Nước Mỹ khi thời điểm bỏ phiếu cận kề: Khó đoán định kết quả

(VOV) - Theo nhà phân tích chính trị Mỹ, cũng như mọi kỳ bầu cử khác, tỷ lệ người đi bầu cử đóng vai trò quyết định.

Diễn biến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đến thời điểm này, lợi thế mong manh đang thuộc về đương kim Tổng thống Barack Obama của đảng Dân chủ, song ứng cử viên của đảng Cộng hòa - cựu Thống đốc Mitt Romney chưa hẳn đã hoàn toàn hết cơ hội.

Phóng viên VOV thường trú tại Mỹ phỏng vấn ông Alexander Burns, Biên tập viên cao cấp của trang mạng Politico.com về cán cân giữa hai ứng cử viên trong cuộc đua sít sao này.

Cử tri Miamy, Florida đi bỏ phiếu sớm hôm 27/10 (Ảnh: AFP)

PV: Xin ông đánh giá về tương quan giữa hai ứng cử viên tính đến thời điểm này?

Alexander Burns: Nếu căn cứ kết quả các cuộc thăm dò ý kiến tại những bang “chiến trường” vào thời điểm ngay trước khi bầu cử, Tổng thống Barack Obama sẽ giành thắng lợi sít sao vào ngày 6/11. Trên bình diện cả nước, ông Obama đang dẫn trước ông Romney với khoảng cách rất nhỏ, chỉ từ 1-2% và khoảng cách này nằm trong phạm vi sai sót cho phép của các cuộc thăm dò ý kiến. Với kết quả sát sao như thế này cũng không loại trừ khả năng ông Romney sẽ chiến thắng.

PV: Kinh tế hiện là chủ đề được quan tâm nhất trong cuộc bầu cử lần này. Báo cáo hàng tháng về tình hình việc làm của Bộ Lao động được cho đã có tác động không nhỏ đến cuộc đua giữa hai bên. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Alexander Burns: Yếu tố quan trọng nhất trong cuộc bầu cử năm 2012 chính là vấn đề kinh tế. Ứng cử viên Romney tham gia cuộc đua này với thành tích kinh tế ấn tượng, trong khi Tổng thống Obama lại yếu về lĩnh vực này. Về cơ bản, quan điểm trên cũng có phần đúng, bởi vì kết qủa các cuộc thăm dò dư luận cho thấy không nhiều cử tri ủng hộ Tổng thống Obama trong vấn đề kinh tế và việc làm.

Trong nhiều tháng, giới phân tích đều nhận định tình hình việc làm có thể sẽ làm thay đổi đáng kể cục diện cuộc đua. Có những thời điểm tỷ lệ thất nghiệp lên đến 8,3% và nhiều người đã lập tức nhận định đây là thảm họa đối với Tổng thống Obama. Tương tự, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 7,8%, nhiều người cũng cho rằng đây là tin tức tuyệt vời đối với Tổng thống. Nhưng thực ra những nhận định đó đều có vẻ không chính xác.

Quan điểm của cử tri về kinh tế thực sự đã được định hình từ lâu. Bởi vì, nếu đặt mình vào địa vị một cử tri, bạn sẽ không đánh giá tình hình kinh tế thông qua những con số thống kê đầy trừu tượng của Bộ Lao động mà dựa trên thực tế là các thành viên trong gia đình và hàng xóm của bạn có việc làm hay không, hoặc bạn có đủ tiền để mua những thứ cần thiết không, hay giá nhiên liệu bạn phải trả là bao nhiêu. Tôi cho rằng giới phân tích đã đánh giá quá cao về tác động của báo cáo việc làm đối với cuộc bầu cử lần này.

PV: Không ít người cho rằng Tổng thống Obama đã được hưởng lợi trong cuộc đua nhờ chỉ đạo giải quyết tốt việc ứng phó với siêu bão Sandy. Theo ông nhận định đó có xác đáng?

Alexander Burns: Những ngày gần đây, nhiều người thuộc phe Cộng hòa thừa nhận rằng cơn bão Sandy rất có lợi cho ứng cử viên của phe Dân chủ, không chỉ vì khả năng chỉ đạo ứng phó bão của ông Obama mà còn vì đà chiến thắng mà ông Romney đã tạo dựng được trong cuộc tranh luận thứ nhất bị chững lại.

Trong một tuần liền truyền thông Mỹ chỉ tập trung đưa tin về bão mà không đề cập gì về chiến dịch vận động tranh cử. Nhận định này chưa hẳn đã chính xác, bởi trên thực tế đà chiến thắng của ông Romney đã bị giảm nhiệt trước khi bão Sandy đổ bộ vào nước Mỹ. Sau khi bùng nổ trong vòng tranh luận thứ nhất, ông Romney lại không thể đánh bại Tổng thống Obama trong hai vòng tiếp theo.

Kết quả thăm dò dư luận tại các bang “chiến trường” như Ohio, Wisconsin, Nevada,… cho thấy ông Romney đầu tiên dẫn điểm nhưng sau đó lại tụt dốc, và điều đó đã diễn ra từ trước chứ không phải sau bão Sandy. Theo tôi, những lập luận cho rằng nếu không có bão Sandy tình hình sẽ sáng sủa hơn với ứng cử viên Romney là khá mơ hồ.

PV: Kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, hiện có sự phân cực về sự ủng hộ giữa các nhóm cử tri đối với mỗi bên. Xin ông cho biết đảng Dân chủ hay Cộng hòa đang nắm lợi thế từ sự phân cực này?

Ông Alexander Burns- Biên tập viên cao cấp trang mạng Politico.com


Alexander Burns: Cũng như tất cả các cuộc bầu cử tổng thống trước đây, điều quan trọng nhất là tỷ lệ người đi bầu và câu hỏi lớn đặt ra ở đây là ai sẽ đi bỏ phiếu trong ngày 6/11. Một trong những lý do mà phe Cộng hòa rất tin tưởng vào khả năng chiến thắng là bởi họ tin tỷ lệ cử tri đi bầu cũng tương tự cuộc bầu cử năm 2004, khi ông Bush tái cử.

Bốn năm trước, Tổng thống Obama đã hưởng lợi rất nhiều nhờ tỷ lệ đi bầu cao nhất trong lịch sử của lớp cử tri trẻ, cử tri da màu cũng như những cử tri độc lập và cử tri nữ. Năm nay, có khả năng ông Obama sẽ không thắng lớn, hoặc thậm chí không thắng trong nhóm cử tri độc lập. Nếu ứng cử viên Obama thắng cử thì điều này có nghĩa là ông đã bù đắp được sự thua thiệt về cử tri độc lập bằng cử tri thuộc giới trẻ, phụ nữ độc thân cũng như các cử tri có quan điểm tự do khác.

Trong khi đó, phe Cộng hòa đang đặt cược vào nhóm cử tri da trắng, cử tri có tư tưởng bảo thủ hơn hoặc cử tri có độ tuổi cao hơn, so với nhóm đối tượng này 4 năm về trước. Đó là lý do tại sao phe Cộng hòa đang vận động rất tích cực tại Pensylvania vốn là lãnh địa của đảng Dân chủ nhưng lại có tỷ lệ lớn cử tri da trắng và cử tri độc lập mà ông Romney tin rằng sẽ đứng về phía mình”.

Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Những nỗ lực cuối cùng của các ứng viên Tổng thống Mỹ
Những nỗ lực cuối cùng của các ứng viên Tổng thống Mỹ

(VOV) - Cả hai ứng cử viên đều có một lịch trình vận động dày đặc tại những bang mang tính chất quyết định.

Những nỗ lực cuối cùng của các ứng viên Tổng thống Mỹ

Những nỗ lực cuối cùng của các ứng viên Tổng thống Mỹ

(VOV) - Cả hai ứng cử viên đều có một lịch trình vận động dày đặc tại những bang mang tính chất quyết định.

Nước Mỹ trước giờ G
Nước Mỹ trước giờ G

(VOV) -Ngày 6/11 (theo giờ Washington), nước Mỹ chính thức bước vào sự kiện chính trị quan trọng nhất năm 2012: Bầu cử Tổng thống.

Nước Mỹ trước giờ G

Nước Mỹ trước giờ G

(VOV) -Ngày 6/11 (theo giờ Washington), nước Mỹ chính thức bước vào sự kiện chính trị quan trọng nhất năm 2012: Bầu cử Tổng thống.