Cơ hội ngàn vàng cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đã tới

VOV.VN - Tuyên bố Bàn Môn Điếm cùng với việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đặt chân lên phần đất Hàn Quốc đã mở ra cơ hội rất lớn cho hòa bình tại đây.

Một nền hòa bình dài lâu trên bán đảo Triều Tiên là điều mà nhiều quốc gia cùng mong muốn chứ không riêng gì Triều Tiên và Hàn Quốc. Nền hòa bình đó có lợi cho thế giới, đặc biệt là các nước gần Triều Tiên như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và khu vực Đông Nam Á. Một cuộc chiến tranh Triều Tiên tàn khốc lần 2 sẽ đe dọa hòa bình khu vực và sự phát triển của nhiều quốc gia.

Kết quả trong mơ

Chỉ mới năm ngoái (2017), tình hình bán đảo Triều Tiên liên tục căng thẳng như dây đàn với những vụ thử hạt nhân, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên cùng những cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như sự phản đối gay gắt từ phía Hàn Quốc và Nhật Bản trước chương trình vũ khí của Triều Tiên. Khi ấy, người ta thậm chí còn sợ hãi nghĩ tới khả năng nổ ra một cuộc Chiến tranh Triều Tiên dữ dội lần 2. Và tình hình căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã tồn tại từ năm 1953.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) bắt tay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại đường phân tuyến liên Triều ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào ngày 27/4. Ảnh: CNN.

Vậy mà bây giờ tình hình đã khác hẳn. Không khí trên bán đảo Triều Tiên lắng dịu hẳn đi với nhiều dấu hiệu tích cực bất ngờ. Ngày 27/4, ông Tiên Kim Jong-un đi vào lịch sử với tư cách là nhà lãnh đạo tối cao đầu tiên của Triều Tiên bước qua đường phân giới liên Triều và đặt chân lên phần đất Hàn Quốc (trong khu phi quân sự) kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên tạm kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến vào năm 1953. Ngược lại về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đã đặt chân lên phần đất Triều Tiên sau đề nghị bất ngờ của ông Kim giữa làng đình chiến Bàn Môn Điếm.

Không những vậy, lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un còn tay bắt mặt mừng, tươi cười, bông đùa và nói chuyện hồ hởi với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trước, trong và sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Hôm 27/4 hai người còn trồng cây chung và dự tiệc tối trên phần đất Hàn Quốc. Phu nhân ông Kim cũng dự bữa tiệc đặc biệt này.

Thực sự phía Hàn Quốc đã trải thảm đỏ đón nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Triều Tiên và Hàn Quốc từng tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào các năm 2000 và 2007 nhưng các lần đó, Tổng thống Hàn Quốc phải thân chinh tới thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên.

Một kết quả quan trọng trong cuộc gặp gỡ lần này là hai bên đã ký kết được một tuyên bố chung - “Tuyên bố Bàn Môn Điếm về Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên bán đảo Triều Tiên”.

Tuyên bố Bàn Môn Điếm khẳng định hai bên sẽ nỗ lực chấm dứt các hoạt động thù địch và thiết lập nền hòa bình lâu dài và vững chắc trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời triển khai phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên (theo từng đợt). Tuyên bố cho biết, hai bên sẽ ký kết một Hiệp ước Hòa bình để chấm dứt tình trạng chiến tranh trên lý thuyết giữa 2 miền bán đảo Triều Tiên.

Tuyên bố có đoạn: “Hàn Quốc và Triều Tiên xác nhận mục tiêu chung là thực hiện một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân, thông qua việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn... Triều Tiên và Hàn Quốc nhất trí tích cực tìm kiếm sự ủng hộ và hợp tác của cộng đồng quốc tế để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.

Hai bên cho biết họ sẽ hợp tác với Mỹ và Trung Quốc để đạt mục tiêu chấm dứt chiến tranh, kiến tạo hòa bình bền vững.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu sau lễ ký kết tuyên bố chung: “Sẽ không còn cuộc chiến tranh nào nữa trên bán đảo Triều Tiên; một kỷ nguyên hòa bình mới đã bắt đầu... Chủ tịch Kim Jong-un và tôi đã nhất trí rằng sẽ đạt được việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, và đó là mục tiêu chung của chúng tôi”.

Nhà lãnh đạo Kim đã hứa sẽ thăm Phủ Tổng thống Hàn Quốc trong thời gian tới. Còn Tổng thống Moon đã nhận lời sẽ đi thăm thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên.

Ông Kim Jong-un (trái) và ông Moon Jae-in ôm nhau sau khi ký kết Tuyên bố Bàn Môn Điếm vào hôm 27/4. Ảnh: Getty.

Tuyên bố Bàn Môn Điếm đã nhận được phản hồi tích cực từ các nước trên thế giới, nhất là Mỹ, Nhật Bản, và Trung Quốc.

Những diễn biến tích cực này nằm trong chuỗi các sự kiện bắt đầu từ bước ngoặt vào ngày 1/1/2018 khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi thông điệp năm mới, trong đó ông để ngỏ khả năng đối thoại với Mỹ và gửi đoàn thể thao tới dự Thế vận hội mùa Đông ở Hàn Quốc.

Sau bước ngoặt đó là dồn dập các sự kiện như các đoàn thể thao và nghệ thuật Triều Tiên sang Hàn Quốc trong khuôn khổ Olympic mùa Đông 2018, rồi chuyến thăm Hàn Quốc của phái đoàn cấp cao Triều Tiên (vào tháng 2). Phía Hàn Quốc đáp lễ bằng việc gửi một phái đoàn cao cấp sang Bình Nhưỡng vào đầu tháng 3 – phái đoàn đã được phía Triều Tiên tiếp trọng thị. Sau đó đoàn nghệ thuật Hàn Quốc sang Triều Tiên vào cuối tháng 3 để giao lưu và biểu diễn nghệ thuật. Tất cả các sự kiện này đều đong đầy cảm xúc và cả sự chân thành từ hai phía.

Lần này, các tuyên bố của ông Kim Jong-un trên phần đất Hàn Quốc chắc chắn sẽ có trọng lượng đặc biệt vì ông đã trực tiếp có mặt tại đây, xuất hiện ngay trước ống kính truyền thông Hàn Quốc và thế giới, tự tay viết lưu bút vào sổ lưu niệm tại Hàn Quốc và ký tên vào Tuyên bố Bàn Môn Điếm. Tất cả những điều này đều đã được khắc vào lịch sử và không thể xóa bỏ.

Logic Triều Tiên

Tại sao Triều Tiên có sự thay đổi đột ngột như vậy?

Việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo trước hết là do mục đích sinh tồn trong bối cảnh họ bị bao vây và có những bài học nhãn tiền như trường hợp Tổng thống Iraq Saddam Hussein bị liên quân do Mỹ đứng đầu lật đổ vào năm 2003 và trường hợp lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi bị lật đổ và chết thảm hại vào năm 2011 sau khi hai ông này chấp nhận từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt. Triều Tiên xem bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo là 2 “thanh bảo kiếm” của họ.

Nhưng bối cảnh của Triều Tiên không hoàn toàn giống trường hợp của Saddam Hussein và Muammar Gaddafi. Triều Tiên có nhiều điểm khác với Iraq và Libya về chế độ chính trị, văn hóa, và vị trí địa chính trị.

Triều Tiên duy trì chương trình hạt nhân-tên lửa đạn đạo và cố gắng hết sức để đạt tới một tầm cao mới trong lĩnh vực này trong năm 2017 còn là nhằm sở hữu một “lá bài” mạnh phục vụ một mục tiêu khác: đàm phán trên thế có lợi với Mỹ.

Có lẽ ông Kim Jong-un hiểu rõ rằng: Vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên khó có thể sánh được với kho vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa của Mỹ. Đã vậy đầu tư cho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo là việc vô cùng tốn kém, khiến Triều Tiên khó phát triển kinh tế, chưa kể lại thường xuyên bị cộng đồng quốc tế gây sức ép. Một khi bị liên minh do Mỹ dẫn đầu bao vây quyết liệt thì một nước không lớn như Triều Tiên sẽ khó có cơ vươn lên. Khi đó tiền đồ Triều Tiên nói chung sẽ u ám, nhất là trong bối cảnh xu hướng chung của thế giới là phi hạt nhân hóa.

>> Xem thêm: Triều Tiên tiến bộ vượt bậc về công nghệ tên lửa đạn đạo

Triều Tiên muốn đàm phán với Mỹ từ lâu rồi, nhưng siêu cường Mỹ thường “làm cao” và có nhiều động thái khiến Triều Tiên cảm thấy không yên tâm nên họ đã dốc sức chuẩn bị những “con bài” giúp họ dễ thương lượng.

Thực tế năm 2017, giới chuyên gia đánh giá tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên có thể chưa hoàn toàn ổn định, chính xác và có khả năng hồi quyển tốt. Nhưng dẫu sao tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên đã có một năng lực đáng sợ (với tầm bắn vươn tới thủ đô Washington) đủ để Mỹ phải đắn đo rất nhiều trong cách hành xử với nước này.

Bên cạnh đó, chỗ dựa quan trọng của Triều Tiên trước đây là Liên Xô giờ không còn nữa. Nga hiện nay cũng có những khó khăn riêng. Trung Quốc thì không còn giành nhiều sự tin tưởng của Triều Tiên như trước đây. Việc chủ động phát động chiến tranh hay việc để nổ ra chiến tranh vào lúc này đều là điều nguy hiểm đối với Triều Tiên.

Hơn nữa, dù thế nào thì hai miền bán đảo Triều Tiên về văn hóa và lịch sử vẫn là anh em, cùng một gốc gác, một dòng máu.

Căn cứ trên tình hình hiện nay và vài thập kỷ qua thì việc ký kết Hòa ước giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên là điều khả thi.

Bất kể chuyện ý thức hệ, cả hai ông Kim Nhật Thành (lãnh đạo Triều Tiên thời kỳ đầu) và ông Lý Thừa Vãn (lãnh đạo Hàn Quốc thời kỳ đầu) từng quyết tâm thống nhất Tổ quốc Triều/Hàn. Ông Lý thậm chí còn dân tộc chủ nghĩa đến mức không chấp nhận chuyện bán đảo Triều Tiên bị chia cắt và do đó ông không chịu ký vào Hiệp định Đình chiến 1953 – Hiệp định này rốt cuộc chỉ được ký giữa 3 bên gồm một tướng Mỹ (đại diện quân Liên Hợp Quốc), một tướng quân đội Triều Tiên, và đại diện quân tình nguyện Trung Quốc.

Sau bao thăng trầm, Triều Tiên có thể ý thức rõ sự đối đầu không đi tới đâu, không có lợi cho cả Triều Tiên và Hàn Quốc.

Phía Hàn Quốc - nước giàu hơn, cũng có nhiều thiện chí trong bao năm qua. Họ muốn hòa bình với Triều Tiên để yên ổn làm ăn. Họ đã có nhiều hoạt động đầu tư ở khu công nghiệp Kaesong (Triều Tiên) và các hoạt động viện trợ cho Triều Tiên. Thực sự từ đầu thế kỷ 21, chưa thấy dấu hiệu nào khẳng định Hàn Quốc muốn thôn tính Triều Tiên cả.

Hiện nay, vũ khí có sức sát thương cao và mức độ phụ thuộc kinh tế giữa các nước là lớn – cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều ý thức rõ điều này.

Thậm chí nếu thống nhất Triều Tiên thì Hàn Quốc sẽ phải chấp nhận thiệt thòi và vất vả về kinh tế trong thời gian dài. Câu chuyện hội nhập của Đông Đức (chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn nước Đức) sau Chiến tranh Lạnh vẫn còn đó.

Hai vấn đề gai góc

Trước tiên là vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Thế giới vẫn hoài nghi về khả năng Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo vì đây là 2 phương tiện răn đe quan trọng của họ. Thực tế, hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào năm 2000 và năm 2007 đều đã thất bại trong việc làm ngừng chương trình vũ khí chiến lược của Triều Tiên. Liệu ông Kim Jong-un sẽ giữ nguyên hiện trạng kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên để phòng xa?

Tuy nhiên, Triều Tiên đã nắm trong tay công nghệ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo ở mức độ cao. Và do vậy họ có khả năng xóa bỏ vũ khí vật chất cụ thể và sẽ chỉ tái khởi động chương trình vũ khí này khi bị đe dọa một lần nữa (giống Nhật Bản tuy không phát triển vũ khí hạt nhân nhưng có đủ tiềm lực để làm điều đó nếu họ lựa chọn như vậy).

Nhưng ngay cả khi tình hình phát triển tích cực theo hướng đó thì các bên vẫn cần thận trọng nhằm đạt được một Hòa ước thực sự cho bán đảo Triều Tiên. Riêng Mỹ phải hết sức kiềm chế và có thái độ xây dựng, tạo dựng lòng tin thật sự giữa các bên. Mỹ cần bảo đảm chắc chắn rằng họ không đe dọa an ninh Triều Tiên. Việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc sẽ giúp Triều Tiên an tâm.

Khi ấy cộng đồng quốc tế lại phải tiếp tục kiên trì với quá trình lâu dài xóa bỏ dần kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

>> Xem thêm: Nhìn lại Chiến tranh Triều Tiên tàn khốc

Câu hỏi hóc búa thứ hai là vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên. Liệu Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ duy trì hiện trạng có 2 quốc gia nói cùng một ngôn ngữ trên bán đảo Triều Tiên? Hay họ sẽ thống nhất làm một? Và nếu thống nhất thì theo phương cách nào?

Hiện nay chế độ chính trị của Triều Tiên và Hàn Quốc là khác nhau và tồn tại song song trong thời gian dài (tới 70 năm). Tình cảnh của hai quốc gia Đông Á này khác với trường hợp Đông Đức và Tây Đức trước đây - vốn đã sáp nhập dựa trên thực tế là một bên suy yếu hẳn.

Triều Tiên tuy khó khăn về kinh tế nhưng thể chế chính trị của ông Kim Jong-un vẫn vững. Họ có nhiều cái tự lập, khác hẳn với tình trạng bế tắc không lối thoát của Đông Đức vào cuối thập niên 1980.

Nhưng mặt khác, hệ tư tưởng chính thống của Triều Tiên hiện nay là tư tưởng Chủ thể và “chủ nghĩa Kim Nhật Thành-Kim Chính Nhật”. Ý thức hệ của Triều Tiên đã có sự thay đổi đáng kể vào thập niên 1980 và điều đó càng được tăng cường trong các năm qua, đặc biệt là từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền vào cuối năm 2011.

Trong khi đó, phía Hàn Quốc có hẳn một bộ là Bộ Thống nhất, với nhiều hoạt động thực tế và đa đạng để tìm kiếm hòa bình và thống nhất giữa 2 miền.

Do vậy, tuy thận trọng, chúng ta vẫn có thể nghĩ tới một viễn cảnh tươi sáng trên bán đảo Triều Tiên/Hàn Quốc. Một dân tộc Triều-Hàn hòa bình, phi hạt nhân, thống nhất, và vững mạnh sẽ có lợi cho gần như toàn bộ thế giới, kể cả Việt Nam chúng ta./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ảnh: Nữ điệp viên người Triều Tiên làm nổ tung máy bay Hàn Quốc 1987
Ảnh: Nữ điệp viên người Triều Tiên làm nổ tung máy bay Hàn Quốc 1987

VOV.VN - Nữ điệp viên người Triều Tiên Kim Hyon-hui đã gài bom trên một máy bay chở khách của Hàn Quốc, làm cho máy bay phát nổ khiến hơn 100 người chết.

Ảnh: Nữ điệp viên người Triều Tiên làm nổ tung máy bay Hàn Quốc 1987

Ảnh: Nữ điệp viên người Triều Tiên làm nổ tung máy bay Hàn Quốc 1987

VOV.VN - Nữ điệp viên người Triều Tiên Kim Hyon-hui đã gài bom trên một máy bay chở khách của Hàn Quốc, làm cho máy bay phát nổ khiến hơn 100 người chết.

Hồ sơ mật: Chiến tranh Mỹ-Triều Tiên lần 2 suýt nổ ra vào năm 1969
Hồ sơ mật: Chiến tranh Mỹ-Triều Tiên lần 2 suýt nổ ra vào năm 1969

VOV.VN - Sau khi máy bay Mỹ bất ngờ bị Triều Tiên bắn hạ, Lầu Năm Góc xây dựng vài phương án trả đũa, có thể làm tái diễn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Hồ sơ mật: Chiến tranh Mỹ-Triều Tiên lần 2 suýt nổ ra vào năm 1969

Hồ sơ mật: Chiến tranh Mỹ-Triều Tiên lần 2 suýt nổ ra vào năm 1969

VOV.VN - Sau khi máy bay Mỹ bất ngờ bị Triều Tiên bắn hạ, Lầu Năm Góc xây dựng vài phương án trả đũa, có thể làm tái diễn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Ảnh: Đệ nhất phu nhân Triều Tiên dự tiệc chiêu đãi tại Bàn Môn Điếm
Ảnh: Đệ nhất phu nhân Triều Tiên dự tiệc chiêu đãi tại Bàn Môn Điếm

VOV.VN - Bà Ri Sol-ju tới Nhà Hòa Bình bên phía Hàn Quốc vào lúc 18h18 theo giờ địa phương trong bộ trang phục màu hồng nhạt.

Ảnh: Đệ nhất phu nhân Triều Tiên dự tiệc chiêu đãi tại Bàn Môn Điếm

Ảnh: Đệ nhất phu nhân Triều Tiên dự tiệc chiêu đãi tại Bàn Môn Điếm

VOV.VN - Bà Ri Sol-ju tới Nhà Hòa Bình bên phía Hàn Quốc vào lúc 18h18 theo giờ địa phương trong bộ trang phục màu hồng nhạt.

Ảnh: Hành trình đầy sóng gió và cảm xúc để có 1 thượng đỉnh liên Triều
Ảnh: Hành trình đầy sóng gió và cảm xúc để có 1 thượng đỉnh liên Triều

VOV.VN - Cách đây vài tháng, Hàn Quốc - Triều Tiên ở vào trạng thái đối đầu căng thẳng. Nhưng giờ đây họ đang hòa dịu và bước vào hội nghị thượng đỉnh lịch sử.

Ảnh: Hành trình đầy sóng gió và cảm xúc để có 1 thượng đỉnh liên Triều

Ảnh: Hành trình đầy sóng gió và cảm xúc để có 1 thượng đỉnh liên Triều

VOV.VN - Cách đây vài tháng, Hàn Quốc - Triều Tiên ở vào trạng thái đối đầu căng thẳng. Nhưng giờ đây họ đang hòa dịu và bước vào hội nghị thượng đỉnh lịch sử.

Tổng thống Donald Trump hoan nghênh thượng đỉnh liên Triều
Tổng thống Donald Trump hoan nghênh thượng đỉnh liên Triều

VOV.VN - Tổng thống Trump hoan nghênh thỏa thuận lịch sử đạt được sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều mà Triều Tiên và Hàn Quốc đạt được ngày 27/4.

Tổng thống Donald Trump hoan nghênh thượng đỉnh liên Triều

Tổng thống Donald Trump hoan nghênh thượng đỉnh liên Triều

VOV.VN - Tổng thống Trump hoan nghênh thỏa thuận lịch sử đạt được sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều mà Triều Tiên và Hàn Quốc đạt được ngày 27/4.