Bầu cử Ai Cập: Cử tri cần sự ổn định hơn tự do dân chủ

VOV.VN - Dù có là ai giành chiến thắng, người đó cũng sẽ gánh vác trên vai trách nhiệm nặng nề với một Ai Cập bất ổn.

Quang cảnh khu vực bỏ phiếu vắng lặng và số cử tri đi bầu thấp đã khiến Ai Cập buộc phải quyết định kéo dài thời gian bỏ phiếu thêm một ngày và ấn định 9h tối 28/5 là thời gian kết thúc bầu cử.

Theo phản ánh của các cơ quan truyền thông sở tại, tới trưa ngày 27/5, hàng loạt điểm bỏ phiếu tại các quận ở thủ đô Cairo và tỉnh Giza lân cận hầu như vắng tanh. Trong ngày bầu cử đầu tiên hôm 26/5, số lượng cử tri đi bầu tại tỉnh Nam Sinai cũng đạt tỷ lệ rất thấp. 

Cử tri Ai Cập bỏ phiếu bầu cử Tổng thống ngày 27/5 (Ảnh: Getty Images)

Các quan chức phụ trách bầu cử đã đổ lỗi cho điều kiện thời tiết không thuận lợi và thời điểm diễn ra cuộc bầu cử trùng với dịp lễ hội ở đất nước này chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ cử tri đi bầu thấp.

Mặc dù theo đánh giá của giới phân tích, ông El-Sisi đã cầm chắc chiến thắng trong tay nhưng ông này vẫn phải củng cố tính hợp pháp cho chiếc ghế của mình thông qua các lá phiếu.

Một nguồn tin Chính phủ cho biết, Ủy ban Bầu cử Tổng thống Ai Cập đã phải chịu áp lực vì tỷ lệ cử tri đi bầu "thấp ngoài dự kiến" thậm chí còn thấp hơn mức 51% tại vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống vào giữa năm 2012 vốn bị nhiều cử tri tẩy chay do phải lựa chọn giữa ứng cử viên Mohamed Morsi của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và Ahmed Shafiq, cựu Thủ tướng dưới thời Hosni Mubarak.

Nguồn tin trên cũng cho hay, Ủy ban Bầu cử Tổng thống Ai Cập đã có các cuộc thảo luận về việc cho phép cử tri bỏ phiếu ngoài địa điểm đăng ký thường trú như trong cuộc trưng cầu dân ý vào đầu năm nay.

Tuy nhiên, các thành viên của Ủy ban Bầu cử Tổng thống Ai Cập cho rằng, đề xuất này rất khó thực hiện vì bất kỳ sự thay đổi quy định bỏ phiếu sẽ làm suy yếu toàn bộ cuộc bầu cử và gây ra các thách thức pháp lý.

Theo nguồn tin giấu tên thuộc Ủy ban Bầu cử Tổng thống Ai Cập, số lượng cử tri đi bầu trong ngày 27/5 chỉ đạt 4-8 triệu người, trước đó, cũng chỉ có khoảng 14 triệu người đi bỏ phiếu trong ngày 26/5. Những con số này vẫn còn quá thấp so với kỳ vọng hơn 40 triệu cử tri trong tổng số khoảng 54 triệu cử tri Ai Cập đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu.

Tỷ lệ cử tri đi bầu thấp do kịch bản đã an bài

Nhiều người cho rằng, tỷ lệ cử tri đi bầu thấp xuất phát từ việc người dân tin rằng kết quả bỏ phiếu đã được định đoạt. Một số người chỉ trích các nhân vật phụ trách truyền thông của ông El-Sisi đã gây ra tình trạng này.

Số khác lại cho rằng, các cố vấn chính trị và an ninh của nhà lãnh đạo này phải chịu trách nhiệm khi không tư vấn cho vị cựu Tư lệnh quân đội chống lại các quyết định gây tranh cãi, trong đó có Luật biểu tình vốn không được lòng giới trẻ - khối cử tri lớn nhất hiện nay, chiếm tới 37 triệu trong tổng số gần 54 triệu cử tri Ai Cập.

Ông El- Sissi gần như chắc chắn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Ai Cập (Ảnh: badernoaimi)

Quyết định kéo dài thời gian bỏ phiếu thêm một ngày của Ủy ban Bầu cử Tổng thống Ai Cập cũng đã bị nhiều người nhạo báng trên các mạng xã hội.

Một thanh niên viết: “Việc xin xỏ phiếu bầu đã được đưa lên một cấp độ mới. Tại sao tôi phải bỏ phiếu khi mà kết quả đã có từ trước? Ông ta đã chắc chắn giành chiến thắng sau khi bắt tất cả những người không có cùng quan điểm. Bây giờ họ đang cố gắng để buộc chúng tôi phải bỏ phiếu? Điều đó thật đáng xấu hổ”.

Theo một kênh truyền hình tại địa phương, giới chức Ai Cập thậm chí còn dọa sẽ áp dụng hình phạt tiền 500 bảng Ai Cập đối với mỗi cử tri không thực hiện nghĩa vụ công dân.

Thậm chí, một nhà bình luận nổi tiếng của Ai Cập, ông Mostafa Bakry trong một chương trình phát sóng trên kênh truyền hình tư nhân Al- Nahar còn đưa ra lời cảnh báo: “Bất cứ ai không tham gia bỏ phiếu, người đó đang phó mặc cuộc sống của mình cho những kẻ khủng bố”.

Tiến trình dân chủ ở Ai Cập – Không thể vội vàng

Đã 3 năm trôi qua kể từ khi xảy ra cuộc nổi dậy lật đổ ông Hosni Mubarak, một cựu chỉ huy lực lượng không quân, dường như ở thời điểm hiện tại, nhiều người dân Ai Cập không vội vàng để đi tới một chế độ dân chủ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân ông Abdel Fattah El- Sisi, người từng giữ cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập, lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ ông Morsi hồi tháng 7/2013 là ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bẩu cử lần này là vì người dân Ai Cập đang mong muốn ổn định hơn là quyền tự do.

Ông El- Sisi, tướng lĩnh kỳ cựu trong quân đội Ai Cập được biết đến là một nhân vật mạnh mẽ, quyết đoán và đương nhiên là người phù hợp nhất cho nhiệm vụ chấm dứt các vụ bạo loạn trên đường phố, tranh giành giữa các phe phái chính trị.

Quân đội Ai Cập bảo vệ an ninh cho cuộc bầu cử

Bà Aziza Mohamed, một cử tri 62 tuổi nói với Reuters: “Với ông El- Sisi, đất nước sẽ ổn định. Dân chủ là một điều tốt đẹp. Chúng tôi hướng tới điều đó nhưng sẽ tiến từng bước”.

Trong khi đó, ông Ahmed Abdellah, 52 tuổi, một bác sĩ y khoa tại Đại học Cairo nói: “Bầu cử là một bước đi, không phải mục tiêu. Qua mỗi sai lầm chúng tôi lại rút ra được bài học, những sai sót vì thế sẽ được hạn chế. Ai Cập sẽ tiếp tục học hỏi cho đến khi chúng tôi đạt được lý tưởng”.

Giáo viên Tahani Mahmoud, 45 tuổi, cho biết: “Cuộc bầu cử năm 2012 đã đưa ông Morsi lên nắm quyền nhưng thực tế ông ấy đã làm tiêu tan hy vọng về sự ổn định. Tôi đồng ý với ông El- Sisi rằng, Ai Cập vẫn chưa sẵn sàng cho một chế độ dân chủ. Dân trí thấp, tỷ lệ mù chữ cao, rất nhiều người không hiểu gì về dân chủ. Họ đã sử dụng quyền tự do không đúng cách”.

Ai Cập không có lựa chọn nào khác

Chuyên gia Loay Mudhoon của kênh DW nhận định: “Ông El- Sisi chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên kể từ sau khi cuộc đảo chính lật đổ ông Morsi diễn ra hồi tháng 7/2013. Tuy nhiên, nền dân chủ ở Ai Cập vẫn còn ngoài tầm với của quốc gia này”.

Theo ông Mudhoon, bất cứ ai nghĩ rằng cuộc bầu cử Tổng thống Ai Cập sẽ là một cuộc cạnh tranh công bằng, tôn trọng các quy tắc dân chủ có thể sẽ phải cảm thấy thất vọng.

Hồi đầu tuần này, Ai Cập đã công bố kết quả bầu cử Tổng thống được tổ chức riêng cho những cử tri đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài. Theo đó, có tới 94% cử tri ủng hộ ông El- Sisi – một tỷ lệ cao đáng ngạc nhiên, trong khi đối thủ chính - ông Sabahi chỉ được 5,5%. Tuy vậy, nếu nhìn vào những diễn biến ở Ai Cập trong vòng 10 tháng qua, kết quả này lại là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Dù ai lên nắm quyền, người đó cũng sẽ gánh vác trên vai trách nhiệm nặng nề với một Ai Cập bất ổn (Ảnh: PressTV)

Trong cuộc đảo chính tháng 7/2013, không chỉ ông Morsi bị lật đổ, bản Hiến pháp Hồi giáo dưới thời ông này cũng đã bị đình chỉ.

Cử tri Ai Cập không có sự lựa chọn thực sự trong cuộc bầu cử bởi vì phe đối lập chính đã bị cấm hoạt động hoặc bị đe dọa. Trên lý thuyết, ông Hamdeen Sabahi được cho là đối thủ chính của ông El- Sisi trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống lần này.

Tuy nhiên, trên thực tế, ông Sabahi đang vận động một chiến dịch tranh cử vô vọng trên đường phố và vô tình trở thành nhân vật làm nền, giúp hợp pháp hóa “tính dân chủ” cho cuộc bầu cử mà ông El- Sisi đã nắm chắc phần thắng trong tay.

Cho đến thời điểm này, chiến thắng của ông El- Sisi dường như chỉ còn là vấn đề thời gian. Mặc dù vậy, con đường phía trước của người nhiều khả năng trở thành Tổng thống mới của Ai Cập sẽ không phải là con đường trải đầy hoa hồng.

Ông El- Sissi – một tướng lĩnh quân đội không phải là mẫu người sẵn sàng “làm tôi tớ” phục vụ quần chúng. Theo chuyên gia Mudhoon, ngoài việc ổn định tình hình hiện nay, củng cố lực lượng an ninh, ông El- Sissi sẽ khó có thể mang lại tương lai lâu dài cho Ai Cập bởi vị tướng này không hề có kinh nghiệm chính trị. Ông El- Sissi cũng không có bất kỳ kế hoạch nào để giải quyết các vấn đề kinh tế, cải cách một cách toàn diện mọi mặt đời sống, xã hội của Ai Cập.

Giới phân tích cho rằng, dù có là ông El- Sissi hay bất kỳ ai đắc cử, người đó cũng sẽ gánh vác trên vai trách nhiệm nặng nề với một Ai Cập bất ổn với nền kinh tế kiệt quệ, sự gia tăng hoạt động của các chiến binh Hồi giáo cực đoan đang hoạt động mạnh tại khu vực bán đảo Sinai và vùng biên giới giáp Libya.

Bên cạnh đó, những cuộc bạo loạn do thành viên tổ chức Anh em Hồi giáo gây ra đang chực chờ trên đường phố khi cả 2 ứng viên đều cho biết họ không có ý định hợp pháp hóa trở lại tổ chức này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên