Nga- Ukraine: thời cơ mới để tăng cường hợp tác

Gia nhập WTO, cánh cửa rộng lớn hơn đã mở ra, tạo thuận lợi cho quan hệ hợp tác giữa 2 quốc gia Nga – Ukraine.

Cuối tuần qua, Tổng thống Nga Vladimia Putin và người đồng cấp Ukraine Viktor Yanukovich đã có cuộc gặp tại thành phố Sochi (Nga). Mục đích của cuộc gặp là nhằm thảo luận về triển vọng hợp tác giữa 2 nước sau khi Nga chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Dường như một cánh cửa rộng lớn hơn đã mở ra, tạo thuận lợi cho quan hệ hợp tác giữa 2 quốc gia láng giềng này và điều đó không chỉ có ý nghĩa song phương, mà còn góp phần vào sự ổn định và thịnh vượng của khu vực Balkan.

Tổng thống Nga Vladimia Putin và người đồng cấp Ukraine Viktor Yanukovich (ảnh: RT)
Hôm 22/8, Nga chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, đến ngày 25/8 diễn ra cuộc gặp của 2 Tổng thống Nga và Ukraine. Chỉ điều đó cũng đủ cho thấy 2 đối tác này đã hào hứng như thế nào trong việc tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới sau khi họ đã chờ đợi khá lâu để cùng đứng trong một “sân chơi chung” của toàn cầu. Có lẽ giờ là lúc cả hai nước muốn nhanh chóng tận dụng những cái hay của luật chơi chung trong WTO để phục vụ mục tiêu thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế của mỗi nước, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

Có thể nói rằng, Nga và Ukraine vốn duy trì mối quan hệ kinh tế gắn bó chặt chẽ từ nhiều năm. Nga là nước nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Ukraine, còn Ukraine hiện giữ vị trí thứ 4 trong danh sách những đối tác kinh tế đối ngoại chủ yếu của Nga, xếp sau Trung Quốc, Hà Lan và Đức, nhưng xếp hàng đầu trong khuôn khổ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).

Năm 2011, kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa Nga và Ukraine đã tăng 36% và đạt mức hơn 50 tỷ USD, cao hơn thời kỳ trước cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu (năm 2008-2009). Các nhà lãnh đạo hai bên kỳ vọng rằng khi cùng là thành viên của WTO, hai nước sẽ dễ dàng hơn trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, từ đó củng cố quan hệ trong các lĩnh vực khác như: năng lượng, giao thông-vận tải, chế tạo máy bay vận tải-dân dụng, đóng tàu, nông nghiệp, tài chính-tín dụng, khoa học-kỹ thuật...

Phía Nga cũng quan tâm đến việc bảo đảm các quyền hợp pháp của các nhà đầu tư Nga tại Ukraine, trong khi Ukraine có thể tranh thủ việc phối hợp với Nga khai thác thị trường ở các nước thứ ba, trước hết tập trung vào các thành viên của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và châu Á.

Như vậy, cánh cửa lớn đã thực sự mở ra, tạo cơ hội cho hợp tác kinh tế - thương mại giữa Nga và Ukraine gặt hái nhiều thành quả hơn nữa trong thời gian tới. Và các nhà lãnh đạo Nga- Ukraine gặp mặt tại thành phố Sochi vào cuối tuần qua cũng là nhằm khẳng định điều này. Tuy nhiên, kinh tế mới là một nửa câu chuyện. Có lẽ dư luận đã rõ hơn về sự gắn kết giữa 2 quốc gia láng giềng này khi Tổng thống Nga Putin tuyên bố, hợp tác trong khuôn khổ WTO sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Nga - Ukraine cả về chiều rộng và chiều sâu.

Trong khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich cũng bày tỏ mong muốn được Moscow giúp đỡ để có thể tham gia vào quá trình liên kết trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Cần phải nhấn mạnh rằng sự gần gũi về mặt chính trị, quân sự giữa 2 nước là không dễ gì có được. Mối quan hệ Nga - Ukraine đã gặp nhiều phen sóng gió do cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yushchenko và đồng minh một thời là cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko mang quan điểm thân phương Tây và xa rời Nga. Tuy nhiên, từ khi Tổng thống Yanuakovich lên nắm quyền tại Ukraine từ năm 2010 tới nay, một luồng gió mới đã thổi vào mối quan hệ Nga - Ukraine giúp hạ nhiệt “cuộc chiến khí đốt”, cũng như những tranh cãi căng thẳng liên quan tới việc Nga thuê lãnh thổ của Ukraine để làm căn cứ quân sự cho Hạm đội Biển Đen. Rõ ràng, đã có sự dịch chuyển trong quan điểm của Ukraine theo hướng xích lại gần Nga hơn bởi hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Ukraine đã chính thức tuyên bố “gác lại” kế hoạch gia nhập EU trong tương lai gần và nay lại tỏ ý quan tâm tới Tổ chức hợp tác Thượng Hải.

Dư luận cho rằng, cái bắt tay chặt hơn giữa Nga và Ukraine không chỉ có ý nghĩa ở phương diện song phương mà còn có giá trị đối với cả khu vực. Dễ thấy, căng thẳng về khí đốt giữa Nga và Ukraine được kiểm soát thì cả châu Âu vơi đi nỗi lo thiếu năng lượng do nguồn cung từ Nga đi qua Ukraine bị gián đoạn. Bên cạnh đó, tình hình an ninh tại khu vực Balkan cũng sẽ yên ổn hơn khi Nga bớt phải “dè chừng” người hàng xóm của mình đi theo phương Tây như trước kia.

Với những mối lợi cả song phương và đa phương dư luận có lý để ủng hộ sự hợp tác chặt chẽ cũng như mối quan hệ phát triển tốt đẹp giữa Nga và Ukraine trong thời gian tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên