuận trước cuối tuần này”, Ngoại trưởng Pháp cho biết.

Các đại diện Trung Quốc cũng chia sẻ tâm lý lạc quan khi cho rằng, mọi thành phần đã hội đủ và mọi gia vị cần thiết đều đã có sẵn cho một thỏa thuận cuối cùng. Trong khi đó, nhóm G77 gồm 134 nước đang phát triển và mới nổi, đóng vai trò chìa khóa trong các cuộc đàm phán cũng tuyên bố sẵn sàng đi xa hơn bản dự thảo đạt được.

Tuy nhiên, các phái đoàn và tổ chức phi chính phủ lại tỏ ra khá thận trọng khi một lần nữa nhắc lại khối lượng công việc mà đại diện 195 nước sẽ phải hoàn thành trong tuần cuối cùng này. 

Bởi trên thực tế, không một vấn đề gai góc nào được giải quyết thỏa đáng trong bản dự thảo. Đặc biệt trong đó là mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất ở 1,5 độ C theo yêu cầu của nhiều đảo quốc nhỏ  thay vì 2 độ C như đặt ra trước đó là vấn đề còn gây tranh cãi.

Bên cạnh đó, việc tài trợ cho các nước Nam Bán cầu để thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như việc phân chia nỗ lực chống biến đổi khí hậu giữa các nước phát triển và đang phát triển vẫn là những điểm khó khăn nhất mà các bộ trưởng sẽ phải giải quyết trong những ngày tới. Đây cũng là những nguyên nhân chính dẫn tới thất bại của của các Hội nghị cấp cao Liên Hơp Quốc về biến đổi khí hậu trước đó./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên