Iran phản đối việc loại Syria ra khỏi Tổ chức Hợp tác Hồi giáo

Các bên liên quan vẫn đang thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao đối với vấn đề Syria.

Trong 2 ngày 14 - 15/8, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt tại Mecca (Saudi Arabia), trong đó tập trung thảo luận về cuộc xung đột ở Syria. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình Syria tiếp tục diễn biến phức tạp và đứng trước nguy cơ bị can thiệp từ bên ngoài.

Cuộc họp này diễn ra ngay sau Hội nghị quốc tế về Syria, do Iran chủ trì cho thấy, các nước trong khu vực đang tích cực can dự nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Syria.

Tổng thống Iran Ahmadinejad đã có mặt tại Saudi Arabia tham dự Hội nghị của OIC (Ảnh: Reuters)

Hội nghị Cấp cao đặc biệt của OIC diễn ra trong bối cảnh Iran và Saudi Arabia có lập trường trái ngược nhau về vấn đề Syria. Iran - đồng minh lớn nhất và từng cam kết ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc chiến hiện nay, đã cáo buộc Saudi Arabia, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp vũ khí và tài trợ cho lực lượng đối lập ở Syria.

Trong khi đó, Saudi Arabia là một đồng minh thân cận của Mỹ và là nước ủng hộ lực lượng chống đối người Sunni ở Syria trong nỗ lực lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad.

Hãng thông tấn Fars dẫn lời Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad, đang có mặt tại Saudi Arabia để tham dự Hội nghị, bày tỏ tin tưởng, trong bối cảnh tình hình khu vực Trung Đông và thế giới khá nhạy cảm hiện nay, cuộc họp của OIC tập trung bàn thảo về việc tăng cường sự thống nhất và giảm bớt đối kháng để sớm tìm được giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria.

Đáng chú ý là tại cuộc họp trù bị hôm 13/8, Ngoại trưởng các nước Tổ chức Hợp tác Hồi giáo đã nhất trí “đình chỉ tư cách thành viên của Syria trong tổ chức này”. Ngoại trưởng các nước cũng nhất trí về một dự thảo nghị quyết, trong đó “kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gánh vác trách nhiệm chấm dứt bạo lực và đụng độ đẫm máu tại Syria, tìm ra một giải pháp hòa bình và lâu dài cho cuộc khủng hoảng tại nước này”.

Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi kêu gọi các nước Hồi giáo đoàn kết, nỗ lực góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria: “Khu vực chúng ta đang xảy ra cuộc khủng hoảng tại Syria. Tất cả các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo phải cùng nhau hợp tác nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng này, mang lại hòa bình và ổn định cho người dân Syria và toàn khu vực. Việc đình chỉ tư cách thành viên của Syria trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo là không thích hợp”.

Trong khi đó, tình hình Syria tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường, thậm chí theo nhận định của nhiều nhà phân tích, có thể lặp lại “kịch bản Libya”.

Theo hãng tin Reuters, ông Abdelbaset Sieda, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Syria, nhóm đối lập chính tại Syria, hôm 13/8 kêu gọi quốc tế thiết lập vùng cấm bay ở nước này để bảo vệ thường dân khỏi các cuộc tấn công bằng máy bay và trực thăng của quân đội Chính phủ.

Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang bàn tính đến nhiều giải pháp với Syria, trong đó có việc áp đặt vùng cấm bay tại một số khu vực.

Trong bối cảnh hiện nay, các bên liên quan đang thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao đối với vấn đề Syria. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, ông Bouthaina Shaaban, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Syria al-Assad, sẽ tới Bắc Kinh trong tuần này để thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về tình hình tại Syria.

Vào lúc này, Trung Quốc đang xem xét mời các thành viên của phe đối lập ở Syria sớm tới Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục kêu gọi các bên ở Syria ngừng bắn và tiến hành đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên