“Vành đai và Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc là gì?

VOV.VN - Sáng kiến “Vành đai và Con đường” là một dự án khổng lồ đầy tham vọng, hứa hẹn mang lại lợi ích cho nhiều nước nếu thành công.

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc lấy cảm hứng từ Con đường Tơ lụa xưa, đó là hệ thống các tuyến đường buôn bán cách đây nhiều thế kỷ giữa châu Âu và châu Á, giữa Đông và Tây.

Đây là một sáng kiến thương mại, một chiến lược kết nối kinh tế khổng lồ, thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước, các khu vực, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả văn hóa, xã hội.

Giấc mộng Trung Hoa

“Vành đai và Con đường” được coi là đứa con tinh thần của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và là chính sách đối ngoại quan trọng nhất của nhà lãnh đạo này cho tới nay. Ông Tập gọi đây là “dự án thế kỷ”.

Qua sáng kiến này có thể thấy ông Tập theo đuổi đường lối đối ngoại chủ động, thoát khỏi tư tưởng đối ngoại “giấu mình chờ thời” và “tránh đi tiên phong” của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trước đây.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif tại Diễn đàn "Vành đai và Con đường" tháng 5/2017. Ảnh: Reuters.

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (tiếng Hán gọi là "Nhất Đới, Nhất Lộ") gồm 2 vế: Vành đai kinh tế trên bộ và Con đường Tơ lụa trên biển. Vành đai trên bộ gồm khu vực Con đường Tơ lụa xưa và bộ phận mở rộng, với 6 hành lang lớn, kết nối châu Âu và Trung Quốc.

Toàn bộ “Vành đai và Con đường” kết nối Đông Á, Trung Á, Trung Đông, Bắc Phi và châu Âu. Riêng Con đường Tơ lụa trên biển kết nối bờ biển Trung Quốc với châu Âu qua Biển Đông, Ấn Độ Dương và đi từ bờ biển Trung Quốc qua Biển Đông ra Nam Thái Bình Dương.

Dự án “Con đường Tơ lụa” hiện đại tập trung vào xây dựng hạ tầng đường bộ, đường sắt và đường biển, đường hàng không, đường ống dẫn dầu, đường dây điện, và hệ thống viễn thông để tăng cường kết nối liên khu vực.

Khái niệm “Vành đai” được ông Tập giới thiệu lần đầu vào tháng 9/2013 khi nhà lãnh đạo Trung Quốc này đi thăm quốc gia Trung Á là Kazakhstan. Phát biểu tại Đại học Nazarbayev, ông Tập đề nghị Trung Á hợp tác với Trung Quốc để xây dựng một Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa.

Đến tháng 10/2013, ông Tập đề xuất xây dựng quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc và khối ASEAN, đồng thời đưa ra các gợi ý về một Con đường Tơ lụa trên Biển của thế kỷ 21.

Phát biểu tại quốc hội Indonesia khi đó, ông Tập đề xuất lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) để cung cấp tài chính cho xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy kết nối khu vực và hội nhập kinh tế.

Tháng 2/2014, Tập Cận Bình và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đạt được sự đồng thuận về xây dựng “Vành đai và Con đường” và về kết nối hệ thống này với hệ thống đường sắt Âu-Á của Nga.

Tháng 5/2014, giai đoạn đầu của một trung tâm logistics do Trung Quốc và Kazakhstan cùng xây dựng đã đi vào hoạt động tại Liên Vân Cảng ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Trung tâm này là điểm trung chuyển lý tưởng cho hàng hóa các nước Trung Á đi ra thị trường nước ngoài.

Tháng 10/2014, 21 nước châu Á tự nguyện tham gia AIIB với tư cách là quốc gia sáng lập. Họ ký Bản ghi nhớ về thành lập AIIB. (Ngân hàng này thành lập chính thức vào cuối năm 2015.)

Tháng 11/2014, Chủ tịch Tập Cận Bình công bố Trung Quốc đóng góp 40 tỷ USD để lập ra Quỹ Con đường Tơ lụa.

Tháng 12/2014 Thái Lan phê chuẩn dự thảo Bản ghi nhớ giữa Thái Lan và Trung Quốc về hợp tác đường sắt.

Tháng 1/2015, số lượng nước thành viên của AIIB tăng lên thành 26 nước.

Và trong 2 ngày 14-15/5/2017 vừa qua đã diễn ra Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Sự kiện có sự tham dự của khoảng 30 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ cũng như phái đoàn của hơn 100 nước nữa.

Thành ý của Trung Quốc?

Tháng 3/2015, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bác bỏ mọi sự so sánh sáng kiến này với Kế hoạch Marshall do Mỹ tài trợ sau Thế chiến 2. Ông Vương khi đó nói rằng sáng kiến này là sản phẩm của hợp tác, chứ không phải là công cụ địa chính trị và “không nên được nhìn nhận bằng não trạng Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời”.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định rằng mục tiêu của sáng kiến “Vành đai và Con đường” là xây dựng quan hệ đối tác chứ không phải là liên minh.

Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh rằng “Vành đai và Con đường” rộng mở với mọi đối tượng, hướng tới cải thiện cơ sở hạ tầng dọc theo tuyến đường lớn này, đem lại lợi ích cho người dân địa phương.

Họ cũng khẳng định “không bao giờ ép bất cứ quốc gia nào tham gia vào sáng kiến Vành đai và Con đường nếu như nước đó thấy quá hoài nghi và lo lắng”.

Trung Quốc hăm hở với dự án khổng lồ này. Họ hiện đang rót khoảng 150 tỷ USD mỗi năm vào các dự án liên quan ở 68 nước tham gia Đại sáng kiến liên kết kinh tế này.

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” liên quan tới 65% dân số thế giới, 1/3 GDP toàn cầu và vận chuyển 1/4 hàng hóa và dịch vụ thế giới. Trung Quốc có sức mạnh tài chính để xây dựng cơ sở hạ tầng, trong khi nhiều nước thực sự khát vốn và việc làm.

Trong sáng kiến lớn này, Trung Quốc tỏ ra thực dụng cao, thiên về kinh tế, có lẽ cũng giống đường lối mà họ theo đuổi ở châu Phi và châu Mỹ Latin.

Thời gian 4 năm (từ năm 2013 đến nay) là không nhiều cho một dự án “siêu khủng” như thế này. Và hiện vẫn còn sớm để khẳng định dự án thành công hay thất bại. Nhưng nếu thành công, sáng kiến này chắc chắn sẽ đem lại lợi ích kinh tế to lớn cho Trung Quốc, giúp nước này mở rộng thị trường cho hàng hóa và công nghệ của họ.

Về đối nội, Trung Quốc mong muốn thúc đẩy kinh tế của những vùng nghèo khó như Tân Cương, từ đó hạn chế tình trạng bất ổn, bạo lực, khủng bố và ly khai.

Nhưng khi làm được như vậy, Trung Quốc sẽ tất yếu có điều kiện gia tăng ảnh hưởng chính trị dọc theo các hành lang kinh tế này. Thực thi “Vành đai và Con đường” mang lại cho Trung Quốc cơ hội cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ, hiện đang chú trọng nhiều vào vấn đề đối nội. Một số nhà quan sát không loại trừ hoàn toàn yếu tố tham vọng địa chính trị, muốn khôi phục sức mạnh xưa trên trường quốc tế, làm Trung Quốc “vĩ đại” trở lại.

Tuy nhiên vẫn có ít nhất một vướng mắc lớn: Con đường Tơ lụa trên biển dính dáng đến điểm nóng Biển Đông với nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Bản thân Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn thường thề không bao giờ hy sinh “lợi ích cốt lõi” của nước ông trong vấn đề này.

Thái độ của các nước

Trước đề xuất “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, nhiều nước tỏ ra hào hứng và ủng hộ, nhưng cũng không ít nước dè dặt và cảnh giác. Bản thân Trung Quốc ý thức được những hoài nghi và do dự đó và đang tích cực tìm cách thuyết phục các nước tin vào đại dự án này.

Dự Diễn đàn cấp cao “Vành đai và Con đường” ở Bắc Kinh mới đây, cả Thủ tướng Pakistan Sharif và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đều ca ngợi sáng kiến này là công cụ mạnh mẽ để loại trừ chủ nghĩa khủng bố.

Nga lo ngại mất ảnh hưởng ở vùng Trung Á (trước sự xâm nhập của Trung Quốc) nhưng hiện nay năng lực tài chính của Nga có hạn, họ lại vướng vào căng thẳng với Ukraine và hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây nên về cơ bản Nga cũng xuôi theo dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Ít có lãnh đạo phương Tây tham dự Diễn đàn cấp cao “Vành đai và Con đường” ở Bắc Kinh. Tổng thống Mỹ Trump không tham dự. Thủ tướng Đức Merkel đã từ chối lời mời. Duy nhất một đại diện đứng đầu chính phủ một nước trong khối G7 - Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni tham dự sự kiện.

Bộ trưởng Kinh tế Đức hôm 14/5 cho biết nước bà và các nước EU khác sẽ không ký tuyên bố thương mại chung tại Diễn đàn “Vành đai và Con đường” nếu như họ không nhận được bảo đảm từ phía Trung Quốc về tự do thương mại, bảo vệ môi trường và điều kiện lao động.

Ấn Độ thì tẩy chay ra mặt Diễn đàn hợp tác quốc tế cấp cao “Vành đai và Con đường”. Ấn Độ không hài lòng với Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) do liên quan đến lãnh thổ tranh chấp Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan. Trên thực tế Trung Quốc đã triển khai hàng chục ngàn nhân viên an ninh để bảo vệ các dự án dọc theo tuyến CPEC này.

Ấn Độ cảnh giác cao độ, xem sáng kiến “Vành đai và Con đường” là “hỏa mù” để Trung Quốc che giấu tham vọng giành quyền kiểm soát chiến lược đối với Ấn Độ Dương. Ấn Độ cũng lo ngại Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở các nước Nam Á láng giềng của Ấn Độ, và nguy cơ các nước bị lệ thuộc vào đồng vốn của Bắc Kinh.

Cả Nhật Bản và Mỹ đều đã từ chối tham gia Ngân hàng Đầu từ Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Trước các động thái của Trung Quốc, Nhật Bản đã cạnh tranh lại bằng cam kết (vào năm 2015) chi 110 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Á trong 5 năm tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vì sao phương Tây sợ Trung Quốc ở châu Phi?
Vì sao phương Tây sợ Trung Quốc ở châu Phi?

(VOV) - Không phải đến bây giờ phương Tây mới đưa ra những cáo buộc về sự hiện diện của Trung Quốc tại Lục địa Đen.

Vì sao phương Tây sợ Trung Quốc ở châu Phi?

Vì sao phương Tây sợ Trung Quốc ở châu Phi?

(VOV) - Không phải đến bây giờ phương Tây mới đưa ra những cáo buộc về sự hiện diện của Trung Quốc tại Lục địa Đen.

Trung Quốc đang “hất cẳng” Mỹ ở châu Mỹ Latin
Trung Quốc đang “hất cẳng” Mỹ ở châu Mỹ Latin

VOV.VN - Nối tiếp thành công ở châu Phi, Trung Quốc đang tích cực mở rộng thế lực về mọi mặt ngay trên “sân sau” của siêu cường Mỹ.

Trung Quốc đang “hất cẳng” Mỹ ở châu Mỹ Latin

Trung Quốc đang “hất cẳng” Mỹ ở châu Mỹ Latin

VOV.VN - Nối tiếp thành công ở châu Phi, Trung Quốc đang tích cực mở rộng thế lực về mọi mặt ngay trên “sân sau” của siêu cường Mỹ.

Khai mạc Diễn đàn hợp tác cấp cao “Vành đai và con đường”
Khai mạc Diễn đàn hợp tác cấp cao “Vành đai và con đường”

VOV.VN - Sáng 14/5, Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đại và con đường” chính thức khai mạc tại Bắc Kinh, Trung Quốc

Khai mạc Diễn đàn hợp tác cấp cao “Vành đai và con đường”

Khai mạc Diễn đàn hợp tác cấp cao “Vành đai và con đường”

VOV.VN - Sáng 14/5, Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đại và con đường” chính thức khai mạc tại Bắc Kinh, Trung Quốc

“Thế trận” khôn khéo của Trung Quốc tại châu Phi
“Thế trận” khôn khéo của Trung Quốc tại châu Phi

(VOV) - Phương Tây "tố" Trung Quốc thực hành chế độ “thực dân kiểu mới” ở châu Phi. Thực chất quan hệ Trung Quốc và lục địa đen ra sao?

“Thế trận” khôn khéo của Trung Quốc tại châu Phi

“Thế trận” khôn khéo của Trung Quốc tại châu Phi

(VOV) - Phương Tây "tố" Trung Quốc thực hành chế độ “thực dân kiểu mới” ở châu Phi. Thực chất quan hệ Trung Quốc và lục địa đen ra sao?

Liệu nhà máy Trung Quốc có gây ô nhiễm nặng cho Viễn Đông Nga?
Liệu nhà máy Trung Quốc có gây ô nhiễm nặng cho Viễn Đông Nga?

VOV.VN - Trung Quốc đang chuyển dần các cơ sở sản xuất ra nước ngoài, trong đó có vùng Viễn Đông Nga. Nước Nga xử sự ra sao trước nguy cơ ô nhiễm?

Liệu nhà máy Trung Quốc có gây ô nhiễm nặng cho Viễn Đông Nga?

Liệu nhà máy Trung Quốc có gây ô nhiễm nặng cho Viễn Đông Nga?

VOV.VN - Trung Quốc đang chuyển dần các cơ sở sản xuất ra nước ngoài, trong đó có vùng Viễn Đông Nga. Nước Nga xử sự ra sao trước nguy cơ ô nhiễm?