Bước đi mới trong quan hệ EU - Cuba

Có rất nhiều nguyên nhân để EU tiến tới việc làm “ấm” mối quan hệ với Cuba. Đặc biệt, họ không muốn chậm chân hơn Trung Quốc trong hợp tác phát triển kinh tế, thương mại  ở đất nước giàu tiềm năng này.

>> EU không có tư cách đánh giá về tình hình nhân quyền tại Cuba >> EU muốn cải thiện quan hệ với Cuba

Phó Tổng Giám đốc phụ trách phát triển của Uỷ ban châu Âu (EC) Christian Leffler vừa có chuyến thăm Cuba 3 ngày nhằm xem xét khả năng phát triển quan hệ với nước này.

Đây được xem như “luồng gió mới” trong mối quan hệ vốn “ngột ngạt” từ nhiều năm nay giữa châu Âu và quốc đảo Cariber này.

Trước đó, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton, đã ủy quyền cho Phó Tổng Giám đốc phụ trách phát triển của EC Christian Leffler mang tới La Habana một thông điệp về khả năng cải thiện quan hệ giữa 2 bên trong thời gian tới.

Có thể xem đây là những bước đi đầu tiên trong việc xoá bỏ những mối bất đồng giữa đảo quốc Cariber và những quốc gia bên kia bờ Đại Tây Dương, tạo nên sự kết nối của tương lai.

Cuba - đất nước xinh đẹp và giàu tiềm năng

Cần nhắc lại rằng, từ nhiều năm nay, cùng với Mỹ, EU luôn có thái độ tẩy chay Cuba thể hiện ở bản Lập trường chung chống Cuba ra đời năm 2003.

EU thường xuyên chĩa mũi nhọn công kích La Habana, đặc biệt là về vấn đề nhân quyền. Vì thế, cải thiện quan hệ giữa hai bên là một kế hoạch không dễ gì có được và mọi sự đều có cái lý của nó.

Có thể thấy rằng, EU đã phát đi những tín hiệu tích cực đối với Cuba là để bày tỏ sự hài lòng trước những thay đổi của chính quyền La Habana thời gian gần đây.

Thứ nhất, phải kể đến việc Cuba đã thực hiện cam kết trả tự do cho 41 tù nhân chính trị - điều mà các nước châu Âu yêu cầu từ nhiều năm nay.

Thứ hai, chính quyền Cuba cũng đã tiến hành những bước cải cách lớn trong lĩnh vực kinh tế, đem lại sự tiến bộ không thể phủ nhận tại đảo quốc này.

Chính phủ Cuba đang tiếp tục triển khai thành công việc mở cửa cho kinh tế tư nhân, cắt giảm lực lượng lao động trong khu vực Nhà nước, giảm bao cấp, phi tập trung hóa ngành nông nghiệp, khuyến khích đầu tư nước ngoài...

Do vậy, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn như sự bao vây cấm vận của Mỹ, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hay thiên tai diễn ra liên tiếp, song chính quyền La Habana vẫn tiến những bước vững chắc trên con đường phát triển kinh tế xã hội.

Tính tới tháng 9 năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Cuba tăng mạnh, tới 21% so với cùng kỳ năm ngoái, góp phần tăng tổng thu nhập quốc dân và cải thiện đời sống cho người dân.

Ngoài những tiến bộ về kinh tế, chính quyền Cuba còn giữ được sự ổn định về an ninh, chính trị và đang tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng- được cho là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của đất nước này.

Những gì đang diễn ra cho thấy, Cuba là một bạn hàng đầy tiềm năng với thị trường hấp dẫn và nguồn tài nguyên phong phú.

Có lẽ lợi ích kinh tế cũng là lý do khiến EU nhận ra sự cần thiết phải thay đổi quan điểm đối với La Habana. Hơn thế, EU cũng không muốn mình là kẻ chậm chân tại Cuba, hay nói rộng ra là tại khu vực Mỹ Latin khi mà sự hiện diện của Trung Quốc ở đây đang gia tăng nhanh chóng.

Hiện, Trung Quốc là bạn hàng lớn thứ 2 của Cuba chỉ sau Venezuela. Chỉ trong nửa đầu năm nay, kim ngạch trao đổi thương mại Trung Quốc- Cuba đạt gần 1 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi Tây Ban Nha là quốc gia tiên phong trong việc bình thường hóa quan hệ với Cuba vào năm 2005, EU đã quyết định thiết lập đối thoại chính trị và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với quốc đảo này vào năm 2008.

Đây là những cử chỉ thiện chí đáng ghi nhận và được cả người dân Cuba và người dân châu Âu hoan nghênh.

Tuy nhiên, EU dường như vẫn chưa hành động đủ để cái bắt tay với Cuba trở nên thực chất. Đến lúc này, châu Âu vẫn đưa ra những tuyên bố hết sức “quan cách”, đó là “thăm dò các biện pháp để thử nghiệm và phát triển quan hệ với Cuba” và chưa xoá bỏ lập trường chung chống lại đảo quốc này.

Thế giới đang chờ đợi những bước tiến lớn hơn trong quan hệ EU- Cuba. Điều đó không chỉ đem lại lợi ích cho EU và Cuba mà còn khiến cho Mỹ cũng phải suy nghĩ về lập trường cứng rắn của mình đối với chính quyền La Habana.

Gần nửa thế kỷ qua, Mỹ duy trì lệnh cấm vận ngặt nghèo, gây ra những tổn thất nặng nề đối với nền kinh tế Cuba.

Song ngược lại, chính Mỹ cũng đang để tuột khỏi tay cơ hội hợp tác với một đối tác giàu tiềm năng khi Cuba ngày càng chứng tỏ được sức bật của một đất nước đang trên đường đổi mới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên