Phát huy lợi thế của sông Mekong

Sông Mekong có vai trò quan trọng đối với 6 nước: Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam  

“Mekong là dòng sông quốc tế, tài sản chung vô giá và nguồn sống trực tiếp của hơn 60 triệu người dân trong khu vực. Vì vậy, các dự án phát triển trên dòng sông phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá đầy đủ về tác động đối với an ninh lương thực và an ninh con người.” Đó là tinh thần chung của một hội thảo quốc tế về sông Mekong vừa diễn ra ngày 18/10 tại Phnom Penh, Campuchia.

Đại biểu tham dự hội thảo

“Hội thảo bàn tròn lần thứ hai về sông Mekongvà An ninh Con người” do Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia tổ chức, với sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế về sông Mekong, cùng đại diện một số tổ chức quốc tế và cơ quan ngoại giao các nước khu vực sông Mekong tại Campuchia.

Các tham luận được trình bày tại hội thảo đều nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của dòng sông dài gần 4.900km đối với an ninh lương thực, sinh kế và an ninh con người tại 6 nước dòng sông chảy qua, gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Các đại biểu ghi nhận hiệu quả hợp tác khu vực thời gian qua trong việc chia sẻ nguồn nước và khai thác những tiềm năng kinh tế to lớn từ sông Mekong. Tuy nhiên, thực tế phát triển cũng đòi hỏi chính phủ các nước hai bên bờ sông qua phải có hành động cụ thể nhằm chứng tỏ cam kết hướng tới sự phát triển bền vững lấy con người là trung tâm.

Tại hội thảo, ông Alan Brooks, Giám đốc Trung tâm Nghề cá Thế giới khu vực tiểu vùng Mekong mở rộng dự báo, đến năm 2030, nếu tất cả các dự án xây dựng đập thủy điện trên dòng chảy chính của sông Mekong hoàn thành theo kế hoạch, sông Mekong sẽ mất đi gần 900.000 tấn cá tự nhiên/năm. Đây sẽ thiệt hại vô cùng to lớn về nguồn dinh dưỡng giá rẻ cho 60 triệu người dân sống dọc hai bên dòng sông, đặc biệt là tại Campuchia, nơi có 80% dân số sống nhờ vào nguồn lợi thủy sản từ sông Mekong. 

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ phát biểu tại hội thảo

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, thuộc Trung tâm Phát triển Bền vững Tài nguyên Nước và Thích nghi Biến đổi khí hậu của Việt Nam khẳng định: Việc khai thác tiềm năng kinh tế, năng lượng phục vụ phát triển từ sông Mekong là quyền lợi và nhu cầu chính đáng, cần được tôn trọng của các nước có dòng sông chảy qua. Tuy nhiên, đây phải là sự phát triển bền vững, vì lợi ích chung của tất cả các nước liên quan, không gây hại cho nước khác.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ cho biết, quan điểm của Việt Nam trong vấn đề này là xây dựng các đập thủy điện ở thượng lưu tác động đến các quốc gia khác. Để đi đến quyết định cuối cùng về sự phát triển, bền vững, công bằng và không gây hại, thì phải có những nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên