Chính trường Pháp chia rẽ sau chiến thắng vòng 1 của đảng cực hữu
VOV.VN- Chiến thắng vang dội của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia ở vòng 1 bầu cử vùng hôm 6/12 khiến chính trường Pháp hoang mang và chia rẽ nghiêm trọng.
“Cú sốc”
Đảng Mặt trận quốc gia (FN) đã về nhất tại 6/13 vùng trong nội địa nước Pháp. Trang Nhất các tờ báo lớn như Le Figaro và L’Humanité giật dòng chữ “Cú sốc”.
Lãnh đạo Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen ăn mừng thắng lợi sau kết quả vòng 1 bầu cử vùng ở Pháp. Ảnh AFP. |
Nhưng đó không hẳn là cú sốc mà là điều đã được dự đoán có thể xảy ra. Chỉ khác là ngay cả những người bi quan nhất cũng không nghĩ FN có thể thắng lớn đến thế ở vòng 1. Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, kịch bản được nhắc đến nhiều nhất là FN sẽ thắng ở 2 vùng: Nord-Pas de Calais-Picardie và Provence-Alpes-Côtes d’Azur (PACA) và sẽ so kè quyết liệt với các đối thủ khác ở 2 vùng Normandie và Bourgogne- Franche-Comte. Kết quả: FN thắng đến 6 vùng, vượt xa cả những ước muốn của chính đảng này.
Dù vẫn phải đợi đến hết vòng 2 diễn ra vào ngày 13/12 mới biết được đảng nào mới thực sự chiến thắng, nhưng với FN, đây đã là một cú đột phá lịch sử. Với các đảng phái khác, đặc biệt là 2 đảng truyền thống là đảng Xã hội (PS) cánh tả và đảng Les Républicains (LR – Những người cộng hòa, trước là UMP) cánh hữu, đây lại là thất bại lịch sử.
Có một chi tiết cần nhắc lại: cánh tả và cánh hữu đã độc chiếm vai trò lãnh đạo tại các vùng nước Pháp từ suốt 30 năm qua và chưa khi nào FN có thể chen chân vào “đánh chiếm” được dù chỉ một vùng. Đặc biệt, ở kỳ bầu cử vùng gần nhất năm 2010, các đảng cánh tả, dẫn đầu là PS, chiến thắng ở 21/22 vùng nước Pháp (số vùng bị sáp nhập, giờ chỉ còn 13 vùng).
Lời cảnh báo nghiêm trọng
Với thắng lợi bước đầu này, FN đã tiến một bước dài trên con đường đầy tham vọng là trở thành chính đảng lớn nhất nước Pháp. Do con số cử tri đi bầu vòng 1 không quá cao (51,11%) và vai trò không quá lớn của cuộc bầu cử vùng so với các cuộc bầu cử khác (Tổng thống, lập pháp, địa phương) trong nền chính trị Pháp nên ý nghĩa của việc là “số 1” không quá lớn ở thời điểm này, nhưng điều quan trọng là số phiếu mà FN giành được đã củng cố thêm một lần nữa nhận định rằng đà thăng tiến của đảng này là không thể cưỡng lại được.
Trước đó, trong vòng 2 năm qua, FN đã liên tiếp giành được những thắng lợi mang tính chiến lược ở tất cả các cuộc bầu cử lớn, từ bầu cử châu Âu cho đến bầu cử địa phương.
Lãnh đạo Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen phát biểu tại cuộc họp báo ở Lille |
Điều đặc biệt quan trọng khác: cú đột phá ngoạn mục này của FN đến vào lúc chỉ còn 18 tháng nữa là nước Pháp sẽ phải bầu ra một vị Tổng thống mới. Hơn cả một cú sốc, đó còn là một lời cảnh báo nghiêm trọng.
Chính trường Pháp náo loạn
Gần như ngay lập tức, chiến thắng vang dội của FN hôm Chủ nhật khiến chính trường Pháp náo loạn. Các đảng phái lớn như PS hay LR đã triệu tập các cuộc họp khẩn cấp của ban lãnh đạo để đề ra chiến lược đối phó. Cựu Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy, lãnh đạo đảng LR, tuyên bố cứng rắn rằng các ứng cử viên (ƯCV) đảng ông sẽ không rút lui và cũng không sáp nhập với bất cứ liên minh nào để chống lại FN. Thay vào đó, ông Sarkozy chỉ trích gay gắt các cử tri vắng mặt và kêu gọi họ thể hiện tinh thần trách nhiệm bằng cách đi bỏ phiếu nhiều hơn vào ngày 13/12 tới để chặn đứng đà tiến của FN.
Nhưng PS thì không có được sự tự tin nhất định như LR. Thất bại gần như toàn diện tại tất cả các vùng, lãnh đạo PS đã phải kêu gọi các ƯCV của đảng mình rút ra khỏi các danh sách tranh cử để dồn phiếu của cử tri ở vòng 2 cho các đối thủ của FN. Đích thân Thủ tướng Pháp, Manuel Valls, người của đảng PS, đã phải lên tiếng thúc giục cử tri bỏ phiếu cho đối thủ lớn nhất của đảng mình từ bao lâu nay là LR ở 3 vùng là PACA, Nord-Pas de Calais-Picardie và Alsace-Champagne Ardenne-Lorraine để tạo nên một “con đập cộng hòa” ngăn chặn FN.
Sự hoang mang lấn át lí trí
Tuy nhiên, hiện tại thì sự hoang mang đang lấn át lí trí. Lời kêu gọi và chiến thuật mà các ban lãnh đạo PS hay LR lập tức bị chính các ƯCV trong nội bộ các đảng này phản đối. Jean Pierre Masseret, ƯCV của PS ở vùng Alsace-Champagne Ardenne-Lorraine tuyên bố ông sẽ không nghe theo chỉ đạo của đảng mình là rút lui ở vòng 2 vì theo ông, rút lui hay không thì cũng không phải là biện pháp hiệu quả để đối phó với FN.
Tương tự, các nhân vật lãnh đạo quan trọng của đảng LR như cựu Thủ tướng Jean Pierre Raffarin hay Phó Chủ tịch đảng Nathalie Kosciuko-Morizet, công khai phản đối chiến lược “không rút lui, không sáp nhập” của ông Nicolas Sarkozy và cho rằng vào thời điểm này, các ƯCV yếu thế của LR phải rút lui để dồn sức cho một đối thủ khác đánh bại FN hôm 13/12 tới. Sự chia rẽ trên chính trường Pháp hiện đang lên đến đỉnh điểm.
Nguy cơ đổ vỡ cho cả châu Âu
Ngoài xã hội và trên bình diện châu lục, chiến thắng áp đảo của FN ở vòng 1 bầu cử vùng, cũng đang tạo ra những tranh luận gay gắt. Báo chí các nước như Đức, Italy, Hà Lan…đồng loạt chỉ trích mạnh mẽ thái độ của cử tri Pháp, khi cho rằng những người này đã để sự sợ hãi lấn át lí trí nên bỏ phiếu cho FN và tạo nên một nguy cơ đổ vỡ không thể hàn gắn không chỉ cho nước Pháp mà cho toàn bộ châu Âu.
Dư luận Pháp thì nhìn nhận vấn đề ở góc độ nội tại, theo đó thắng lợi của FN một lần nữa thể hiện sự giận dữ tột cùng của các cử tri Pháp trước sự bế tắc hiện nay của nước Pháp. Sự bế tắc đó đến từ cách điều hành thất bại của đảng cầm quyền Xã hội PS, của những đấu đá nội bộ be bét của đảng Những người Cộng hòa LR và của cả những lo sợ an ninh ngày càng lớn sau vụkhủng bố đẫm máu tại Paris hôm 13/11.
Trong tình cảnh bế tắc đó, họ buộc phải tìm đến đảng Mặt trận quốc gia FN như một cái phao cứu sinh, khi đảng cực hữu này luôn mạnh mẽ đưa ra các tuyên bố cực đoan như sẽ đấu tranh không khoan nhượng với Hồi giáo, nhập cư, hứa hẹn đóng cửa biên giới và lấy lại chủ quyền cho nước Pháp thoát khỏi sự lệ thuộc vào Liên minh châu Âu.
Vì thế, kết quả của vòng 1 cuộc bầu cử vùng hôm 6/12 trước hết là thất bại của cả nền chính trị Pháp hơn là thắng lợi đơn thuần của đảng Mặt trận quốc gia cực hữu FN./.