Hy Lạp giải tán Phát thanh-Truyền hình Quốc gia vì lẽ gì?

(VOV) - Sự kiện đóng cửa đài phát thanh-truyền hình công cho thấy những mâu thuẫn giằng xé trong nước thành viên EU này.

Khủng hoảng tài chính, nợ công và các vấn đề xã hội quấn riết đất nước Hy Lạp từ 6 năm nay. Quốc gia này hiện có tỷ lệ thất nghiệp lên tới 27%. Để nhận được các gói giải cứu tài chính, Hy Lạp buộc phải đáp ứng các điều kiện do nhà tài trợ đưa ra như thắt chặt chi tiêu, cắt giảm nhân lực hoặc sáp nhập nhiều tổ chức trong khu vực công có khuynh hướng ‘phình’ to.

Những điều kiện cứu trợ ngặt nghèo đã khiến cuộc sống người dân đất nước bên bờ phá sản này vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn. Biểu tình đã nổ ra nhiều nơi do cuộc sống khắc khổ dưới chính sách ‘thắt lưng buộc bụng’.

Giữa lúc đó thì “đùng” một cái, chính phủ Hy Lạp quyết định đóng cửa Đài Phát thanh-Truyền hình Quốc gia (ERT) do khó khăn tài chính và nhu cầu tiến hành cải cách theo chỉ đạo của bộ ba chủ nợ là IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế), EU (Liên minh châu Âu), và ECB (Ngân hàng Trung ương châu Âu).

Biểu tình trước trụ sở Đài Quốc gia Hy Lạp ERT hôm 13/6 (ảnh: AFP)


Vụ bất ngờ “khai tử” nhà Đài không chỉ gây choáng váng cho 2.700 nhân viên ERT cùng gia đình họ mà còn đặt ra 1 câu hỏi lớn cho dư luận Hy Lạp và thế giới: Tới đây đối tượng nào nữa sẽ lại bước lên “đoạn đầu đài” của Thủ tướng Samaras?

Người ta hoàn toàn có thể nghi ngại như vậy bởi lẽ ERT là 1 cơ quan thuộc khu vực công với bề dày tới 75 năm, có tầm quan trọng về chính trị và văn hóa mà còn rơi vào hoàn cảnh đó.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ 2 một chính phủ châu Âu đóng cửa một hãng phát thanh-truyền hình quốc gia, Đài RT của Nga bình luận.

Đài ERT theo mô hình truyền hình-phát thanh công, có nguồn quỹ hoạt động khoảng 375 triệu euro, trong đó một phần nhỏ là từ ngân sách nhà nước, phần còn lại là từ phí sử dụng truyền hình thu từ các hộ gia đình thông qua hóa đơn tiền điện hàng tháng (mỗi hóa đơn sẽ tính thêm 4,3 euro dù cho chủ nhà có máy thu hình hay không).

ERT có 3 đài truyền hình, 1 kênh vệ tinh, 17 đài phát thanh, 1 website và 1 tạp chí. Bên cạnh ERT, ở Hy Lạp còn có một số đài thương mại nữa như là Sky và Mega.

Diễn biến vụ việc

Chiều 11/6 (giờ Hy Lạp), chính phủ của Thủ tướng Samaras công bố quyết định đóng cửa Đài Phát thanh-Truyền hình ERT từ ngày 12/6. Ngay lập tức khoảng 2.700 nhân viên của Đài này rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Các nhân viên ERT chiếm trụ sở đài này để phản đối việc chính phủ bất ngờ đóng cửa đài và sa thải họ (ảnh: EPA)


Sau đó, ngày 13/6, các quan chức cấp cao của Eurozone đã nhóm họp để bàn việc cung cấp khoản vay 3,3 tỷ euro tiếp theo cho Hy Lạp.

Sau khi hệ thống truyền dẫn phát sóng cho ERT bị cắt, Bộ Tài chính Hy Lạp ra thông báo khẳng định thực thể ERT đã bị bãi bỏ. Chính phủ nước này cũng ra lệnh cấm các đài tư nhân phát lại chương trình của ERT và sử dụng logo ERT.

Tuy nhiên nhân viên đài ERT không chấp nhận thực tế này. Ngoài một số người chỉ biết thẫn thờ hoặc khóc lóc, những người khác đã phản ứng dữ dội và quyết liệt bằng hình thức biểu tình và chiếm giữ trụ sở ERT. Họ tiếp tục phát các chương trình của ERT qua internet. Sau đó họ được EBU (Liên minh Phát thanh-Truyền hình châu Âu) giúp đỡ cập nhập tin bài lên trang web của EBU và phát sóng chương trình qua hệ thống vệ tinh ngược trở về Hy Lạp, thách thức chính quyền.

Không những vậy, các nghiệp đoàn cũng vào cuộc, thể hiện tình đoàn kết với ERT. Hai công đoàn lớn nhất là ADEDY (của khu vực công) và GSEE (của khu vực tư) đã tiến hành bãi công 24 giờ trên toàn quốc, làm tê liệt hệ thống giao thông vận tải ở nhiều nơi, đặc biệt là thủ đô Athens.

Tổ chức công đoàn của các nhà báo ở Athens thực hiện cuộc đình công riêng, khiến một số tờ báo phải đình bản, còn các hãng truyền hình và phát thanh tư nhân không có… tin tức để phát (thay vào đó, họ phải trám bằng các chương trình giải trí hoặc tài liệu).

Tại khu vực tòa nhà ERT, hơn một vạn người biểu tình - bao gồm cả thanh niên thất nghiệp và những người cánh tả - hô vang khẩu hiệu “sa thải Samaras, chứ không phải ERT”.

Tuy nhiên có một bộ phận đáng kể lao động thuộc khu vực tư đã không hưởng ứng các cuộc đình công này do họ không bị ảnh hưởng nhiều bởi các chính sách thắt lưng buộc bụng. Do vậy họ tỏ ra thờ ơ như không có chuyện gì. Những người này còn so bì thu nhập giữa họ với những người thuộc khu vực công (có mức lương cao hơn) và thắc mắc chuyện hàng trăm ngàn người trong số họ cũng bị mất việc nhưng “có được ai quan tâm đâu”.

Lý lẽ của phe chính phủ và những người ủng hộ

Hôm 10/6, đại diện của IMF, EU và ECB bắt đầu kiểm tra tiến độ ‘thắt chặt hầu bao’ và cải cách cơ cấu của Hy Lạp. Một quan chức chính phủ Hy Lạp cho biết nước này chịu áp lực của các thanh tra viên EU và IMF, phải trình ra 1 kế hoạch sa thải 2.000 nhân viên nhà nước và việc “hy sinh” ERT được cho là giúp họ đạt được mục tiêu này nhanh gọn nhất. 

Nữ nhân viên ERT gạt nước mắt khi làm việc cùng đồng nghiệp trong phòng tổng khống chế hôm 12/6 (ảnh: Reuters)


Việc sa thải cả đài ERT là màn sa thải hàng loạt đầu tiên trong chương trình cho nghỉ việc 15.000 người dư thừa thuộc khu vực công. Chương trình này đã được liên minh 3 đảng cầm quyền thông qua vào tháng 4 nhằm làm hài lòng EU và IMF.

Chính phủ của Thủ tướng Samaras cho rằng họ làm như vậy là do tình thế yêu cầu. Theo ông Samaras, chỉ có như vậy mới biến được Hy Lạp từ “công viên kỷ Jura” (ý nói hoang sơ) thành 1 nền kinh tế hiện đại.

Chính phủ Hy Lạp còn chủ động công kích ERT từ trước đó. Họ cáo buộc ERT là tham nhũng, thiếu minh bạch, có nhiều sai phạm, quá đông người, phung phí tiền bạc và hoạt động thiếu hiệu quả.

Hôm 13/6, Bộ Tài chính Hy Lạp đã yêu cầu vị công tố viên về tham nhũng xem xét những “sai trái” mà ERT có thể đã phạm phải trong mua thiết bị, tổ chức sản xuất chương trình hay hợp đồng lao động.

Adonis, một nghị sĩ cùng đảng với ông Samaras, thậm chí còn tố “chính các nhân viên ERT đã đình công trước, một cách thiếu trách nhiệm đối với xã hội”. Còn Thủ tướng Samaras thì gọi những người bảo vệ ERT là đạo đức giả, cản trở cải cách.

Athens còn cho rằng đài ERT được trả lương cao gấp 3-7 lần so với cống hiến thực sự của mình. Kedikoglou, phát ngôn viên của chính phủ, nói ERT “có vô số tài sản, nhiều cái chưa dùng đến…, còn nhân viên của họ thì được hưởng nhiều ưu đãi”. Hiểm hơn, ông này cho rằng ERT chi nhiều tiền nhưng lượng công chúng lại thấp hơn các đài thương mại (chỉ bằng một nửa).

Thực tế, cộng gộp cả 3 kênh truyền hình toàn quốc thì khán giả của ERT vẫn chỉ chiếm có 13% thị phần.

Hiện nay có luồng ý kiến cho rằng ERT độc quyền, được ưu đãi, được bao cấp, không làm vẫn có “ăn” (hoặc làm tốt hay kém đều nhận được thù lao như nhau) nên không quan tâm đến chất lượng sản phẩm truyền thông.

Phe chính phủ còn bào chữa việc giải tán ERT bằng cách tuyên bố họ không muốn chấm dứt truyền hình công mà chỉ là muốn làm cho nó tốt hơn.

Cụ thể, Thủ tướng Samaras cho biết sẽ tổ chức lại ERT thành đài NERIT tinh gọn với số lượng nhân viên là 1.200 người. Những người từng làm cho ERT có thể nộp đơn thi tuyển vào cơ quan mới. Ông này khẳng định, quy mô đài nhỏ hơn nhưng hiệu quả làm việc sẽ cao hơn. Thời điểm ra đời đài mới chưa chắc chắn, có thể là vào tháng 8 này.

Lập luận của phe ERT, cánh tả và công đoàn

Phía chính phủ giải thích như vậy nhưng phe đối lập “không tin lắm”. Dù có nói gì, chính phủ vẫn bị nhiều lực lượng trong và ngoài nước phản đối.

Họ coi động thái của Thủ tướng Hy Lạp là cuộc đảo chính Hiến pháp và bịt miệng tiếng nói độc lập, dân chủ, ít nhất là từ bây giờ cho đến khi có 1 đài công mới.

Dù đã bị sa thải hoàn toàn, các cựu nhân viên ERT vẫn cố bám cơ quan và phát sóng các chương trình truyền hình thông qua mạng internet (ảnh: AFP)


Lãnh đạo cánh tả Alexis Tsipras của Hy Lạp cho rằng những gì vừa diễn ra là chưa có tiền lệ, không chỉ đối với Hy Lạp mà còn cả toàn châu Âu. Ông này nói: “Kênh truyền hình công chỉ tối bưng trong 2 tình huống: Đất nước bị chiếm đóng hoặc xảy ra đảo chính”.

Hãng thông tấn AP dẫn lời Nils Muiznieks, ủy viên nhân quyền của Hội đồng châu Âu, coi bước đi nói trên của chính quyền Hy Lạp là “đòn giáng mạnh vào 1 cột trụ cơ bản của dân chủ”.

Công đoàn ADEDY ra thông cáo kịch liệt phản đối động thái đóng cửa ERT, gọi đó là “có tính hệ thống và mang tính chất độc tài”.

Bản thân 2 đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền là đảng PASOK và đảng Dân chủ Cánh tả cũng nhất quyết phản đối Thủ tướng Samaras trong vấn đề này. Họ khẳng định chỉ ủng hộ việc cải tổ một cách triệt để ERT theo hướng tốt hơn, chứ không ủng hộ việc xóa xổ nó.

Đáng lưu ý có lập luận của nhân vật Anastasia Zigou thuộc nhóm Strike Struggle do các nhà báo ERT lập nên. Bà Zigou cho rằng ông Thủ tướng làm thế này là để tạo điều kiện cho đảng Tân Dân chủ của ông ta tổ chức sớm bầu cử khi họ đang có lợi thế. Bà này còn chỉ rõ, với tính chất công ích của mình, ERT phủ sóng với tín hiệu rõ đến vùng sâu và vùng hải đảo xa xôi (các đài khác không có sóng ở đây, hoặc nếu có thì rất yếu). Nếu không có ERT, bà Zigou nói, các vùng đó sẽ bị thiệt thòi và xa cách hơn về mặt thông tin. Do đó đánh vào ERT không chỉ là đánh vào 2.700 nhân viên của đài, mà còn là hơn thế nữa: đánh vào dân chủ, đánh vào số đông, vào những người thiệt thòi.

Trong khi đó, Chủ tịch Liên minh Phát thanh Truyền hình châu Âu đã gửi thư cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu yêu cầu ông này dùng quyền hạn của mình để buộc chính phủ Hy Lạp hủy quyết định đóng cửa đài công ERT.

Có 1 điều thú vị là mặc dù EU ủng hộ việc Hy Lạp phải “thắt lưng buộc bụng” nhưng trước sự phản đối dữ dội của công đoàn, các đảng phái và dân chúng Hy Lạp, họ lại tỏ thái độ “trung lập” trong vấn đề cụ thể ERT.

Còn vấn đề “nguồn thu” của ERT có lẽ phải nhìn trong bức tranh tổng thể của Hy Lạp và các nước châu Âu. ERT sẽ khó có thể so được với đài truyền hình trung ương CCTV của cường quốc mới nổi Trung Quốc về mặt quảng cáo, tự hạch toán và tăng nguồn thu khi mà tình hình cả nước Hy Lạp đang rất rối ren trong đợt suy thoái và khủng hoảng kinh tế chung của thế giới tư bản phương Tây./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nguyên nhân các vụ bạo loạn khiến Thụy Điển rung chuyển?
Nguyên nhân các vụ bạo loạn khiến Thụy Điển rung chuyển?

(VOV) - Một đất nước vốn yên bình, thịnh vượng và giữ vị trí trung lập trong các cuộc chiến tranh bỗng chốc bị cuốn vào cơn lốc bạo động.

Nguyên nhân các vụ bạo loạn khiến Thụy Điển rung chuyển?

Nguyên nhân các vụ bạo loạn khiến Thụy Điển rung chuyển?

(VOV) - Một đất nước vốn yên bình, thịnh vượng và giữ vị trí trung lập trong các cuộc chiến tranh bỗng chốc bị cuốn vào cơn lốc bạo động.

Gorbachev kêu gọi ‘cải tổ’ thể chế phương Tây
Gorbachev kêu gọi ‘cải tổ’ thể chế phương Tây

(VOV) - Mikhail Gorbachev, kẻ “có công lớn” làm tan rã Liên Xô, vừa kêu gọi phải cải tổ lại chính nền kinh tế phương Tây do Mỹ đứng đầu.

Gorbachev kêu gọi ‘cải tổ’ thể chế phương Tây

Gorbachev kêu gọi ‘cải tổ’ thể chế phương Tây

(VOV) - Mikhail Gorbachev, kẻ “có công lớn” làm tan rã Liên Xô, vừa kêu gọi phải cải tổ lại chính nền kinh tế phương Tây do Mỹ đứng đầu.