Iran thừa nhận nguy cơ chiến tranh hiện hữu

(VOV) - Có nhiều dấu hiệu về hiểm họa xung đột vũ trang bùng nổ giữa Iran và các nước đối nghịch.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran đang lún sâu thêm vào bế tắc khi liên tiếp xuất hiện những động thái và diễn biến khó lường khiến cộng đồng quốc tế lo ngại nguy cơ có thể bùng lên một cuộc chiến tranh ở quốc gia Hồi giáo này.

Phát biểu trước báo giới mới đây, chính Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad thừa nhận, không thể loại trừ khả năng sẽ xảy ra một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran. Nhận định trên của Tổng thống Ahmadinejad hoàn toàn trái ngược với tuyên bố trước đó chưa lâu của chính ông, cho rằng mọi lời đe dọa tấn công quân sự chống lại Tehran đều "không có cơ sở" và rằng không bao giờ có chuyện xảy ra chiến tranh.

Xe tăng Iran (ảnh: Mehr)

Những dấu hiệu khác về mối hiểm họa tiềm ẩn đang có nguy cơ bùng nổ tại khu vực Trung Đông là việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak mới đây đạt được sự đồng thuận trong việc đối phó với Iran, và sự kiện chính quyền Israel nhất trí triển khai thêm lá chắn tên lửa ở Haifa.

Trong khi đó, ngày 21/10 tới, Mỹ và Israel dự kiến sẽ bắt đầu cuộc tập trận chung phòng thủ tên lửa đạn đạo nhằm thể hiện quan hệ quân sự khăng khít giữa hai đồng minh. Cuộc tập trận lớn chưa từng thấy giữa hai nước sẽ thực hiện nhiều kịch bản phòng thủ tên lửa khác nhau nhằm chặn đứng một cuộc tấn công bằng tên lửa giả định của Iran.

Trước tình thế này, Iran cũng đã có những bước chuẩn bị để đối phó với sức ép hay những hành động quân sự có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amad Vahidi, Iran có thể đáp trả bất kỳ mối đe dọa nào nhờ khả năng của các tên lửa hành trình của mình. Trong khi đó, Lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei khẳng định, Iran không đầu hàng trước sức ép quốc tế liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Tổng thống Iran Ahmadinejad cũng khẳng định, Iran sẽ không lùi bước cho dù nước này đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế do các lệnh trừng phạt mà Mỹ và đồng minh sử dụng làm “đòn tâm lý” gây sức ép với nước này.

Mọi người đều biết rằng, quan hệ về thương mại với nước ngoài không thực sự đóng vai trò quá lớn đối với nền kinh tế của Iran, tuy nhiên nó đã được phương Tây sử dụng như một đòn tâm lý chiến, và điều này cũng có những ảnh hưởng sâu rộng tới các thị trường khác./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên