Lo ngại Nga, NATO triển khai lực lượng phản ứng nhanh đến sườn Đông châu Âu
VOV.VN - Lãnh đạo các nước NATO họp thượng đỉnh trực tuyến ngày 25/2 quyết định triển khai thêm một lượng lớn binh lính và khí tài quân sự đến các quốc gia thành viên ở sườn Đông châu Âu trong bối cảnh nguy cơ an ninh tăng cao do xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine.
Theo quyết định được lãnh đạo các nước NATO đưa ra, các thành phần của lực lượng phản ứng nhanh NATO thuộc tất cả các binh chủng hải, lục, không quân sẽ được triển khai thêm đến các quốc gia thành viên NATO ở phía Đông châu Âu, giáp với Nga và Ukraina. Theo Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, đây là lần đầu tiên NATO phải triển khai lực lượng này nhằm mục đích phòng vệ tập thể.
Các quan chức NATO không nêu con số binh lính chính xác sẽ được triển khai nhưng hiện tại, NATO đang duy trì một lực lượng thường trực 40.000 quân, trong đó 8.000 quân thuộc lực lượng tác chiến liên quân cơ động cao có thể được huy động gần như ngay lập tức.
Ngoài lực lượng đặt dưới quyền chỉ huy của NATO, trong ngày 25/2, một số nước thành viên NATO cũng đã thông báo sẽ gửi thêm binh lính và khí tài quân sự đến các nước Đông Âu. Chính phủ Đức cho biết sẽ gửi 1 tiểu đoàn đến Slovakia. Trong khi đó, Pháp tuyên bố gửi 4 máy bay chiến đấu Mirage-2000 và 200 quân đến Estonia để hỗ trợ việc tuần tra không phận các nước Baltic và hội quân cùng lực lượng của Anh và Đan Mạch đang đồn trú tại đây.
Ngoài các động thái chuyển quân nhằm ứng phó với sức ép an ninh từ Nga, tại Thượng đỉnh trực tuyến, các lãnh đạo NATO cũng tiếp tục cho biết sẽ vẫn duy trì chính sách mở cửa của khối này để có thể kết nạp thêm các thành viên trong tương lai, bất chấp nhiều tiếng nói chỉ trích chính sách này là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đổ vỡ quan hệ với Nga và khiến nổ ra cuộc chiến Nga-Ukraine.
Trong các diễn biến khác có liên quan đến khủng hoảng tại Ukraine hiện nay, trong ngày 25/2, các nước EU và Anh tiếp tục công bố thêm các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, trong đó đáng chú ý là việc đóng băng tài sản cá nhân trên đất châu Âu của Tổng thống Nga, Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng biện pháp này chỉ mang tính chất tượng trưng, không có giá trị thực chất.
Đối với cuộc chiến hiện nay tại Ukraine, mặc dù đa số các chính trị gia và chính phủ các nước phương Tây lên tiếng chỉ trích Nga mạnh mẽ nhưng một số học giả và quan chức cũng cho rằng, cuộc chiến này là minh chứng cho thấy nhiều thiết chế an ninh hiện nay tại châu Âu và trên thế giới đã không còn phù hợp với bối cảnh địa chính trị thế giới mới của thế kỷ 21.
Phát biểu sau khi được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mời đến tham vấn trong ngày 25/2, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, người đã phản đối mạnh mẽ việc NATO mở rộng thành viên vào năm 2008, cho rằng, đã đến lúc thế giới phải thay đổi.
“Ngày nay không có thiết chế nào hoạt động hiệu quả. NATO không hiệu quả, G7 không hiệu quả, G20, thiết chế mà tôi đã rất mong đợi, cũng không hiệu quả. Ngay cả Liên Hợp Quốc cũng đang vật vờ giữa sự thờ ơ và bất động. Giờ đã là năm 2022 và đã đến lúc tạo ra các thiết chế mới phù hợp với chủ nghĩa đa phương của thế kỷ 21”, ông Sarkozy nói./.