Eward Snowden: "Tôi muốn trở về Mỹ"
VOV.VN - Edward Snowden tiết lộ ngày 16/9 rằng anh muốn quay trở về Mỹ nhưng chỉ khi anh nhận được phiên xét xử công bằng tại quê nhà.
Ngày 16/9, Cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden, hiện đang sống ở Nga đã khẳng định rằng anh muốn quay trở về Mỹ nhưng chỉ khi nhận được một phiên xét xử công bằng.
Edward Snowden. Ảnh: Reuters |
“Đó là mục tiêu cuối cùng. Nếu tôi phải dành phần đời còn lại của mình trong nhà tù thì yêu cầu duy nhất và cuối cùng của tôi mà tôi nghĩ là chúng ta đều nhất trí rằng ít nhất tôi sẽ nhận được một phiên xét xử công bằng", Snowden khẳng định trên chương trình "CBS This Morning" ngày 16/9.
Cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cũng cho biết chính phủ Mỹ đã "từ chối" đảm bảo một phiên xét xử công bằng.
Người dẫn chương trình Tony Dokoupil đặt câu hỏi rằng: "Họ đã phá luật và họ sẽ đối mặt với hậu quả. Điều gì khiến bạn khác biệt?"
Snowden phản pháo lại: "Tôi không khác biệt. Cần nhắc lại là, tôi không yêu cầu một cuộc diễu hành. Tôi không yêu cầu một sự tha thứ. Tôi cũng không đòi hỏi mình sẽ được cho qua. Nhưng gì tôi yêu cầu là một phiên xét xử công bằng”.
Edward Snowden đã giải thích trên kênh "CBS This Morning" rằng điều đó tức là sẽ có một thẩm phán xem xét liệu hành động của anh là đúng pháp luật hay vi phạm pháp luật.
Cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ cho biết Snowden không muốn sống ở Nga nhưng bị mắc kẹt ở đây khi Mỹ hủy hộ chiếu của anh khi đang trên đường tới Mỹ Latinh.
Khi người dẫn chương trình Gayle King nói rằng việc Snowden sống ở Nga sẽ khiến công chúng có quan điểm không tốt về anh và cựu nhân viên NSA cũng nhất trí với điều này.
"Ông nói đúng và tôi cũng cho là vậy. Dĩ nhiên đó là vấn đề và tôi đương nhiên là muốn quay trở lại Mỹ".
Năm 2013, Snowden đã rò rỉ các tài liệu mật tiết lộ chương trình do thám toàn cầu mà các cơ quan tình báo Mỹ và Anh điều hành. Tuy nhiên. Nga đã chống lại các sức ép từ phía Mỹ khi từ chối dẫn độ Snowden - người đối mặt với các tội danh có thể khiến anh phải ngồi tù 30 năm./.