Thế giới 7 ngày:

Căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ-Syria có bùng phát thành chiến tranh?

(VOV) - Vụ đánh bom đẫm máu tại một thị trấn của Thổ Nhĩ Kỳ có thể châm ngòi cho xung đột lớn hơn giữa hai quốc gia láng giềng.

Ngày 11/5, hai xe ô tô cài bom đã phát nổ ở thị trấn Reyhanli, phía Nam tỉnh Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ), khu vực giáp biên giới với Syria, làm ít nhất 45 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.

Ngay sau khi xảy ra vụ nổ, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ - Ahmet Davutoglu tuyên bố từ Berlin (Đức) cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành động. Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, những ai vì bất kỳ lý do nào gây ra sự hỗn loạn ở đất nước này sẽ phải chịu sự trừng phạt đích đáng.

Ngày 11/5, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã triển khai thêm nhiều binh sĩ tới khu vực biên giới với Syria. Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Besir Atalay hôm 11/5 cho biết, điều tra ban đầu cho thấy, các vụ đánh bom đẫm máu cùng ngày tại thị trấn Reyhanli của Thổ Nhĩ Kỳ khiến ít nhất 45 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương là có liên quan tới cơ quan tình báo Syria.

Vụ đánh bom đẫm máu, những cáo buộc Syria liên quan tới vụ đánh bom trên cũng như động thái gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ khi cho rằng quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học và ủng hộ Mỹ thiết lập vùng cấm bay tại Syria có thể khiến mâu thuẫn giữa hai quốc gia láng giềng này bùng phát thành xung đột bạo lực và kéo theo những hệ lụy không lường trước cho cả khu vực Trung Đông vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn này. 

Trong ảnh: Hiện trường vụ đánh bom đẫm máu tại thị trấn Reyhanli, phía Nam tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ 
(Ảnh: Tân Hoa xã).

Cũng liên quan đến tình hình Syria, các quan chức Israel ngày 9/5 đã yêu cầu Nga không bán cho Syria tổ hợp tên lửa phòng không tiên tiến S-300 có thể giúp Tổng thống Bashar al-Assad chống lại sự can thiệp quân sự của nước ngoài.

Trước đó, tờ Wall Street Journal dẫn các quan chức Mỹ cho biết hôm 8/5 rằng, Israel đã nói với Washington rằng, Syria đã bắt đầu thanh toán khoản tiền 900 triệu USD cho việc mua tổ hợp tên lửa phòng không tiên tiến S-300 của Nga.

Phản ứng trước thông tin này, ngày 10/5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov bác bỏ suy đoán rằng Moscow sẽ bán tổ hợp tên lửa phòng không tiên tiến cho Damascus. Ông Lavrov cho biết, Nga không có kế hoạch cung cấp cho Syria bất kỳ loại vũ khí mới nào ngoài hợp đồng hiện tại đang gần hoàn thành.

Trước đó, ngày 9/5, Nhà Trắng đã kêu gọi Nga không bán vũ khí cho Syria và nói rằng, sự hỗ trợ này đối với Damascus sẽ "đặc biệt gây bất ổn cho khu vực".

Trong ảnh: Tổ hợp tên lửa phòng không tiên tiến S-300 mà Israel cho rằng Nga sắp bán cho Syria (Ảnh: Ria Novosti).

Ngày 11/5, tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ đã đến thành phố cảng Busan của Hàn Quốc, tham gia cuộc diễn tập quân sự chung với Hàn Quốc. Một quan chức quân đội Mỹ cho biết, đây là một hoạt động tập trận định kỳ nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu và thể hiện sự đoàn kết với đồng minh Hàn Quốc.

CHDCND Triều Tiên đã lên tiếng phản đối cuộc tập trận này, đồng thời khẳng định sẽ lập tức tấn công đáp trả nếu có bất kỳ sự đe dọa nào đối với vùng biển nước này ở khu vực hải giới tranh chấp với Hàn Quốc.

Tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tại Washington ngày 7/5, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố, Mỹ và Hàn Quốc nhất trí tiếp tục duy trì “thái độ cứng rắn” với các hành động của Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Obama cũng đồng thời khẳng định, cánh cửa vẫn đang mở nếu Triều Tiên lựa chọn con đường hòa bình.

Trước đó theo Reuters, ngày 6/5, các nhà chức trách Mỹ cho biết, CHDCND Triều Tiên đã đưa 2 tên lửa Musudan ra khỏi các bệ phóng ở bờ biển phía Đông nước này. Động thái này của Triều Tiên được xem là tín hiệu tích cực giúp xoa dịu những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, sau thời gian dài Mỹ và Hàn Quốc lo ngại về khả năng Bình Nhưỡng sắp tiến hành thử hạt nhân.

Trong ảnh: Tàu sân bay USS Nimitz vào cảng Busan, Hàn Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã).


Căng thằng giữa Đài Loan và Philippines đang có dấu hiệu gia tăng khi sáng 9/5, một ngư dân của hòn đảo này đã bị bắn chết khi tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines nổ súng vào tàu cá Đài Loan. Quan chức Đài Loan cho biết, vụ việc xảy ra vào khoảng 10h sáng tại vùng biển cách Erluanbi, mũi cực Nam của đảo Đài Loan 180 hải lý về phía Đông Nam. 

Lý giải về vụ nổ súng này, tại một cuộc họp báo ngày 10/5, cảnh sát biển Philippines cho biết binh sĩ của họ đã nổ súng vào tàu Đài Loan để tự vệ. Tuyên bố của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines (PCG) tại cuộc họp báo cho biết, "các tàu đánh cá Đài Loan nhiều lần cố gắng đâm vào chiếc tàu tuần tra MCS 3001 buộc chúng tôi phải bắn cảnh cáo”.

Sáng sớm 11/5, thi thể của ngư dân người Đài Loan thiệt mạng trong vụ nổ súng của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines và chiếc tàu cá đã đưa về Đài Loan. Các điều tra viên địa phương cho biết, có ít nhất 10 vết đạn ở trên thân tàu và một viên đạn xuyên qua cổ của nạn nhân. Đây có thể là nguyên nhân gây ra cái chết của nạn nhân.

Đài Loan cũng vừa có động thái được xem như "tối hậu thư" với Philippines khi nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu của Đài Loan nêu rõ chỉ cho Philippines 72 tiếng đồng hồ để đáp trả các yêu cầu liên quan đến việc 1 ngư dân vùng lãnh thổ này bị bắn chết ngoài biển, nếu không Đài Loan sẽ có hành động trả đũa.

Trong ảnh: Chiếc tàu cá và xác ngư dân thiệt mạng được đưa về Đài Loan tiến hành khám nghiệm (
Ảnh: Tân Hoa xã)

Ngày 11/5, hàng triệu cử tri Pakistan đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14, được đánh giá là mang tính lịch sử, bởi nó đánh dấu lần đầu tiên một chính phủ dân sự ở quốc gia Nam Á này hoàn thành nhiệm kỳ 5 năm. Trong bối cảnh làn sóng bạo lực bùng phát khắp Pakistan trước thềm cuộc bầu cử, việc cuộc bầu cử có thành công hay không phục thuộc chủ yếu vào tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu.

Trong suốt 10 giờ đồng hồ diễn ra các hoạt động bầu cử, tổng cộng đã xảy ra 43 vụ bạo lực trên khắp cả nước Pakistan làm ít nhất 32 người thiệt mạng và 224 người khác bị thương.

Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif đã giành được 119 ghế trong tổng số 272 ghế tại Quốc hội. Tuy nhiên, với kết quả này, đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan vẫn chưa hội đủ số phiếu cần thiết để thành lập một chính phủ và sẽ buộc phải liên kết với một đảng khác để thành lập một chính phủ liên minh.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử tại Pakistan chưa thể nói là đã thành công, và chiến thắng của ông Nawaz Sharif cũng chưa thực sự thuyết phục khi có những cáo buộc gian lận và bạo lực trong ngày bầu cử.

Trong ảnh: Những người ủng hộ cựu Thủ tướng Nawaz Sharif vui mừng khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ được công bố 
(Ảnh: AFP).


Ngày 9/5, nhân dân Nga kỷ niệm tròn 68 năm Chiến thắng Phát xít (9/5/1945 – 9/5/2013) với nhiều hoạt động thu hút hàng triệu người tham gia. Trên toàn Liên bang Nga ngập tràn không khí lễ hội chào mừng Ngày chiến thắng vĩ đại của cuộc chiến tranh Vệ quốc cách đây ngót 7 thập niên. Mở đầu và cũng là điểm nhấn đặc biệt của lễ kỷ niệm trong ngày hôm nay là cuộc duyệt binh lớn trên Quảng trường Đỏ ở Thủ đô Moscow.

Trong bài phát biểu tại cuộc diễu binh kỷ niệm 68 năm chiến thắng trong Thế chiến 2, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh Chiến tranh Thế giới thứ 2 là lời nhắc nhở vĩnh cửu về những sự khủng khiếp của chiến tranh. Ông Putin cũng khẳng định vai trò của Nga trong việc gìn giữ hòa bình và ngăn chặn các cuộc chiến tranh mới.

Trong đợt tập dượt cho lễ diễu binh kỷ niệm Chiến thắng Phát xít tại Hồng trường, Nga đã trình diễn nhiều vũ khí “khủng” gồm trực thăng, chiến đấu cơ, oanh tạc cơ, pháo tự hành, xe tăng, xe bọc thép, hệ thống phòng không, và xe quân sự đa năng...

Trong ảnh: Xe quân sự đa năng của quân đội Nga tham gia diễu binh mừng chiến thắng 
(Ảnh: Ria Novosti).

Ngày 7/5/2013 đánh dấu tròn một năm ông Putin trở lại cương vị Tổng thống Liên bang Nga. Mặc dù nền kinh tế Nga vẫn còn khó khăn do tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, nạn tham nhũng còn nhức nhối và quan hệ với Mỹ vẫn căng thẳng, song sự ủng hộ của người dân "xứ sở Bạch Dương" dành cho nhà lãnh đạo của mình không hề suy giảm.

Có thể nói Tổng thống Putin đã ghi được dấu ấn khá đậm nét trong năm đầu tiên trở lại Điện Kremlin. Bản lĩnh, sự vững vàng cũng như uy tín của một chính khách lão luyện luôn biết giữ lời hứa đã được ông Putin thể hiện qua cuộc "đối thoại trực tuyến" lần thứ 11 của tổng thống với người dân.

Trong ảnh: Đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh
: AFP)

Theo số liệu mới nhất, đã có gần 1.500 người chết trong vụ sập một tòa nhà gồm nhiều xưởng may ở ngoại ô thủ đô Dhaka ngày 24/4 vừa qua. Điều kỳ diệu là 17 ngày sau vụ sập tòa nhà 8 tầng ở thủ đô Dhaka của Bangladesh, lực lượng cứu hộ nước này ngày 10/5 đã tìm thấy một phụ nữ còn sống sót dưới đống đổ nát. Người phụ nữ trên đã duy trì sự sống bằng lương thực được tiếp tế và nguồn nước do lực lượng cứu hỏa bơm vào tòa nhà để dập tắt các đám cháy. 

Phát biểu với báo giới sau khi đến thăm Reshma, người phụ may mắn sống sót trong thảm họa trên, Thủ tướng Bangladesh Hashina cho biết: “Việc cứu được một phụ nữ sau 17 ngày là một điều kỳ diệu. Tôi bày tỏ sự hoan nghênh đối với nỗ lực của các nhân viên cứu hộ đang làm việc suốt ngày đêm. Tôi đã từng nghĩ và sợ rằng họ không thể mạo hiểm để cứu người khác. Tôi rất cảm ơn các nhân viên cứu hộ”.

Trong ảnh: Lực lượng cứu hộ cứu sống Reshma - người đã sống sót kỳ diệu sau 17 ngày xảy ra thảm họa (Ảnh: Tân Hoa xã).


Ngày 6/5, cảnh sát đã tìm thấy 3 cô gái ở Ohio (Mỹ) bị bắt cóc gần 1 thập kỷ trước và bị giam giữ tại một ngôi nhà ở Cleveland. 3 anh em bị tình nghi trong vụ bắt cóc đã bị bắt giữ.

Ariel Castro bị buộc tội tổ chức bắt cóc giam cầm ba cô gái trẻ tại nhà của hắn trong gần 10 năm đã bị cáo buộc 4 tội danh bắt cóc và 3 tội danh hiếp dâm

Trong một bức thư được phóng viên tìm thấy, Ariel Castro đã viết những lời thú nhận đáng sợ. "Tôi là một kẻ săn mồi tình dục, tôi cần được giúp đỡ". Phóng viên Taylor cho biết, Castro cũng từng tiết lộ “mong muốn tự tử và dùng toàn bộ số tiền của gã để bồi thường cho các nạn nhân".

Ngày 9/5, Ariel Castro xuất hiện tại tòa án cùng với anh em của mình, Pedro, 54 tuổi, và Onil, 50 tuổi. Các luật sư của vụ án cho biết họ đang tìm thêm chứng cứ để có thể buộc Ariel Castro phải chịu mức án tử hình.

Trong ảnh: Ariel Castro - Kẻ bắt cóc, giam cầm và hãm hiếp 3 cô gái trong gần 10 năm xuất hiện tại tòa án (Ảnh:AP).
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên