Quan hệ Nhật - Mỹ: Thay đổi liên minh chiến lược?

Sau gần 3 tháng nhậm chức, Thủ tướng mới Nhật Bản Yukio Hatoyama tiếp tục yêu cầu xem xét quan hệ an ninh chiến lược với Mỹ, đặc biệt đối với tương lai căn cứ quân sự Mỹ tại Okinawa.

Đây có phải là sự phá bỏ mối liên minh chiến lược đã kéo dài hơn nửa thế kỷ giữa hai nước? 

Để Tokyo có tiếng nói độc lập hơn

Những vấn đề này đã được ông Hatoyama đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử tại Quốc hội Nhật Bản ngày 30/8/2009. Có khác là, những ngày qua, ông Hatoyama đã gia tăng sự khó chịu của Washington bằng việc khẳng định sự cần thiết phải điều chỉnh lại quan hệ Nhật - Mỹ để Tokyo có tiếng nói độc lập hơn. Quan điểm này còn được cụ thể hoá bằng tuyên bố của Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya rằng: “Chúng tôi sẽ không chấp nhận điều mà Hoa Kỳ nói với chúng tôi chỉ vì đó là Hoa Kỳ”.

Đồng thời, Chính phủ mới của Thủ tướng Hatoyama còn cho biết, Nhật Bản sẽ chấm dứt sự hỗ trợ đối với các lực lượng do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan. Hơn thế nữa, điều Washington thật sự lo ngại là kế hoạch của ông Hatoyama về cấu trúc hợp tác mới tại châu Á. Đó là đề xuất về một Cộng đồng Đông Á, với quan hệ Nhật – Trung là trung tâm, nhằm loại trừ vai trò của Mỹ tại châu lục này.

Với những tuyên bố và động thái đó, dường như sau 50 năm luôn theo “cây gậy chỉ huy” của Mỹ, giờ đây, Tokyo bắt đầu có tiếng nói khác biệt với Washington, nhất là trong các vấn đề về an ninh. Ngay chính tờ Bưu điện Washington còn trích dẫn nhận định của một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ rằng: “Đây là lần đầu tiên kể từ nhiều thập niên qua, Nhật Bản nổi dậy chống lại Hoa Kỳ”. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Chính phủ mới của Nhật Bản lại phá bỏ quan hệ liên minh với Mỹ. Đây vẫn là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Hatoyama. Và sẽ không có sự thay đổi thực chất nào trong quan hệ Mỹ - Nhật hiện nay. 

Tạo dựng một vị thế mới cho Nhật Bản tại khu vực châu Á

Nằm ở khu vực địa chính trị mà trong đó có Trung Quốc đang trỗi dậy, Hàn Quốc cũng trên đà phát triển mạnh, đặc biệt là CHDCND Triều Tiên có tiềm lực quân sự và hạt nhân; rõ ràng, Nhật Bản vẫn rất cần hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực an ninh và quân sự. Mối quan hệ này được ví như chiếc ô bảo vệ an ninh cho Tokyo. Bởi thế, cho đến nay, tại lãnh thổ Nhật Bản vẫn có gần 10 căn cứ quân sự và gần 50.000 binh sĩ Mỹ. Riêng căn cứ quân sự Mỹ tại đảo Okinawa đã có tới 20.000 binh sĩ Mỹ. Ngay cả khi Thủ tướng Hatoyama, trong 2 tuần qua, tới 3 lần tuyên bố phải xem xét lại căn cứ quân sự này, nhưng cũng chỉ là sẽ chuyển đến một khu vực khác trên lãnh thổ Nhật Bản. Ngay cả các nhà phân tích chính trị ở Tokyo cũng phải cho rằng, các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản giống như một câu chuyện dài nhiều tập không có hồi kết.

Bản thân ông Hatoyama, là một chính khách từng du học tại Mỹ, cũng không phải là một người cấp tiến. Và trong hàng loạt các tuyên bố, động thái của ông hướng tới Washington, người ta cũng không hề thấy những đề xuất nào làm suy yếu liên minh Nhật - Mỹ. Lý do khiến Thủ tướng Hatoyama tỏ rõ sự độc lập với Mỹ chính là nhằm chứng tỏ ông đang thực hiện đúng những cam kết với người dân trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, mà chiến thắng vang dội của Đảng Dân chủ Nhật Bản DJP do ông làm Chủ tịch cũng đồng nghĩa với việc ông trở thành Người đứng đầu Chính phủ mới của đất nước Mặt trời mọc.

Song nguyên nhân thứ hai quan trọng hơn nhiều: Đó là nhằm tạo dựng một vị thế mới cho Nhật Bản tại khu vực châu Á. Lục địa này đang sở hữu những quốc gia có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, quân sự, như: Trung Quốc, Ấn Độ. Mặc dù vừa trải qua hai năm của cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu, nhưng tốc độ tăng trưởng của khu vực này vẫn đạt trung bình trên 4%, dự kiến năm 2010 tăng gần 7%. Bối cảnh đó, buộc Nhật Bản phải trở thành một quốc gia “Châu Á hơn và ít phương Tây hơn”, để được các nước châu Á coi là đối tác thân thiết và tin cậy. Nếu cứ lệ thuộc vào Mỹ, Nhật Bản sẽ bị coi là nằm ngoài khu vực, không có cơ hội được xếp vào “chiếu trên”, càng khó đuổi kịp vị thế của Trung Quốc không chỉ tại lục địa này mà cả trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, như vậy cũng chưa đủ để Tokyo có thể thực hiện được những mục tiêu đó. Điều chỉnh lại quan hệ với Mỹ theo hướng độc lập, tránh phụ thuộc là đúng. Nhưng biện pháp lại mơ hồ và rõ ràng chưa thể hiện tính nhất quán trong chính sách đối với Mỹ. Cho nên cũng sẽ không có gì bất ngờ, nếu chính phủ mới của Thủ tướng Hatoyama trong tương lại phải giải những bài toán khó về tình hình kinh tế, chính trị của đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên