Người ta biết gì về Hamas?

VOV.VN - Hamas trong tiếng Arab có nghĩa là nhiệt tâm. Đây là tổ chức vũ trang lớn nhất và có ảnh hưởng nhất Palestine.

Hiện nay, do tình hình căng thẳng tại Biển Đông hay miền đông Ukraine mà người ta tạm lãng đi một điểm nóng khác trên thế giới. Đó là Trung Đông. Giống như khi người ta đau răng thì quên đi cơn đau bụng. Nhưng không phải vì đau răng mà hết đau bụng. Trên thực tế “cơn đau” này đang dần bùng phát. Khu vực này đang nóng dần lên với sự ra đời của Chính phủ đoàn kết dân tộc Palestinee kèm theo sự phản đối quyết liệt của Israel mà nguyên nhân chính là sự có mặt của Tổ chức Hồi giáo Hamas – Tổ chức bị Israel coi là kẻ thù số một.

Trong tiếng Arab, Hamas là viết tắt của từ Harakat Al-Muqawama Al-Islamia có nghĩa là Tổ chức kháng chiến Hồi giáo (Ảnh: AFP)

Nói đến Hamas, nhiều người lập tức liên tưởng tới những chiến binh đội mũ trùm bịt mặt, quần áo rằn ri, súng AK47 lăm lăm trên tay. Nhưng thực tế họ là ai, có lịch sử thế nào, quy mô tổ chức ra sao mà dám đương đầu với Israel - một cường quốc đã mạnh về quân sự lại được sự ủng hộ trực tiếp của Mỹ và khiến cho Israel phải nhiều lần huy động cả thuỷ, lục, không quân đồng loạt tấn công vào dải Gaza biến Trung Đông thành một trong những điểm nóng nhất trên thế giới hiện nay?! Câu hỏi này không phải tất cả mọi người đều biết.

Hamas là ai?

Trong tiếng Arab, Hamas là viết tắt của từ Harakat Al-Muqawama Al-Islamia có nghĩa là Tổ chức kháng chiến Hồi giáo. Bản thân từ Hamas trong tiếng Arab còn có nghĩa là nhiệt tâm. Đây là tổ chức vũ trang lớn nhất và có ảnh hưởng nhất của Palestine. Thậm chí, tháng 1/2006, Hamas còn đánh bại Phong trào Fatah do ông Mahmoud Abbas dẫn đầu, giành thắng lợi trong Tổng tuyển cử của Palestine.

Hamas không ngừng theo đường lối cứng rắn không công nhận sự tồn tại của Nhà nước Do Thái Israel. Theo đó, Hamas liên tục tiến hành các cuộc tấn công mang màu sắc khủng bố nhằm vào Israel như: đánh bom liều chết, bắn rocket vào lãnh thổ Israel, đặt bom… Hamas còn tiến hành các vụ tấn công tại cả Khu Bờ Tây sông Jordan và dải Gaza thuộc Palestine. Chính vì các hoạt động này, Hamas bị gán cho cái tên Tổ chức Hồi giáo cực đoan, quá khích.

Hamas ra đời như thế nào?

Hamas phát triển và tách ra từ Tổ chức Muslim Brotherhood - một tổ chức tôn giáo-chính trị được thành lập tại Ai Cập và có chi nhánh tại tất cả các nước Arab. Từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, Sheikh Ahmed Yassin - người sáng lập và lãnh tụ tinh thần của Hamas, bắt đầu truyền đạo và tiến hành các hoạt động từ thiện tại dải Gaza và khu Bờ Tây (lúc đó đang bị Israel chiếm đóng sau cuộc Chiến tranh bảy ngày năm 1967).

Năm 1973, ông Yassin lập ra Trung tâm Hồi giáo để điều phối các hoạt động chính trị của Muslim Brotherhood tại Gaza. Sau khi phong trào kháng chiến chống Israel lần thứ nhất (Intifada) của người Palestine bùng nổ, vào tháng 12/1987, ông Yassin cho ra đời tổ chức có tên gọi Hamas nhằm tạo thêm phương tiện chính trị cho Muslim Brotherhood tại khu vực.

Năm 1988, Hamas đưa ra Tuyên ngôn đầu tiên của mình và chính thức tách khỏi đường lối hoạt động phi bạo lực của Muslim Brotherhood. Từ đó trở đi, các hoạt động của Hamas mang màu sắc bạo lực. Vụ đánh bom liều chết đầu tiên do Hamas tiến hành xảy ra vào tháng 4/1993.

5 tháng sau đó, Cố Tổng thống Palestine Yasir Arafat và Cố Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin ký Hiệp ước Oslo về hoà bình giữa Palestine và Israel - một Hiệp ước chưa bao giờ được thực hiện. Tháng 11/1995, ông Rabin bị ám sát. Tháng 11/2004, Tổng thống Arafat từ trần. Đó là những mốc đánh dấu sự thay đổi lớn của Hamas.

Các lãnh tụ của Hamas là ai?

Như đã nêu trên, người sáng lập kiêm lãnh tụ tinh thần đầu tiên của Hamas là Sheikh Ahmed Yassin. Tuy nhiên, Hamas còn nhiều lãnh đạo khác. Tất cả đều là những tên tuổi lẫy lừng trong thế giới Hồi giáo, trong đó có cả Cựu Thủ tướng Chính phủ Palestine Ismail Haniyeh.

Tuy nhiên lãnh tụ tối cao của Hamas lại là ông Khaled Meshal đang sống lưu vong tại Syria. Xin nêu đôi nét về tiểu sử của nhân vật nổi tiếng này. Khaled Meshal sinh năm 1956 tại Silwad - một làng nhỏ ở khu Bờ Tây nhưng lại sống phần lớn thời gian ở nước ngoài.

Năm 1967, gia đình ông chuyển tới sống tại Kuwait. Ông học về Vật lý tại trường Đại học tổng hợp Kuwait. Tại đây, ông thành lập một nhóm sinh viên với tên gọi Danh sách Quyền Hồi giáo. Từ năm 15 tuổi, ông đã gia nhập Muslim Brotherhood và là một thành viên tích cực, đầy triển vọng của tổ chức này.

Sau chiến tranh Kuwait – Iraq năm 1990, ông chuyển đến sống tại Jordan và trở thành lãnh đạo chi nhánh của Hamas tại nước này. Năm 1999, ông bị bỏ tù khi Quốc vương Jordan quyết định đặt chi nhánh của Hamas tại nước này ra ngoài vòng pháp luật. Hiện nay, Khaled Meshal vẫn đang sống lưu vong tại Syria mà không dám trở về khu vực lãnh thổ của Palestine vì e ngại sẽ bị Israel bắt hoặc sát hại.

Địa bàn hoạt động của Hamas ở đâu?

Hamas chủ yếu hoạt động tại dải Gaza và khu Bờ Tây cũng như trong lãnh thổ Israel. Trên thực tế, tổ chức này kiểm soát toàn bộ dải Gaza. Sau khi lên nắm quyền vào năm 2006, các nhà lãnh đạo của Hamas đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại trong khu vực. Hoạt động của Hamas trở nên ôn hoà hơn khiến đã có lúc người ta nghĩ tổ chức này sẽ từ bỏ đường lối bạo lực.

Các tay súng của Hamas (Ảnh: timesofisrael)

Vào mùa hè năm 2007, quan hệ giữa Hamas và phái ôn hoà Fatah trở nên căng thẳng dẫn tới sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Palestine cũng như sự phân chia lãnh thổ theo đó Hamas kiểm soát dải Gaza còn Fatah kiểm soát khu Bờ Tây. Cũng ngay từ khi lên năm quyền, Hamas liên tục bắn rocket và lãnh thổ Israel, trong đó có lần gây thiệt hại và người và của.

Đầu năm 2008, Hamas và Israel đạt được một thở thuận ngừng bắn, nhen lên một tia hy vọng về hoà bình cho Trung Đông đầy máu lửa. Thế nhưng, đến cuối năm 2008, bạo lực tái phát, dẫn đến cuộc tấn công ồ ạt cuả Israel vào dải Gaza từ cuối tháng 12 năm 2008. Và từ ngày 14 đến 21/11/2012, Israel lại một lần nữa đổ quân tấn công dải Gaza nhằm tiêu diệt Hamas khiến hơn 200 người thiệt mạng. Sau đó liên tục là các vụ tấn công và bắn rốc-két phục thù qua lại giữa hai bên khiến nhiều dân thường thiệt mạng.

Tín điều và mục tiêu của Hamas là gì?

Hamas kết hợp chủ nghĩa dân tộc của Palestine với giáo lý cơ bản, chính thống của đạo Hồi. Tuyên ngôn của Hamas nhấn mạnh việc tiêu diệt Nhà nước Do Thái, thay thế nhà nước Palestine hiện nay bằng một Nhà nước Hồi giáo tại dải Gaza và khu Bờ Tây sông Jordan với mục tiêu làm cho “Ngọn cờ của Thánh Allah che phủ tới từng tấc đất của Palestine”. Hamas có quan điểm cứng rắn: “đàm phán hoà bình không mang lại kết quả”. Liên quan tới điều này, Abd al-Aziz Rantisi - một nhà lãnh đạo của Hamas dã từng tuyên bố: “Chúng tôi không tin là có thể sống chung với kẻ thù”.

Có phải Hamas chỉ là một tổ chức khủng bố?

Xin khẳng định ngay là Không! Theo ước tính, ngân sách hàng năm của tổ chức này vào khoảng 70 triệu USD. Hamas không chỉ dùng số tiền này cho các hoạt động quân sự mà còn chi cho việc phát triển các dịch vụ xã hội. Hamas còn tài trợ cho các trường học, cô nhi viện, nhà thờ Hồi giáo, các cơ sở y tế, các hoạt động thể thao… Chính một học giả Israel – ông Reuven Paz cũng thừa nhận điều này và cho biết: “có tới 90% hoạt động của Hamas tập trung vào dịch vụ, phúc lợi xã hội, văn hoá và giáo dục…”. Một tổ chức nắm quyền mà chỉ tập trung 10% vào các hoạt động vũ trang thì không phải là một tổ chức khủng bố.

Quy mô của Hamas như thế nào?

Không ai biết chính xác con số các tay súng cũng như người ủng hộ của Hamas. Các nguồn tin tình báo cũng chỉ ước tính Hamas có hàng ngàn tay súng và hàng ngàn người ủng hộ. Chính điều này làm cho Hamas càng thêm bí ẩn. Đó là còn chưa kể tới rất đông những người có cảm tình với Hamas. Có thể thấy rõ điều này qua sự so sánh sau đây. Nếu như ngày 22/3/2004, có tới hơn 200 ngàn người tới dự đám tang của Tổng thống Arafat, thì vào ngày 18/4 cùng năm cũng có số lượng người tương tự tới truy điệu Abdel Aziz Rantisi - một nhà lãnh đạo và là một trong những người sáng lập Hamas.

Nguồn tài chính của Hamas từ đâu?

Phần lớn nguồn tiền của Hamas là từ các nhà tài trợ Palestine đang sinh sống tại Arab Saudi và một số nước thuộc Vùng Vịnh. Ngoài ra, một số Chính phủ ở Trung Đông cũng tài trợ cho các hoạt động xã hội của Hamas, có nước tài trợ lên tới khoảng 20 - 30 triệu USD/năm. Bên cạnh đó, một số các tổ chức Hồi giáo từ thiện tại Mỹ, Canada và một số nước Phương Tây khác cũng đóng góp tài chính cho Hamas. E ngại trước sự lớn mạnh của Hamas, năm 2001, Chính phủ Mỹ của Tổng thống Bush đã ra lệnh đóng băng tài sản của một số tổ chức bị nghi ngờ có tài trợ cho Hamas.

Hamas tiến hành những vụ tấn công nào?

Tổ chức này bị nghi ngờ tiến hành hơn 450 cuộc tấn công khủng bố khiến hơn 600 người thiệt mạng từ năm 1993 đến nay. Hamas không chỉ đánh bom liều chết mà còn công nhận đã tiến hành các vụ đặt bom, bắn rocket, vũ khí cầm tay. Từ năm 2001 - 2003, Hamas cùng tổ chức Hồi giáo Jihad tiến hành một loạt các vụ tấn công nhằm vào Israel. Điều này dẫn đến việc Chính phủ Israel quyết định xây dựng bức tường ngăn giữa nước này và lãnh thổ Palestine.

Hamas tuyển mộ và huấn luyện người đánh bom liều chết như thế nào?

Tổ chức này chủ yếu nhằm vào các đối tượng là thanh thiếu niên, đặc biệt là các thanh thiếu niên có dấu hiệu tâm lý bất thường. Điểm chung nhất của các đối tượng này là lòng căm thù đối với Israel. Sau khi được tuyển mộ, các đối tượng này được huấn luyện kỹ càng về kỹ thuật sử dụng vũ khí, chất nổ.

Đặc biệt, họ được tăng cường lòng tin về tôn giáo, tin tưởng một cách nhiệt thành rằng hành động của họ là hành động thần thánh, một sự hy sinh cao cả. Một tuần trước khi đánh bom, các đối tượng bị giám sát một cách chặt chẽ. Họ thường tự thu một đoạn băng video của chính mình và xem đi xem lại đoạn băng này để lấy thêm lòng tin và sự can đảm.

Họ cũng tin rằng cái chết của họ không hề đau đớn và sau khi chết, trên thiên đàng có nhiều trinh nữ xinh đẹp như mơ chờ đón họ. Sau khi vụ đánh bom diễn ra, gia đình của người đánh bom được trả khoảng 3000 - 5000USD và cái chết của họ được mô tả là một sự hy sinh thần thánh. Theo kết quả điều tra tình báo, chi phí cho một vụ đánh bom liều chết vào khoảng 150USD.

Hiện nay, với sự cứng rắn trong chính sách của mình, Hamas được coi là nguy cơ và mục tiêu số một của Israel. Cuộc tấn công vào dải Gaza không chỉ là con bài chính trị mà các ứng cử viên quyền lực của Israel áp dụng để lấy lòng cử tri trước thềm các cuộc bầu cử mà nó còn có một mục tiêu thực sự là tiêu diệt sức đề kháng của Hamas. Sau khi Israel đơn phương tuyên bố ngừng bắn vào năm 2012 thì Hamas cũng quyết định tạm thời đình chiến, máu lửa chiến tranh tại dải Gaza đã tạm thời lắng dịu.

Tuy nhiên, quân đội Israel vẫn đang tiếp tục có mặt tại dải Gaza và chiến sự lẻ tẻ vẫn đang diễn ra đây đó trên miền đất bị tàn phá ghê gớm này. Với sự không khoan nhượng của cả Israel lẫn Hamas, dư luận lo ngại rằng tất cả chỉ mang tính thời điểm vì một lý do chính trị, kinh tế hoặc ngoại giao nào đó, còn về tư tưởng, chính kiến, sự xung đột đến mức “không đội trời chung” giữa Israel và Hamas được coi là ngòi cháy chậm cho “thùng thuốc súng Trung Đông”. Và, như những kinh nghiệm đã có tiền lệ, sự bùng phát của nó sẽ không hề có dấu hiệu báo trước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên