Nhật Bản nỗ lực khắc phục hậu quả động đất, sóng thần

10 ngày sau thảm họa cả đất nước Nhật Bản đang khẩn trương khắc phục hậu quả từ thảm kịch thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử này.

Theo số liệu mới nhất của Cơ quan An ninh Quốc gia Nhật Bản cập nhật sáng 21/3, thảm họa kép động đất và sóng thần xảy ra hôm 11/3 vừa qua tại Nhật Bản đã khiến ít nhất 8.649 người thiệt mạng và 12.877 người mất tích.

Riêng ở Miyagi, một tỉnh chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất của động đất sóng thần, các quan chức tỉnh này dự đoán số nạn nhân thiệt mạng trong vùng thậm chí có thể lên tới 15.000 người.

Chính phủ Nhật Bản ngày 20/3 cũng cho biết, hàng cứu trợ từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 25.000 chiếc chăn từ Canada, 30.000 gói cơm ăn liền và 230.000 chai nước từ Hàn Quốc và 500 máy phát điện từ Đài Loan (Trung Quốc) đã được chuyển đến Nhật Bản. 

Công tác tìm kiếm cứu nạn do động đất tại tỉnh Miyagi (Ảnh: AP)

Cùng với nỗ lực giải quyết sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, các nỗ lực cứu trợ nhân đạo cũng đang được khẩn trương tiến hành.

120.000 thành viên các lực lượng dân phòng, cảnh sát và cứu hỏa vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những người có thể còn sống sót trong các đống đổ nát.

Ngày 20/3, lực lượng cứu hộ Nhật Bản đã cứu được 2 người còn sống từ trong đống đổ nát tại thành phố Ishinomaki. Hai con người may mắn ấy là một cụ bà 80 tuổi và một thiếu niên 16 tuổi. 

Trong khi đó, Nhật Bản đã bắt tay vào xây dựng nhà tạm cho hàng trăm ngàn người đang phải chen chúc trong các khu tạm trú. Ông Futosi Toba- Thị trưởng thành phố Rikuzenkata, cho biết những ngôi nhà tạm này có diện tích khoảng 30m2, phù hợp với những gia đình có từ 2- 5 người.

Trong đợt đầu sẽ có khoảng 200 căn nhà như vậy được xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 tới.

Trong bối cảnh toàn thành phố có khoảng 4.000 người cần nhà ở, chính quyền Rikuzenkata đang phải nỗ lực hết sức để có thể đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân.

Tính trên cả nước Nhật Bản có hơn 500.000 người đã phải dời bỏ nhà cửa do thảm họa động đất –sóng thần và mối đe dọa từ sự cố hạt nhân ở Fukushima.

Đến thời điểm này, việc cung ứng xăng dầu cũng đã được khôi phục tại các khu vực ở miền Bắc Nhật Bản, sau khi một trong những đường ống dẫn dầu chính bị hư hỏng sau trận động đất và sóng thần ngày 11/3 vừa qua.

Ông Makoto Shioiri- người đứng đầu Công ty Cosmo, một trong những công ty dầu mỏ lớn nhất của Nhật Bản cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực mang đến nguồn cung xăng dầu ổn định, nhằm giúp đỡ người dân trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại".

Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch cho các doanh nghiệp vay 10.000 tỷ Yên (tương đương 127 triệu USD) để hỗ trợ hoạt động tài chính và khắc phục thiệt hại sau trận động đất.

Theo báo Nickey của Nhật Bản, chính phủ nước này có thể cung cấp tài chính đặc biệt dưới hình thức cho vay lãi suất thấp hoặc trợ cấp thanh toán lãi.

Kinh phí cần thiết để hỗ trợ chương trình này sẽ nằm ngoài ngân sách khẩn cấp.

** Với nỗ lực không mệt mỏi của các chuyên gia hạt nhân Nhật Bản và quốc tế trong hơn 1 tuần vừa qua, các hoạt động ngăn chặn việc rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 đang đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Việc ngăn chặn phóng xạ tại Fukushima 1 đang mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ (Ảnh: Reuters)

Ngày 20/3, các quan chức Nhật Bản đã thông báo với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về một số kết quả tích cực trong việc khắc phục sự cố hạt nhân sau thảm họa kép tại nước này hôm 11/3 vừa qua.

Theo IAEA, lò phản ứng số 5 và số 6 của nhà máy Fukushima số 1 đã ở tình trạng ổn định sau khi hạ nhiệt thành công.

Hiện nhiệt độ và áp suất trong lò đang ở mức thấp. Sáng sớm 21/3, các xe cứu hỏa tiếp tục hoạt động phun nước tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, tiếp tục làm mát bể chứa nhiên liệu của các lò phản ứng hạt nhân. 

Đây là ngày thứ năm liên tiếp các lò phản ứng của nhà máy Fukushima 1 được phun nước làm mát trong một nhiệm vụ chưa từng có của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Mặc dù các hoạt động khắc phục đang diễn ra khá suôn sẻ nhưng IAEA vẫn cảnh báo, tình hình rất nghiêm trọng và cơ quan này sẽ tiếp tục gửi thêm chuyên gia tới Nhật Bản trong mấy ngày tới.

Ông Graham Andrew, một chuyên gia hạt nhân của IAEA cho biết: “Trong những ngày sắp tới, nhóm chuyên gia của IAEA sẽ cùng với các chuyên gia hạt nhân của Nhật Bản tiếp tục kế hoạch đánh giá tình hình. Điều này sẽ giúp công việc hiệu quả và nhanh chóng hơn. IAEA cũng đang tiếp tục gửi các chuyên gia tới Nhật Bản để hỗ trợ cho nước này”.

Hôm nay, Ban giám đốc của IAEA sẽ có cuộc họp tại Vienna (Áo) để thảo luận về cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản.

Hiện một số cơ sở chế dầu tại Nhật Bản đã hoạt động trở lại. Một số cơ sở chế dầu tại thành phố Yokohama vốn tạm ngừng hoạt động để kiểm tra các thiết bị sau trận động đất vùng Đông, Đông Bắc đã hoạt động trở lại sau 10 ngày gián đoạn.

Sự hoạt động trở lại này được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng tại khu vực thủ đô và các vùng bị thiệt hại.

Liên quan tới vấn đề nhiễm phóng xạ, Chính phủ Nhật Bản hôm nay đã khuyến cáo người dân không uống nước từ nguồn nước tại làng Iitatemura, cách nhà máy điện Fukushima số 1 khoảng 40 km, sau khi phát hiện nước nhiễm phóng xạ iondine.

Bộ Y tế nước này cho biết, mức phóng xạ đo được là 965 becquerel/kg iondine phóng xạ. Tuy mức độ này vẫn chưa gây ảnh hưởng ngay lập tức tới sức khỏe con người, song bộ này vẫn yêu cầu người dân phòng ngừa.

Bộ Giáo dục- Khoa học Nhật Bản cũng đã công khai dữ liệu về nồng độ phóng xạ do các địa phương trên toàn quốc báo về trên trang web để người dân có thể cập nhật thông tin nhanh nhất về mức độ phóng xạ trong khu vực sinh sống và đưa ra các biện pháp phòng ngừa./.

Các tin liên quan: Nỗ lực khắc phục sự cố hạt nhân Nhật Bản đang tiến triển
  • Thủ tướng Nhật Bản thị sát khu vực nhà máy điện hạt nhân
  • Nhật Bản: Số người chết tiếp tục tăng
  • Bản lĩnh, sức mạnh Nhật Bản
  • Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên