Hội nghị biến đổi khí hậu: Chia rẽ từ ngày đầu thảo luận

(VOV) - Mỹ vẫn khẳng định sẽ không cắt giảm nhiều hơn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính như đã cam kết trước đó.

Ngày 27/11, Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 18) tại Qatar bước sang ngày thảo luận thứ 2.

Nhằm đối phó với những lời chỉ trích từ nước nghèo, ngay từ ngày khai mạc đầu tiên, Mỹ tuyên bố đạt được những bước tiến lớn trong việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhưng vẫn kiên quyết phản đối việc cắt giảm nhiều hơn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020.

Những tuyên bố của Mỹ trong ngày đầu hội nghị báo hiệu 2 tuần thảo luận đầy khó khăn, khi Trung Quốc vẫn yêu cầu các nước phát triển phải đóng vai trò lớn hơn trong việc đối phó với ấm nóng toàn cầu.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần này hy vọng sẽ dựa trên nền tảng các cuộc đàm phán năm ngoái tại Nam Phi, nơi gần 200 quốc gia đã đồng ý khởi động lại cuộc đàm phán với một thời hạn chót là năm 2015 để thông qua hiệp ước mới và gia hạn Nghị định thư Kyoto. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ có Liên minh châu Âu và một số ít các quốc gia khác - những nước chiếm ít hơn 15% lượng khí thải toàn cầu tuyên bố sẵn sàng thực hiện các cam kết đó.

Nhà đàm phán của Liên minh châu Âu Artur Runge Metzger cho biết: “Chúng tôi đang trong quá trình thực hiện các mục tiêu giảm 20% lượng khí thải vào năm 2020. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang thảo luận các biện pháp để có thể giúp chúng tôi có thể vượt qua được mục tiêu này vào năm 2020”.

Các đại biểu tham dự hội nghị lần này hi vọng tăng số tiền đóng góp hàng tỉ USD để giúp các nước nghèo đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu (Ảnh: AP)

Trong khi đó, Mỹ - nước đóng vai trò quan trọng giúp đảm bảo sự thành công của hội nghị lần này vẫn khẳng định sẽ không cắt giảm nhiều hơn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính như đã cam kết trước đó. Nhà đàm phán Mỹ Jonathan Pershing nhấn mạnh, mặc dù không tham gia các cam kết cùng với những nước phát triển nhưng Mỹ đã thực hiện rất tốt các nhiệm vụ đối phó với ấm nóng toàn cầu, như đầu tư nhiều vào năng lượng sạch, sử dụng năng lượng một cách hiệu quả và giảm khí thải. Vì vậy, Mỹ sẽ không cắt giảm nhiều hơn so với cam kết cắt giảm 17% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020 so với mức năm 2005. 

Tuyên bố này ngay lập tức vấp phải sự phản đối của nhiều nước. Đại diện cho liên minh các quốc gia đang phát triển (G77), Trưởng đoàn đàm phán về biến đổi khí hậu của Trung Quốc kêu gọi các nước giàu nên trở thành thành viên của một Nghị định thư Kyoto được gia hạn.

Các đại biểu tham dự hội nghị lần này cũng hy vọng tăng số tiền đóng góp hàng tỉ USD để giúp các nước nghèo đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu. Trước thềm COP 18, dư luận cho rằng không nên đặt nhiều kỳ vọng vào hội nghị lần này, bởi các quốc gia đang trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế nên những yêu cầu đóng góp thêm tiền hoặc cắt giảm khí thải là điều khó thực hiện. Nhưng đoàn đàm phán Liên minh châu Âu khẳng định sẽ vẫn giữ cam kết của khu vực đối với các nước nghèo.

Nhà đàm phán Theodoulos Mesimeris cho biết: “Tôi xin khẳng định lại rằng EU và các nước thành viên sẽ đáp ứng các cam kết cung cấp 7,2 tỉ Euro cho những nước đang phát triển vào cuối năm nay. Đây là những nỗ lực của chúng tôi bất chấp những khó khăn và thử thách mà khu vực đang phải đối mặt”.

Tiến trình thương lượng về chống biến đổi khí hậu đã kéo dài nhiều năm qua nhưng chưa đạt được mục đích chính, các cuộc đối thoại diễn ra khá chậm và phải đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều. Hội nghị COP-18 lần này cũng không phải là ngoại lệ, khi ngay trong ngày khai mạc đầu tiên những bất đồng muôn thủa về lợi ích quốc gia vẫn đang được đặt lên trên lợi ích toàn cầu.

Trong bối cảnh thảm họa thiên nhiên xuất hiện ngày càng nhiều gây thiệt hại nặng nề về người và của, thế giới vẫn tiếp tục hy vọng, trong những ngày sắp tới của hội nghị, sẽ cho ra đời một thỏa thuận quốc tế mới về chống biến đổi khí hậu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

COP17 đạt thỏa thuận mang tính cột mốc lịch sử
COP17 đạt thỏa thuận mang tính cột mốc lịch sử

Sẽ có hàng chục nghìn tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo để cải thiện các điều kiện khí hậu và hướng tới nền kinh tế thải ra ít khí cacbon.  

COP17 đạt thỏa thuận mang tính cột mốc lịch sử

COP17 đạt thỏa thuận mang tính cột mốc lịch sử

Sẽ có hàng chục nghìn tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo để cải thiện các điều kiện khí hậu và hướng tới nền kinh tế thải ra ít khí cacbon.