ECB sẵn sàng bơm tiền để tránh đổ vỡ tài chính

Trước lo ngại về sự đổ vỡ nền tài chính thế giới có thể xảy ra, Chủ tịch ECB khẳng định sẵn sàng bơm tiền để cứu nền tài chính thế giới

Ngày 9/9, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) nhóm họp tại thành phố Marseille (Pháp) để tìm lối ra cho kinh tế thế giới, nhất là kinh tế Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh G7 đang lâm vào cảnh khó khăn cả về kinh tế lẫn chính trị. Điều này đang khiến nhiều nhà kinh tế lo ngại về triển vọng của nhóm này cũng như nền kinh tế trong thời gian tới.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho rằng, cuộc họp của nhóm G7 kéo dài 2 ngày này sẽ tìm ra đối sách phối hợp để đẩy mạnh tăng trưởng, tạo thêm việc làm và trả nợ công.

Cuộc họp này diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài diễn văn quan trọng về khả năng suy thoái kép của nền kinh tế Mỹ. Mỹ dự kiến bơm thêm 400 tỷ USD kích thích nền kinh tế, trong đó kích thích xây dựng cơ sở hạ tầng và trợ giúp tài chính chính quyền các bang.

Ngoài Mỹ, các nước thành viên EU cũng đang tiếp tục chống chọi với nhiều khó khăn về kinh tế. Hàng ngàn người tại Tây Ban Nha đã xuống đường chống lại kế hoạch thắt lưng buộc bụng của Chính phủ.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet (Ảnh: AP)

Chính phủ Italy cũng đang chuẩn bị trình Quốc hội kế hoạch siết chặt chi tiêu trong bối cảnh người biểu tình tràn ngập đường phố. Trong khi đó, Hy Lạp cũng đang vất vả đáp ứng các điều kiện vay vốn của IMF và EU trong bối cảnh người dân nước này tỏ ra bất bình với hàng loạt cắt giảm an sinh xã hội và tiền lương.

Trong khi đó ngày 8/9, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet cũng công bố mức tăng trưởng dự báo của năm 2011 của khối này giảm từ 1,9% xuống còn 1,6%.

Sau tuyên bố của ECB, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo rằng, tình hình nền kinh tế thế giới đang rất giống với những gì đã diễn ra vào đầu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đồng thời cảnh báo sự thiếu hụt tiền mặt có thể sẽ cản trở đà phục hồi của kinh tế.

Tuy nhiên, để trấn an thị trường, ông Trichet đã khẳng định, ECB sẵn sàng bơm tiền vào thị trường trong trường hợp cần thiết để tránh nguy cơ đổ vỡ tài chính. 

Cùng ngày, Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD) cho hay sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu đã gần chững lại tại các quốc gia công nghiệp hóa lớn. Chuyên gia kinh tế trưởng của OECD, ông Pier Carlo Padoan thừa nhận, ngày càng có nguy cơ một số nền kinh tế sẽ co cụm chứ không tăng trưởng trong một thời gian. Theo ông Padoan, các nhóm G7 và G20 cần phải cho thế giới thấy được tín hiệu mạnh mẽ rằng họ sẽ cam kết tăng trưởng kinh tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên