Tác hại của filter chỉnh ảnh
Nhiều nghiên cứu cho thấy việc lạm dụng filter trên Instagram, Snapchat... về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý người dùng, theo South China Morning Post.
Filter (bộ lọc hình ảnh) là một trong những tính năng được dùng nhiều nhất trên các công cụ chia sẻ ảnh trực tuyến như Instagram, Snapchat... Kho hiệu ứng đa dạng của filter cho phép người dùng có thể “vịt hóa thiên nga” trong nháy mắt chỉ bằng vài thao tác đơn giản.
Từ giữa năm 2019 đến nay, tính năng AR filter (tạm dịch: bộ lọc thực tế tăng cường) cũng bắt đầu nở rộ, được xem như phiên bản nâng cấp từ filter bình thường. AR filter là các hiệu ứng được thiết kế để chồng thêm một layer lên hình ảnh đời thực. Với AR filter, người dùng không chỉ tút tát nhan sắc mà còn có thể tự thiết kế những trò chơi và chia sẻ với bạn bè.
Trong mùa dịch Covid-19, AR filter đã trở thành công cụ hữu dụng của ngành quảng cáo. Hãng Dior bước vào cuộc chơi bằng cách thử nghiệm phần mềm trang điểm ảo. Đại diện của họ khẳng định “đây là tương lai của mỹ phẩm”. Còn Snapchat thì cung cấp các filter giới thiệu sản phẩm của L'Oreal, EasyJet hay Nike. Bây giờ, người dùng có thể diện thử những "trang phục ảo" đến từ các thương hiệu hàng đầu để có tấm hình hoàn hảo mà không cần phải đi ra ngoài đường, còn nhà sản xuất cũng có thể thu thập thông tin khách hàng một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, việc lạm dụng filter quá đà khiến nhiều người không thể sống thật với bản thân mình, hơn nữa còn khiến các tiêu chuẩn cái đẹp của xã hội trở nên lệch lạc, xa rời thực tế. Có một hội chứng gọi là “Snapchat dysmorphia" (tạm dịch: rối loạn hình ảnh Snapchat) được bác sĩ thẩm mỹ Tijion Esho ở Anh đặt ra. Ông nhận thấy những năm gần đây nhiều bệnh nhân không còn muốn bắt chước vẻ ngoài của người nổi tiếng, thay vào đó họ nhờ ông phẫu thuật sao cho giống ảnh selfie đã qua chỉnh sửa của mình.
Hiện tượng này đang rất phổ biến đối với giới trẻ Mỹ. Báo cáo trên tạp chí y khoa JAMA Facial Plastic Surgery cho rằng những hình ảnh sử dụng filter đã "làm mờ ranh giới giữa thực tế và tưởng tượng", có thể gây ra chứng rối loạn khiếm khuyết cơ thể (Body Dysmorphic Disorder - BDD) - một bệnh lý tâm thần khiến người mắc phải bị ám ảnh về những khiếm khuyết trên cơ thể mình, thôi thúc họ làm mọi cách để khắc phục chúng, bất kể là nhịn ăn, ép cân hay can thiệp dao kéo.
Thống kê của Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ cho biết 2% dân số thế giới mắc chứng BDD, nhưng con số này hoàn toàn có thể tăng cao trong tương lai. Cuối năm 2019, Instagram buộc phải xóa những filter có tên Bad Botox, FixMe hay Plastica vì chúng khiến người dùng có gương mặt méo mó như vừa đi phẫu thuật thẩm mỹ về.
Trước khi điện thoại thông minh phổ biến, phần mềm chỉnh sửa ảnh Photoshop của hãng Adobe đã chiếm lĩnh thị trường trong một thời gian dài, nhưng chỉ có những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp mới sử dụng vì các tính năng trong Photoshop vẫn còn hơi "lỉnh kỉnh" đối với người dùng phổ thông. Vào thập niên 2010, sự xuất hiện của các ứng dụng chuyên biệt như VSCO, BeautyPlus, Perfect Me, Meitu, WowFace, Instabeauty... giúp việc sở hữu vẻ ngoài hoàn hảo trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Ngay cả TikTok cũng cho phép người dùng sử dụng filter trên các video đăng tải, đưa việc “sống ảo” lên một tầm cao mới.
Ở Trung Quốc, nơi Instagram bị cấm thì những ứng dụng như Meitu lại rất phát triển. Theo South China Morning Post, hằng tháng có gần 500 triệu người đăng tải gương mặt đã được Meitu chỉnh sửa lên mạng. Giống như FaceApp, Meitu bị cáo buộc đánh cắp dữ liệu cá nhân của người dùng. Trang WIRED cho biết Meitu không chỉ truy cập vào camera và kho ảnh cá nhân của người dùng, mà còn nắm được vị trí GPS, thông tin nhà cung cấp dịch vụ di động, dữ liệu kết nối Wi-Fi, thông tin thẻ SIM… Dù bên phía Meitu đã phủ nhận cáo buộc này, nhưng nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu thông qua các phần mềm chỉnh sửa ảnh vẫn luôn là một vấn nạn nhức nhối./.