IMF bổ sung thêm gói cứu trợ cho Hy Lạp

Hy Lạp vừa tiếp nhận thêm tin vui khi IMF tuyên bố dành một chương trình cứu trợ mới trị giá 28 tỷ euro, đồng thời khẳng định quốc gia này sẽ thoát khỏi suy thoái vào cuối năm 2013.

Chương trình mới của IMF kéo dài trong 4 năm sẽ bổ sung cho gói cứu trợ công trị giá 130 tỷ euro mà EU mới thông qua cho Hy Lạp. Cụ thể, ngay vào lúc này, Athens có thể rút 1,65 tỷ euro từ khoản cứu trợ mới của IMF và số tiền còn lại sẽ được giải ngân dần dần sau các bước và thủ tục cần thiết.

Hy Lạp được IMF bật đèn xanh với gói cứu trợ mới sau nhiều tháng thương lượng, song song với các cuộc đàm phán về gói cứu trợ thứ hai của EU. Khoản cứu trợ mới của IMF đặc biệt có ý nghĩa bởi nó cùng gói cứu trợ thứ 2 của EU là cơ sở củng cố lòng tin của dư luận vốn lạc quan thận trọng về khả năng Hy Lạp thoát khỏi bờ vực phá sản. Thêm nữa, IMF còn khẳng định tình trạng suy thoái kinh tế của Hy Lạp sẽ chấm dứt vào cuối năm 2013.

Người đứng đầu nhóm công tác về Hy Lạp Horst Reichenbach lạc quan đánh giá: “Sự tham gia của khu vực tư nhân, việc hoán đổi nợ và các cuộc thương lượng về chương trình cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp đã xóa đi một số lo ngại và hoài nghi về sự phát triển của Hy Lạp. Và bây giờ có thể có một sự khởi đầu mới”. 

Cụ thể báo cáo thứ hai của nhóm công tác về Hy Lạp (gồm 45 cán bộ cấp cao của EU và các chuyên gia kỹ thuật của các nước thành viên gửi đến Hy Lạp) cho thấy Hy Lạp đã vượt hơn 2 lần mục tiêu thu khoảng 400 triệu euro tiền thuế vào năm ngoái và con số thực tế lên tới 946 triệu euro.

Mặc dù vậy, Giám đốc Văn phòng IMF tại Hy Lạp Poul Thomsen cũng nhấn mạnh, Hy Lạp phải có thêm nhiều tiến bộ hơn nữa trong cải cách và xử lý vấn đề nợ, thúc đẩy tăng trưởng và việc làm, thì mới nhận được hết số tiền do IMF cam kết. Đặc biệt, những tiến bộ này phải rõ ràng và vượt hơn so với những gì Hy Lạp đã làm trong năm 2011.

Cũng có không ít ý kiến trong dư luận Hy Lạp cho rằng việc dựa nhiều và EU và IMF sẽ làm mất một phần “chủ quyền” quốc gia. Song ông Costas Botopoulos, Chủ tịch Ủy ban vốn thị trường của Hy Lạp đã bác bỏ điều này: Tôi tin rằng việc nhờ cậy đến EU và IMF dĩ nhiên, Hy Lạp phải thực hiện một chương trình cải cách và thắt lưng buộc bụng. Đây là một sự thỏa hiệp chính trị không phải là quá tồi tệ đối với Hy Lạp. Tôi nghĩ rằng chủ quyền một quốc gia chỉ được đảm bảo toàn vẹn khi đất nước, nền kinh tế quốc gia có sức mạnh của mình”.

Thông báo từ IMF đến với Hy Lạp chỉ 1 ngày sau khi hãng xếp hạng Fitch nâng bậc tín nhiệm cho nước này từ mức “vỡ nợ hạn chế” lên “B-”, đồng thời đánh giá triển vọng ổn định sau khi Hy Lạp kết thúc thành công chương trình hoán đổi trái phiếu. Thêm nữa, ngân hàng Pháp Credit Agricole vừa tuyên bố sẽ cấp khoản vay 415 triệu euro cho các công ty công của Hy Lạp trong quý 1 này thông qua ngân hàng chi nhánh tại Hy Lạp Emporiki.

Nhiều tin tốt lành dồn dập đến với Hy Lạp làm vững lòng các nhà đầu tư về triển vọng vượt qua khủng hoảng của quốc gia này. Tuy nhiên, mục tiêu của EU và IMF là đưa tỷ lệ nợ công của Hy Lạp xuống còn 120% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2020 vẫn bị coi là “rất nhạy cảm” với mục tiêu thắt chặt tài khóa và tăng trưởng kinh tế”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên