Indonesia kiên quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông
VOV.VN - Ngày 1/1/2020, Bộ Ngoại giao Indonesia tuyên bố kiên quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Indonesia khẳng định lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố vẫn thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia, những tuyên bố về chủ quyền một cách "đơn phương" của Trung Quốc trên biển Đông là không có cơ sở pháp lý và chưa bao giờ được luật pháp quốc tế công nhận.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Indonesia được đưa ra sau phản ứng của Trung Quốc bác bỏ việc Indonesia cáo buộc các tàu cá Trung Quốc xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển Natuna, quần đảo Riau của Indonesia ngày 30/12/2019. Bắc Kinh khẳng định rằng họ có chủ quyền ở khu vực Biển Đông, gần vùng biển Natuna và tàu của họ có thể tự do đi lại trong khu vực này.
Vùng biển Natuna, thuộc quần đảo Riau của Indonesia (Ảnh: CNN) |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng nhấn mạnh rằng Trung Quốc có chủ quyền ở Biển Đông vì ngư dân của họ từ lâu đã đánh bắt cá ở vùng biển này. Trung Quốc cho biết con tàu di chuyển trong khu vực biển này thời gian gần đây là tàu bảo vệ biển Trung Quốc đang thực hiện các cuộc tuần tra thường lệ.
Phản ứng với hành vi ngang ngược của Trung Quốc, Bộ Ngoại Giao Indonesia đã lập tức triệu Đại sứ Trung Quốc tại Jakarta để phản đối và tuyên bố không công nhận "đường chín đoạn" mà Trung Quốc đề ra.
Trong tuyên bố của mình, Bộ ngoại giao Indonesia cho rằng mặc dù có biên giới trực tiếp với Trung Quốc, nhưng Indonesia không có tranh chấp lãnh thổ và có vùng biển chồng lấn với Trung Quốc ở khu vực này.
Bộ ngoại giao Indonesia cũng nhấn mạnh, Indonesia bác bỏ thuật ngữ về "vùng biển liên quan" được Trung Quốc sử dụng để chỉ khu vực xung quanh vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, đồng thời Indonesia yêu cầu Trung Quốc giải thích "cơ sở pháp lý và ranh giới rõ ràng" về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982./.
Indonesia phản đối mạnh mẽ Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế