Quan hệ Mỹ-Nhật: Không thể tránh những va chạm

Vấn đề bức bối nhất hiện nay đối với người dân Nhật Bản là di dời binh lính Mỹ từ căn cứ Futenma.

Ngày 7/11, hơn 2500 người dân ở Okinawa, Nhật Bản đã xuống đường biểu tình phản đối sự hiện dịên của quân đội Mỹ ở khu vực này. Sự việc này cho thấy vấn đề hoạch định lại mối quan hệ đồng minh chiến lược, đặc biệt là về quân sự với Mỹ đang gây nhiều bức xúc cho người dân Nhật Bản. Thêm một diễn biến không mấy tốt lành trước chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Nhìn nhận một cách khách quan, kể từ khi lên nhậm chức, Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama, dù tuyên bố sẽ xây dựng quan hệ “bình đẳng và cân bằng” với Mỹ, nhưng cũng đã cố gắng né tránh những rạn nứt quá đột ngột trong mối quan hệ đồng minh chiến lược với Washington. Tuy nhiên, không thể nào tránh được những va chạm khi Chính phủ Nhật Bản tiến hành xem xét lại một loạt các thoả thuận hợp tác ký với Mỹ, càng không thể tránh những căng thẳng một khi người dân Nhật Bản cảm thấy căm phẫn những rắc rối mà các căn cứ quân sự của Mỹ gây ra.

Vấn đề bức bối nhất hiện nay là vấn đề di dời binh lính Mỹ từ căn cứ Futenma. Theo thoả thuận ký năm 2006 giữa hai bên, căn cứ không quân Futenma của Mỹ sẽ được chuyển từ thị trấn Ginowan thuộc tỉnh Okinawa tới một khu vực thưa dân cư hơn ở Nago cũng thuộc tỉnh này vào năm 2014. Mặc dù vậy, việc thực hiện thỏa thuận này hiện rơi vào thế bế tắc do Thủ tướng Yukio Hatoyama - người vừa lên nắm quyền từ tháng 9/2009 lại ủng hộ việc dời căn cứ Futenma ra khỏi Okinawa và thậm chí ra khỏi lãnh thổ Nhật Bản, để giảm bớt sự hiện diện quân sự Mỹ tại đây. Điều này đã từng được ông khẳng định ngay trong chiến dịch tranh cử vào chiếc ghế Thủ tướng. Người dân Nhật Bản rất mong đợi nhà lãnh đạo chính phủ mới thực hiện đúng cam kết này.

Tuy nhiên, mới đây, trước sức ép của Mỹ, Ngoại trưởng Nhật Bản Okada lại đưa ra đề xuất kết hợp những chức năng sân bay dành cho máy bay lên thẳng của căn cứ không quân Futenma với căn cứ không quân Cadena ở gần đó. Đề xuất này gây nên phản ứng dữ dội từ người dân Cadena, nơi căn cứ quân sự của Mỹ hiện chiếm tới 83% tổng diện tích thị trấn và dẫn tới cuộc biểu tình ngày hôm qua. Sau nhiều năm chịu đựng hàng loạt các rắc rối do các căn cứ quân sự Mỹ gây ra như ô nhiễm môi trường, nguy cơ xảy ra tai nạn và các hành vi vô đạo đức của quân nhân Mỹ..., hầu hết người dân Nhật Bản mong muốn không còn thấy bóng dáng lính Mỹ trên lãnh thổ đất nước họ và không chấp nhận một giải pháp thoả hiệp của chính phủ.

Vụ biểu tình ngày ngày 7/11 là diễn biến không thuận mới nhất liên quan đến quan hệ Mỹ- Nhật Bản, khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ khó được chào đón rộng rãi trong chuyến thăm Tokyo trong tuần này. Trước đó, đã xảy ra những va chạm ngoại giao, dù nhỏ nhưng cũng đáng chú ý, giữa hai bên. Đó là việc Ngoại trưởng Nhật Bản phải huỷ bỏ chuyến thăm Mỹ, với mục đích trao đổi quan điểm rõ ràng hơn về vấn đề căn cứ Futenma. Lý do chính là Washington không hào hứng thảo lụân về chủ đề gai góc này. Sau đó, Mỹ thông báo lùi chuyến thăm Nhật bản của Tổng thống Obama lại một ngày, tức là vào ngày 13/11 thay vì vào ngày 12 như thông báo ban đầu. Dù với lý do gì, thì đây cũng có thể coi là một “đòn doạ gió” của Mỹ với Nhật Bản.

Tình hình đang trở nên rất khó xử đối với Chính phủ của Thủ tướng Yukio Hatoyama, làm sao xử lý thoả đáng nguyện vọng của người dân, thực hiện đúng cam kết, nhưng lại phải tránh làm tan vỡ mối quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ. Chính vấn đề này đang làm suy giảm mạnh uy tín của chính phủ Nhật Bản. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, Ngoại trưởng Nhật Bản vừa phải đưa ra một tuyên bố trấn an dư luận rằng sẽ không có thoả thuận nào về căn cứ Futenma được ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ. Về phần mình, Mỹ vẫn đang cố gắng gây sức ép với Nhật Bản, mà điển hình là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, trong chuyến thăm Nhật Bản tháng trước, từng doạ có thể sẽ không rút 8 nghìn lính đánh thủy đánh bộ Mỹ từ Okinawa tới đảo Guam như đã thoả thuận. Nhưng e rằng Washington sẽ phải chấp nhận một mối quan hệ không còn “mặn nồng” với Tokyo, khi mà đông đảo người dân đất nước Mặt trời mọc kiên định thái độ phản đối của họ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên