Châu Âu đau đầu tìm cách dung hòa giữa an ninh và tự do đi lại
VOV.VN - Các quan chức nội vụ và giao thông của châu Âu đang nỗ lực tìm phương cách bảo đảm an ninh đường sắt nhưng lại không gây hạn chế cho tự do đi lại.
Tăng cường kiểm soát, tuần tra và trao đổi thông tin tình báo, song không “phản ứng thái quá” trước các mối đe dọa khủng bố - đây là tuyên bố chung được Bộ trưởng Nội vụ và Giao thông 9 nước châu Âu có tuyến đường sắt nối liền đưa ra sau cuộc họp khẩn diễn ra hôm qua (29/8) tại thủ đô Paris, Pháp, 9 ngày sau vụ xả súng nhằm vào một đoàn tàu tốc hành từ Amsterdam (Hà Lan) tới Paris (Pháp).
Châu Âu đang tìm cách tăng cường an ninh đường sắt nhưng lại không ảnh hưởng đến tính thông suốt của hoạt động giao thông. Ảnh: Todayonline. |
Với sự tham gia của 9 nước châu Âu có tuyến đường sắt nối liền, gồm 8 nước thành viên Liên minh châu Âu và Thụy Sĩ, cuộc họp ngày hôm qua được tổ chức nhằm tìm ra một giải pháp hữu hiệu, dung hòa được giữa an ninh và tự do đi lại.
Phát biểu với báo chí sau cuộc họp, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho rằng, châu Âu hiện phải đối mặt với một mối đe dọa khủng bố ngày càng lan rộng đang tìm cách tấn công các giá trị của châu Âu.
Ông Cazeneuve nói: “Chúng ta đang phải đối mặt với một mối đe dọa khủng bố ngày càng lan rộng tấn công các giá trị của chúng ta. Tại cuộc họp, chúng tôi một lần nữa khẳng định sự đoàn kết và quyết tâm không thể lay chuyển cùng nhau chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa khủng bố. Chúng tôi nhấn mạnh, điều quan trọng và không thể thiếu là tăng cường hợp tác ở tất cả các cấp độ nhằm đảm bảo an toàn, an ninh hàng hóa và con người."
Tại cuộc họp, các Bộ trưởng đã nhất trí tăng cường trao đổi thông tin tình báo, đồng thời coi Hệ thống thông tin Schengen là cơ sở dữ liệu chung cho các lực lượng cảnh sát châu Âu. Và để phát hiện, cũng như ngăn ngừa tốt hơn hoạt động của những đối tượng nguy cơ cao, bộ trưởng Nội vụ và Giao thông 9 nước châu Âu cho rằng điều quan trọng không thể thiếu là phải triển khai những chiến dịch kiểm soát phối hợp và đồng bộ trên các tuyến đường, đồng thời tăng cường những quy định luật pháp châu Âu về kiểm soát vũ khí.
Cuộc họp diễn ra 8 ngày sau vụ tấn công nhằm vào đoàn tàu tốc hành Thalys từ Amsterdam (Hà Lan) tới Paris (Pháp) hôm 21/8 vừa qua. Vụ tấn công đã một lần nữa cho thấy những lổ hổng an ninh lớn tại châu Âu.
Chính điều này đã tạo cơ hội cho Ayoub El Khazzani, một thanh niên Morocco 26 tuổi và cũng là đối tượng theo dõi của các cơ quan tình báo châu Âu từ hơn 1 năm nay có thể dễ dàng mang vũ khí lọt qua các hàng rào kiểm tra an ninh.Và nếu không nhanh chóng bị các hành khách khống chế, thì có thể sẽ có rất nhiều nạn nhân.
Tuy nhiên để lấp những lỗ hổng an ninh lại không hề dễ bởi những quy định ràng buộc về tự do đi lại tại châu Âu, mà cụ thể là của những nước tham gia khối Schengen.
Tất cả các bộ trưởng đều thừa nhận, cái khó hiện này là làm sao dung hòa được giữa an ninh và tự do đi lại, mà không gây ảnh hưởng tới tính thông suốt của hoạt động giao thông. Cà 26 quốc gia trong khối Schengen (khu vực tự do đi lại giữa các nước châu Âu) đều đã xóa bỏ các đường biên giới vật lý và quy định về tự do đi lại cấm tái áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới mang tính hệ thống.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere, châu Âu không thể và không muốn triển khai một hệ thống kiểm soát nghiêm ngặt toàn bộ hành lý trên các chuyến tàu của Đức hay châu Âu. Bởi tại nước này có tới hàng triệu người đi tàu mỗi ngày và Đức không muốn những kẻ khủng bố đắc chí khi thấy tất cả các hành khách đều bị kiểm soát, tức là các giá trị của châu Âu cũng bị lung lay.
Ủy viên châu Âu về giao thông Violeta Bulc thì cho rằng, châu Âu không nên hành động thái quá, các phương tiện giao thông công cộng vẫn cần tiếp tục là một loại hình giao thông cởi mở và dễ tiếp cận. An ninh cần phải tương xứng với mối nguy cơ.
Violeta Bulc nói: “Tự do đi lại là một trong những thành tựu lớn nhất của chúng ta. Quả thực an toàn và an ninh luôn là mối quan tâm hàng đầu của mỗi người dân khi tham gia giao thông. Và tôi hy vọng và cũng tin tưởng rằng, chúng ta sẽ tìm ra được một giải pháp đúng đắn không làm tổn hại đến các giá trị cơ bản mà vẫn đảm bảo được an ninh châu Âu.”
Dự kiến, ngày 11/9 tới, nhóm chuyên gia về an toàn giao thông đường bộ châu Âu sẽ nhóm họp nhằm xác định liệu các biện pháp bổ sung có thể được triển khai ở cấp độ Liên minh châu Âu trong thời gian tới hay không để từ đó các nhà lãnh đạo châu Âu có thể đưa ra quyết định cuối cùng./.