Hy Lạp nhất trí cắt giảm chi tiêu công

Mục tiêu của việc cắt giảm nhằm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế Hy Lạp thông qua việc điều chỉnh phúc lợi xã hội

Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos ngày 5/2 cho biết, người đứng đầu liên minh đảng chính trị cầm quyền Hy Lạp đã đồng ý cắt giảm các khoản chi tiêu công trị giá 1,5% tổng sản phẩm quốc nội của nước này trong năm nay, kể cả việc cắt giảm lương và các chi phí lao động ngoài lương khác.

Thông cáo đưa ra sau cuộc họp nêu rõ, việc cắt giảm này nhằm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế Hy Lạp thông qua việc điều chỉnh phúc lợi xã hội như giảm lương và các chi phí lao động ngoài lương.

Các biện pháp cắt giảm chi tiêu này cũng sẽ góp phần tạo công ăn việc làm và thúc đẩy các hoạt động kinh tế của nước này cũng như tái vốn hóa cho hoạt động của các ngân hàng tại Hy Lạp.

Tuy nhiên, thông cáo không nêu rõ việc cắt giảm đối với chi phí tiền lượng này sẽ diễn ra như thế nào.

Dự kiến cuộc họp sẽ được tiếp tục trong ngày 6/2 nhằm đưa ra một kết luận chính thức về gói cứu trợ thứ 2 dành cho Hy Lạp.

Hy Lạp sẽ phải trả lời “các nhà tài trợ” nhằm đổi lấy khoản cứu trợ mới vào lúc 10 giờ GMT, tức 17 giờ chiều 6/2 theo giờ Việt Nam.

Trong khi đó, một số nghiệp đoàn lớn của Hy Lạp đã có phản ứng cho biết, trong vòng 24 giờ tới sẽ biểu tình phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ.

Theo thỏa thuận đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu tháng 10/2011, để được giải ngân các khoản cứu trợ tiếp theo trong gói cứu trợ thứ nhất từ Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cũng như được thông qua gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro từ 2 thể chế này, Hy Lạp phải thuyết phục các chủ nợ xóa 100 tỷ euro trong tổng số nợ 350 tỷ euro của nước này, đồng thời triển khai một chương trình điều chỉnh kinh tế mới.

Về tình hình tài chính hiện nay của Hy Lạp, quốc gia này sẽ vỡ nợ nếu không được giải ngân khoản cứu trợ mới trong gói cứu trợ thứ nhất trước ngày 20/3 tới để có tiền thanh toán khoản nợ trái phiếu chính phủ lên tới hơn 14 tỷ euro đáo hạn vào thời điểm này.

Chưa kể chương trình hoán đổi nợ, đổi nợ cũ lấy trái phiếu mới, có thể tạo ra một sự thiếu hụt lên tới 15 tỷ euro nếu Hy Lạp phải đáp ứng mục tiêu Quỹ Tiền tệ Quốc tế đặt ra là duy trì nợ công ở mức có thể chống đỡ được./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên