Hệ lụy từ làn sóng biểu tình, đình công kéo dài ở châu Âu

VOV.VN - Làn sóng đình công, biểu tình vốn lan rộng ở châu Âu từ cuối năm 2022 tới nay, trong đó đình công ở Pháp và Anh có quy mô lớn và kéo dài nhất. Báo chí khu vực mô tả đây là những cuộc đình công lớn nhất trong vài thập kỷ.

Nguyên nhân của cuộc đình công

Trong những ngày qua và trong vài ngày tới, Pháp và Anh sẽ là hai quốc gia chứng kiến các cuộc đình công với quy mô lớn nhất tại châu Âu. Tại Anh, thứ Hai đầu tuần này (6/2) hàng trăm ngàn nhân viên y tế, nhân viên cứu thương đã cùng xuống đường biểu tình.

Từ cuối năm 2022, hai lực lượng lao động này, là các nhân viên y tế, đa số là các y tá, và các nhân viên cứu thương đã tiến hành các cuộc biểu tình riêng rẽ nhưng hôm 06/02 vừa qua là lần đầu tiên hai lực lượng lao động này cùng xuống đường, tạo thành cuộc biểu tình hợp nhất lớn nhất trong 75 năm qua trong ngành y tế Anh. Các cuộc biểu tình của các nhân viên trong lính vực y tế tại Anh đã và đang tiếp tục trong tuần này, hôm 7/02 là các y tá, hôm 9/02 là nhân viên vật lý trị liệu và dự kiến trong ngày 10/02, tiếp tục là cuộc biểu tình của những nhân viên cứu thương, biến tuần này trở thành tuần biến động nhất trong lịch sử của Hệ thống Y tế quốc gia Anh (NHS).

Tổng cộng, kể từ khi các cuộc biểu tình của các lao động trong nhiều ngành nghề của Anh diễn ra từ mùa Hè 2022 đến nay, đã có khoảng 500.000 lao động Anh tham gia các cuộc đình công, xuống đường. Đối với một quốc gia vốn không mấy nổi tiếng về biểu tình như Anh, đây là một con số lớn hiếm có. Rất nhiều cuộc biểu tình, đặc biệt là của lực lượng y tá thuộc Hiệp hội Y tá Hoàng gia Anh (RCN) là lớn nhất trong lịch sử của Hiệp hội này. Lí do lớn nhất dẫn đến các cuộc biểu tình lịch sử đang diễn ra tại Anh là về vấn đề tiền lương.

Các lao động trong các ngành y tế, giao thông, cứu hoả… yêu cầu chính phủ Anh phải tăng lương từ 7-10% để bù đắp cho gánh nặng lạm phát lên tới trên 10% tại Anh từ nhiều tháng qua. Các lao động này, đặc biệt là các nhân viên y tế Anh, cho rằng với mức lương hiện nay họ không thể sống nổi với lạm phát hai con số, cộng thêm hoá đơn năng lượng cao gấp 2-3 lần so với trước kia. Tuy nhiên, cho đến nay, chính phủ của Thủ tướng Anh Rishi Sunak vẫn kiên quyết không nhượng bộ khi cho rằng nước Anh không còn đủ năng lực tài chính để tăng lương cho các lao động theo yêu cầu mà không kéo theo thâm hụt ngân sách trầm trọng hoặc lạm phát càng tăng cao hơn.

Các cuộc thảo luận, đàm phán giữa các công đoàn với chính phủ Anh thời gian qua hiện vẫn bế tắc, chưa tìm được giải pháp. Dự kiến, trong tuần tới các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục gia tăng với sự tham gia của lao động các lĩnh vực khác như công chức nhà nước, giáo viên, nhân viên bưu điện, lao động trong ngành giao thông.

Trong khi đó, nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc biểu tình lớn tại Pháp là để phản đối dự thảo cải cách hưu trí. Cho đến nay, các công đoàn tại Pháp đã cùng tổ chức được 3 ngày tổng đình công, xuống đường biểu tình, gần nhất là ngày 7/02, mỗi lần thu hút hàng triệu người biểu tình tại tất cả các thành phố lớn tại Pháp. Ngày biểu tình thứ 4 sẽ diễn ra vào hôm 11/02, dự kiến cũng sẽ có ít nhất trên 1 triệu người tham gia. Tiếp đến, các công đoàn tại Pháp đang lên kế hoạch tổ chức thêm ít nhất 2 ngày xuống đường nữa, vào các ngày 16/02, 7/03 và sau đó là các cuộc đình công tiếp nối. Tất cả các công đoàn tại Pháp đều phản đối dự luật cải cách hưu trí hiện nay của chính phủ Pháp và muốn dùng sức mạnh của các cuộc biểu tình làm tê liệt đời sống kinh tế-xã hội tại Pháp, qua đó buộc chính phủ của Thủ tướng Elisabeth Borne nhượng bộ, bởi các công đoàn này đều nhận định rằng chính phủ Pháp hiện không có ý định nhượng bộ và đang tìm cách thông qua dự luật này bằng con đường bỏ phiếu ở Nghị viện, bất chấp sự phản đối của công chúng. 

Tác động tiêu cực tới kinh tế, xã hội

Các cuộc biểu tình, đình công sẽ ảnh hưởng trước tiên đến đời sống kinh tế-xã hội tại Anh, Pháp. Tại Anh, việc các nhân viên y tế xuống đường biểu tình càng khiến cho sức ép đối với hệ thống y tế công tại Anh tăng mạnh.

Trải qua đại dịch Covid-19 vừa qua, hệ thống y tế Anh – NHS bị đánh giá là đã bị căng quá sức, đang trên bờ vực sụp đổ khi thiếu cả nhân lực lẫn vật lực. Rất nhiều nhân viên y tế tại Anh đã phải trải qua những tháng ngày vô cùng vất vả vì đại dịch nhưng lại đang mang cảm giác uất ức vì phải nhận sự đối xử được cho là không tương xứng.

Vì thế, các cuộc biểu tình này sẽ chỉ càng làm cho tình trạng căng thẳng trong hệ thống y tế Anh xấu đi. Một ví dụ rõ nét là vài tháng trước, chính phủ Anh đã phải triển khai quân đội để thay thế các lái xe cứu thương đình công, để đảm bảo các dịch vụ cấp cứu vẫn trực chiến ở mức độ tối thiểu, không ảnh hưởng quá nhiều đến nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Tuy nhiên, với việc chính phủ Anh hiện vẫn bày tỏ thái độ không khoan nhượng trước yêu cầu tăng lương, dự kiến các cuộc đình công kéo dài trong những ngày tới sẽ làm xáo trộn mạnh hơn đời sống kinh tế-xã hội tại Anh cũng như tại Scotland, xứ Wales.

Theo tính toán, có ít nhất 300.000 giáo viên tại Anh và Scotland, 100.000 nhân viên công vụ, 70.000 nhân viên tại các trường Đại học và 100.000 nhân viên lái xe bus đã và đang tham gia đình công tại Anh và hậu quả là hàng ngàn trường học bị đóng cửa, việc đi lại bị gián đoạn nghiêm trọng. Các số liệu cụ thể về hậu quả kinh tế của các cuộc đình công tại Anh chưa thể thống kê đầy đủ nhưng chỉ riêng trong ngành đường sắt, các cuộc đình công từ tháng 06 đến tháng 12/2022 đã khiến ngành đường sắt Anh thiệt hại gần 1 tỷ bảng, với mức cụ thể là 25 triệu bảng/ngày trong tuần và 15 triệu bảng/ngày cuối tuần.

Tại Pháp, 3 cuộc xuống đường lớn để phản đối cải cách hưu trí từ đầu năm 2023 hiện vẫn chưa gây ra các xáo trộn quá nghiêm trọng đến đời sống xã hội vì mặc dù số lượng người xuống đường biểu tình rất lớn, luôn trên 1 triệu người mỗi lần, nhưng tỷ lệ người lao động đình công trong các lĩnh vực như giáo dục, giao thông, năng lượng… hiện vẫn ở mức tương đối thấp.

Các xáo trộn lớn nhất là giao thông, khi việc đi lại ở các thành phố lớn, đặc biệt là thủ đô Paris, hoặc ở các tuyến đường sắt cao tốc đường dài, bị ảnh hưởng. Bộ trưởng Kinh tế Pháp, Bruno Le Maire hiện vẫn giảm nhẹ tác động của các cuộc biểu tình tại Pháp nhưng một số tính toán cho thấy, mỗi ngày tổng bãi công, biểu tình có thể khiến các hoạt động sản xuất kinh tế tại Pháp suy giảm 15-20%, kéo theo thiệt hại có thể lên tới khoảng 1 tỷ euro/ngày tổng đình công.

Điều đáng nói là các công đoàn tại Pháp luôn theo đuổi chiến lược biểu tình, đình công kéo dài, thậm chí kêu gọi phong toả một số lĩnh vực thiết yếu như năng lượng, cụ thể là ở một số nhà máy lọc dầu, nên nước Pháp có thể rơi vào tình trạng hồi tháng 10/2022 tức là 40% các trạm xăng trên toàn quốc không có nhiên liệu để bán cho người dân, kéo theo sự tê liệt của một số lĩnh vực kinh tế. Hậu quả khi đó có thể sẽ nặng nề hơn nhiều.

Thách thức với các chính phủ

Tại Anh, những cuộc biểu tình, đình công diễn ra trong một bối cảnh kinh tế-xã hội-chính trị đang trải qua những biến động lịch sử với quốc gia này. Lạm phát tại Anh nhiều tháng qua vẫn ở mức trên 10%, cao nhất trong 4 thập kỷ, trong đó giá năng lượng và thực phẩm tăng cao nhất, từ 16-20%, tạo nên tác động mạnh nhất đến tầng lớp lao động bình dân.

Ngoài ra, càng ngày Brexit càng cho thấy rõ những tác động hết sức tiêu cực đến nền kinh tế Anh, khiến đa số dư luận Anh giờ đây đã thay đổi ý kiến, cho rằng việc rời khỏi Liên minh châu Âu – EU là một quyết định sai lầm. Cộng thêm các biến động chính trị liên miên trên thượng tầng trong 2 năm qua, cụ thể là việc thay đến 3 thủ tướng, nên có thể nói nước Anh đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong vài thập kỷ qua.

Theo dự báo, Anh cũng có thể là nền kinh tế duy nhất trong G7 không tăng trưởng trong năm 2023. Vì lí do đó, chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak phải gánh chịu sức ép khổng lồ, một mặt là ổn định vĩ mô, khắc phục các sai lầm trong chính sách tài khoá thời bà Liz Truss, mặt khác phải duy trì ổn định xã hội. Đây là một bài toán nan giải, chừng nào vấn đề lạm phát chưa được giải quyết. Nhưng giải quyết bài toán lạm phát lại không phải là việc mà chính phủ Anh có thể chủ động hoàn toàn bởi hầu như tất cả các nền kinh tế phương Tây đều rơi vào cảnh lạm phát tăng cao do các tác động địa chính trị toàn cầu, từ xung đột Nga-Ukraine cho đến việc đứt gãy các chuỗi cung ứng hậu Covid-19.

Hiện tại chính phủ của ông Rishi Sunak vẫn kiên quyết không đồng ý tăng lương theo yêu cầu của các công đoàn nhưng để tránh các bất ổn xã hội lan rộng, nhiều khả năng ông Rishi Sunak sẽ phải nhượng bộ từng bước, như việc mới đây đã đồng ý tăng lượng cho lực lượng cứu hoả.

Trong khi đó tại Pháp, chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron đang đặt cược vào việc sẽ giành được đa số ủng hộ của các đảng phái tại Quốc hội Pháp để thông qua dự luật cải cách hưu trí mà không cần quan tâm đến sức ép từ các cuộc biểu tình.

Trên thực tế, chính phủ Pháp đã thừa nhận họ đã thất bại trong việc thu hút dư luận ủng hộ nên hiện chủ yếu dồn sức thuyết phục các nghị sĩ bên cánh hữu. Câu hỏi đặt ra là các công đoàn tại Pháp duy trì được phong trào phản đối đến mức độ nào. Trong lần tổng đình công mới nhất ngày 07/02, số lượng người tham gia biểu tình lẫn tỷ lệ lao động đình công trong các lĩnh vực đều đã giảm so với hai đợt trước.

Vì thế, các cuộc biểu tình lớn tiếp theo sẽ là thước đo khả năng kéo dài phản kháng xã hội của các công đoàn Pháp và chính phủ Pháp cũng sẽ dựa vào đó để có các đối sách phù hợp. Tuy nhiên, cho đến nay chính phủ của bà Elisabeth Borne chủ yếu đưa ra các nhượng bộ với một số đảng phái, nhất là đảng cánh hữu “Những người Cộng hoà” (LR) trong khi gần như đã khép cánh cửa đối thoại với các công đoàn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Biểu tình phản đối cải cách hưu trí lan rộng ở Pháp, uy tín ông Macron giảm
Biểu tình phản đối cải cách hưu trí lan rộng ở Pháp, uy tín ông Macron giảm

VOV.VN - Một tuần sau cuộc biểu tình thu hút hơn 1 triệu người tham gia để phản đối dự luật cải cách hưu trí, các nghiệp đoàn lớn tại Pháp tiếp tục kêu gọi các cuộc đình công, biểu tình lớn, nhất là trong một số ngành nghề thiết yếu như lọc dầu, khí đốt và điện.

Biểu tình phản đối cải cách hưu trí lan rộng ở Pháp, uy tín ông Macron giảm

Biểu tình phản đối cải cách hưu trí lan rộng ở Pháp, uy tín ông Macron giảm

VOV.VN - Một tuần sau cuộc biểu tình thu hút hơn 1 triệu người tham gia để phản đối dự luật cải cách hưu trí, các nghiệp đoàn lớn tại Pháp tiếp tục kêu gọi các cuộc đình công, biểu tình lớn, nhất là trong một số ngành nghề thiết yếu như lọc dầu, khí đốt và điện.

Pháp triển khai hơn 10.000 cảnh sát đối phó các cuộc biểu tình lớn hôm nay
Pháp triển khai hơn 10.000 cảnh sát đối phó các cuộc biểu tình lớn hôm nay

VOV.VN - Bộ trưởng Nội vụ Pháp ông Gérald Darmanin cho biết sẽ triển khai hơn 10.000 cảnh sát trong ngày 19/1, trong đó riêng thủ đô Paris là khoảng 3.500, để đối phó với các cuộc biểu tình lớn trên cả nước.

Pháp triển khai hơn 10.000 cảnh sát đối phó các cuộc biểu tình lớn hôm nay

Pháp triển khai hơn 10.000 cảnh sát đối phó các cuộc biểu tình lớn hôm nay

VOV.VN - Bộ trưởng Nội vụ Pháp ông Gérald Darmanin cho biết sẽ triển khai hơn 10.000 cảnh sát trong ngày 19/1, trong đó riêng thủ đô Paris là khoảng 3.500, để đối phó với các cuộc biểu tình lớn trên cả nước.

Cận cảnh văn phòng ở dinh Tổng thống Brazil bị người biểu tình đập phá
Cận cảnh văn phòng ở dinh Tổng thống Brazil bị người biểu tình đập phá

VOV.VN - Đoạn video do Thư ký Truyền thông của Tổng thống Brazil, ông Paulo Pimenta quay lại cho thấy hậu quả của vụ tấn công vào văn phòng của ông nằm trên tầng hai của dinh tổng thống Brazil.

Cận cảnh văn phòng ở dinh Tổng thống Brazil bị người biểu tình đập phá

Cận cảnh văn phòng ở dinh Tổng thống Brazil bị người biểu tình đập phá

VOV.VN - Đoạn video do Thư ký Truyền thông của Tổng thống Brazil, ông Paulo Pimenta quay lại cho thấy hậu quả của vụ tấn công vào văn phòng của ông nằm trên tầng hai của dinh tổng thống Brazil.

Hàng ngàn sinh viên Hungary biểu tình phản đối việc giáo viên bị sa thải
Hàng ngàn sinh viên Hungary biểu tình phản đối việc giáo viên bị sa thải

VOV.VN - Hàng ngàn giáo viên, học sinh và phụ huynh hôm qua đã biểu tình ở Thủ đô Budapest của Hungary để bày tỏ tình đoàn kết với các giáo viên bị sa thải vì thực hiện hành động đình công mà chính phủ cho là bất hợp pháp.

Hàng ngàn sinh viên Hungary biểu tình phản đối việc giáo viên bị sa thải

Hàng ngàn sinh viên Hungary biểu tình phản đối việc giáo viên bị sa thải

VOV.VN - Hàng ngàn giáo viên, học sinh và phụ huynh hôm qua đã biểu tình ở Thủ đô Budapest của Hungary để bày tỏ tình đoàn kết với các giáo viên bị sa thải vì thực hiện hành động đình công mà chính phủ cho là bất hợp pháp.

Hơn 200 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Iran
Hơn 200 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Iran

VOV.VN - Hãng thông tấn Mizan của Iran hôm qua dẫn nguồn Hội đồng an ninh Quốc gia thuộc Bộ Nội vụ cho biết, 200 người đã thiệt mạng trong các cuộc bạo loạn biểu tình kể từ giữa tháng 9 đến nay, trong đó bao gồm cả những nhân viên an ninh quốc gia.

Hơn 200 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Iran

Hơn 200 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Iran

VOV.VN - Hãng thông tấn Mizan của Iran hôm qua dẫn nguồn Hội đồng an ninh Quốc gia thuộc Bộ Nội vụ cho biết, 200 người đã thiệt mạng trong các cuộc bạo loạn biểu tình kể từ giữa tháng 9 đến nay, trong đó bao gồm cả những nhân viên an ninh quốc gia.