Anh đe dọa trừng phạt Nga liên quan cáo buộc đầu độc cựu điệp viên

VOV.VN - Vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal của Nga nguy kịch tại Anh nghi do bị đầu độc khiến quan hệ hai nước rơi vào tình trạng "khó có thể cứu vãn".

Chính phủ Anh đe dọa đưa ra phản ứng cứng rắn

Chính phủ Anh hôm 7/3 tuyên bố sẽ đưa ra phản ứng “phù hợp và mạnh mẽ”, trong đó có thể áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn trước bất kỳ bằng chứng nào cho thấy có sự dính líu của phía Nga trong vụ cựu điệp viên hai mang của Nga, Sergei Skripal rơi vào tình trạng nguy kịch do bị nhiễm một chất độc lạ ở Salisbury thành phố miền Tây nước Anh. 

Cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal của Nga. Ảnh: The Times.

Phát biểu tại Hạ viện Anh, Bộ trưởng Boris Johnson cho rằng việc cựu điệp viên Sergei Skripal, 66 tuổi, từng là một đại tá trong dịch vụ tình báo quân sự Nga (GRU), và con gái ông là Yulia, 33 tuổi, được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh bên ngoài trung tâm thương mại tại thành phố Salisbury phía nam nước Anh là một vụ việc vô cùng nghiêm trọng. Cả hai đều bị nhiễm một chất độc chưa xác định và trong tình trạng nguy kịch.

Ông Johnson nhấn mạnh: “Chúng tôi không biết chính xác điều gì đang diễn ra tại Salisbury nhưng mọi nghi ngờ đang hướng về phía Nga”. Bộ trưởng Ngoại giao Anh đã dùng những lời lẽ gay gắt cho rằng Nga là thế lực phá hoại, đồng thời khẳng định, chính phủ Anh luôn đi đầu trong nỗ lực ngăn chặn “hành động thù địch” của Nga. 

Theo ông Johnson, nếu có bằng chứng xác thực cho thấy Nga đứng sau vụ việc ám sát cựu điệp viên thì sẽ rất khó để các đại diện của Anh tới tham dự kỳ World Cup ở Nga một cách thông thường. Một nguồn tin chính phủ giải thích điều đó có nghĩa là khó có sự có mặt của các Bộ trưởng hoặc chức sắc Anh. Hiện tại, vụ việc đã được trình lên Thủ tướng Anh Theresa May.

Giới chức Anh cho biết, mặc dù loại chất chưa xác định này không có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân xung quanh tuy nhiên cảnh sát đã phong tỏa khu vực xung quanh nơi cựu điệp viên Skripal được tìm thấy, bao gồm 1 nhà hàng pizza và một quán rượu ở trung tâm Salisbury. BBC cho biết, các mẫu vật tại hiện trường đã được kiểm tra tại Porton Down – phòng thí nghiệm nghiên cứu quân sự của Anh.

Phản ứng của Nga

Phía Nga phủ nhận bất kỳ sự dính dáng nào đến vụ việc này. Người phát ngôn Bọ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh, tuyên bố của Ngoại trưởng Johnson là “vô căn cứ”.

Điện Kremlin khẳng định, Nga không nhận được thông tin về vụ ông Sergei Skripal bị bất tỉnh tại thành phố Salisbury của Anh, song Nga sẵn sàng hợp tác nếu Anh đề nghị nước này hỗ trợ trong việc điều tra vụ việc liên quan tới ông Sergei Skripal. 

Còn Đại sứ quán Nga tại London cho rằng “vụ việc này đang được sử dụng vào mục đích gây tổn hại cho Nga. Cách đưa tin của truyền thông có thể tạo ấn tượng rằng đây là một hành động có tính toán của các cơ quan an ninh Nga, song điều này hoàn toàn không đúng sự thật.

Skripal là nhân vật như thế nào?

Đại tá Skripal là một sĩ quan tình báo quân sự Nga về hưu. Ông bị Cơ quan tình báo Liên bang Nga bắt giữ vào năm 2004 với cáo buộc đã tiết lộ thông tin mật cho tình báo Anh. Phía Nga kết tội Skripal đã gửi thông tin nhận dạng của các điệp viên Nga hoạt động ngầm ở châu Âu cho Cơ quan Tình báo Mật (MI6) của Anh.

Sau phiên xét xử bí mật vào năm 2006, nhân vật này đã bị  kết án 13 năm tù giam. Tại thời điểm đó, truyền thông Nga đưa thông tin cho biết, ông này thừa nhận đã cung cấp thông tin để nhận tiền từ cơ quan tính báo M16 của Nga, một phần trong số này được gửi vào một tài khoản ngân hàng tại Tây Ban Nha.

Theo Nga, Đại tá Skripal đã được nhận 100.000 USD cho thông tin tình báo trên.  Skripal là 1 trong 4 tù nhân mà Moscow phóng thích để đổi lại 10 gián điệp mà Mỹ bắt giữ, vào năm 2010. Một số nguồn thông tin cho biết, cựu điệp viên Nga 66 tuổi này hiện vẫn tiếp tục hỗ trợ MI6 (Cơ quan tình báo nước ngoài của Anh) kể từ sau khi ông được Anh cho tị nạn, sau một vụ trao đổi điệp viên giữa Mỹ và Nga tại thời điểm trên.

Căng thẳng giữa Anh và Nga bùng phát thêm một lần nữa

Vụ cựu điệp viên Sergei Skripal  bị nhiễm chất độc lạ đã làm dấy lên căng thẳng mới trong quan hệ giữa Anh và Nga, vốn rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời kỳ chiến tranh Lạnh. Anh – một đồng minh thân cận của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương có những mối lo ngại chung như vũ khí tối tân của Nga có khả năng phá lá chắn phòng thủ tên lửa của Châu Âu, hay sự mở rộng các hoạt động quân sự của Nga tại Biển Đen và Biển Baltic.

Hôm 1/3, phản ứng trước thông điệp liên bang của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó đề cập đến kho vũ khí hạt nhân đồ sộ của Nga có thể phá vỡ mọi tuyến phòng thủ, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cáo buộc Nga đang thực hiện “hành vi khiêu khích, gây leo thang căng thẳng. “Chúng ta đang phải đối mặt với những mối đe dọa gia tăng. Sự việc này là lời nhắc nhở chúng ta không bao giờ được lơ là nhiệm vụ bảo vệ an ninh”, ông nói.

Lật lại lịch sử trong quan hệ song phương, Nga và Anh đã có những cuộc tranh cãi này lửa liên quan đến cáo buộc gián điệp và do thám. Trong số này phải kể đến cái chết của Alexander Litvinenko vào năm 2006, một cựu điệp viên Nga. Litvinenko từng là đại tá của Ủy ban an ninh quốc gia Nga - KGB và mang hàm trung tá trong Cục An ninh Liên bang Nga (FSB) trước khi bị bắt hồi năm 1998 vì cáo buộc vượt quyền.

Năm 2000, nhân vật này tị nạn sang Anh và được cấp quốc tịch Anh sau đó. Cựu điệp viên KGB bị đầu độc tại một khách sạn ở thủ đô London, Anh vào năm 2006. Trước khi chết ông cáo buộc Nga đứng đằng sau âm mưu ám sát mình. Moscow luôn phủ nhận mọi sự dính líu đến cái chết của Litvinenko.

Cũng vào thời điểm đó, Nga đã cáo buộc London tiến hành do thám Nga. Theo phía Nga, Anh đã cho lắp đặt các thiết bị thu thập thông tin trong các tảng đá bằng nhựa trên một tuyến đường của Nga. London ngay lập tức bác bỏ thông tin trên. Tuy nhiên đến tháng 1/2012, một cựu quan chức của chính phủ Anh thừa nhận đây là sự thật./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tài liệu FBI tiết lộ quy trình tuyển điệp viên của Nga
Tài liệu FBI tiết lộ quy trình tuyển điệp viên của Nga

VOV.VN - Với sự phát triển của chiến tranh thông tin và tình báo mã hóa, "trò chơi điệp viên" có những thay đổi to lớn kể từ sau thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Tài liệu FBI tiết lộ quy trình tuyển điệp viên của Nga

Tài liệu FBI tiết lộ quy trình tuyển điệp viên của Nga

VOV.VN - Với sự phát triển của chiến tranh thông tin và tình báo mã hóa, "trò chơi điệp viên" có những thay đổi to lớn kể từ sau thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Điệp viên CIA bị tố “nhúng tay” vào cuộc biểu tình tại Iran là ai?
Điệp viên CIA bị tố “nhúng tay” vào cuộc biểu tình tại Iran là ai?

VOV.VN - Michael D’Andrea – nhân viên của CIA bị cáo buộc cầm đầu các cuộc biểu tình bạo lực khiến 20 người thiệt mạng tại Iran.

Điệp viên CIA bị tố “nhúng tay” vào cuộc biểu tình tại Iran là ai?

Điệp viên CIA bị tố “nhúng tay” vào cuộc biểu tình tại Iran là ai?

VOV.VN - Michael D’Andrea – nhân viên của CIA bị cáo buộc cầm đầu các cuộc biểu tình bạo lực khiến 20 người thiệt mạng tại Iran.

Hồ sơ mật: Lý do điệp viên Sidney Reilly của Anh bị xử tử ở Nga
Hồ sơ mật: Lý do điệp viên Sidney Reilly của Anh bị xử tử ở Nga

VOV.VN - Điệp viên Sidney Reilly của tình báo Anh đã bị nhà nước Xô viết bắt giữ vào ngày 27/9/1925 và xử bắn một thời gian ngắn sau đó.

Hồ sơ mật: Lý do điệp viên Sidney Reilly của Anh bị xử tử ở Nga

Hồ sơ mật: Lý do điệp viên Sidney Reilly của Anh bị xử tử ở Nga

VOV.VN - Điệp viên Sidney Reilly của tình báo Anh đã bị nhà nước Xô viết bắt giữ vào ngày 27/9/1925 và xử bắn một thời gian ngắn sau đó.